"Chúng ta đứng trước nguy cơ là không còn bất kỳ một đồng nào để đầu tư phát triển nữa. Hiện nay gần 70% NSNN dùng cho chi thường xuyên, còn lại là dịch vụ nợ chiếm hơn 30%. Như vậy là toàn bộ 100% NSNN chỉ để chi cho hai việc ấy thôi", chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích.
Nợ công của Việt Nam nguy hiểm hơn các nước khác
Nợ công của Việt Nam đang tiến gần tới kịch trần 65% GDP cho phép. Tuy nhiên điều đáng nói là trong vòng 5 năm trở lại đây nợ công đã tăng gấp đôi. Ông bình luận gì về vấn đề này?
- Nợ công của chúng ta hiện nay có 4 đặc trưng nổi bật. Thứ nhất là, nợ công tăng nhanh hơn mọi dự báo, kể cả những dự báo bi quan nhất, thậm chí vượt cả dự tính của Bộ Tài chính. Đây là một trong những dấu hiệu nguy hiểm nhất và ngày càng hiện hữu rõ hơn. Hai là, nợ công chưa được hiểu hết, chưa được tính đúng, tính đủ mà nó đã tạo ra áp lực như vậy rồi, nếu tính đúng, tính đủ nó còn tăng hơn nữa, thậm chí gấp đôi mức hiện nay. Thứ ba là, cơ chế quản lý nợ, trả nợ, trách nhiệm đối với nợ chưa thật rõ ràng. Và cuối cùng nữa là, vẫn còn các tác nhân khác gây ra khiến cho nợ công còn tiếp tục tăng nhanh, mà tác nhân lớn nhất ở đây chính là đầu tư công, là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), là quản lý nhà nước.
Đây là 4 đặc trưng cơ bản của nợ công ở Việt Nam, đồng thời cũng là 4 dấu hiệu đáng báo động của nợ công việt Nam.
Nhưng trên thế giới nước nào mà chả có nợ công, thưa ông?
- Nếu chúng ta nhìn rộng ra về nợ công, thì chúng ta thấy rằng, thực ra con số 65%, thậm chí là 100% không quan trọng, mà quan trọng là ở khả năng trả nợ, khả năng thu ngân sách, khả năng chi tiêu… So với các nước khác, thì nợ công của chúng ta còn nguy hiểm gấp đôi. Vì sao? EU họ cũng nợ công, nhưng họ có cộng đồng, có những nước mạnh như nước Đức, có IMF, có các tổ chức tài chính khác hỗ trợ cho nên họ vẫn điều chỉnh được. Mỹ cũng nợ công lớn nhưng họ có đồng đô la, có lượng dự trữ lớn, có uy tín, có thể chế. Nhật Bản cũng vậy. Hầu hết các nước khác cũng đều như vậy.
Tỉ lệ nợ công ở Việt Nam không phải là quá nguy hiểm, thế nhưng xét về khả năng trả nợ, uy tín thì Việt Nam thuộc diện tốp nguy hiểm. Bởi vì: Thứ nhất, dự trữ ngoại tệ của ta rất hiếm, rất mỏng. Thứ hai là, độ ổn định bền vững của kinh tế không lớn. Nguồn thu ngày càng hẹp lại. Tiếp nữa là sự lỏng lẻo trong cơ chế dẫn đến thất thoát quá lớn. Xử lý trách nhiệm nợ công không thật rõ ràng... Đấy là những lý do khiến cho nợ công của chúng ta nguy hiểm hơn nhiều nếu so với các nước khác. Ví dụ, nợ công ở Mỹ muốn tăng được phải do Quốc hội thông qua. Ở ta có khi tăng xong rồi thì Quốc hội mới được thông báo và buộc phải thông qua. Thứ 3 là, sự phân công, phân cấp và hiểu về nợ nó không thật đầy đủ, không những không đúng chuẩn thế giới mà trách nhiệm của người quản lý nợ cũng chưa được quy định, nếu không muốn nói là không phải chịu trách nhiệm gì. Ở các nước khác nếu ai gây ra nợ công sẽ bị chỉ đích danh và phải chịu trách nhiệm.
Theo ông thì tác nhân chính nào khiến cho nợ công của Việt Nam tiếp tục phi mã?
- Có 2 tác nhân khiến cho nợ công của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới là DNNN và đầu tư công.
Đối với vốn vay cho DNNN lâu nay chúng ta không tính vào nợ công, nhưng đáng ra là phải tính. Ví dụ như Vinasin chẳng hạn, bao nhiêu NSNN, tiền đi vay đổ vào đấy.
Đầu tư công cũng vậy. Việc quy hoạch, hệ thống quy hoạch, trách nhiệm quản lý quy hoạch, sự phân công, phân cấp quản lý cho các địa phương là rất yếu kém. Vì thế mới có chuyện tranh nhau làm dự án, đua nhau làm trụ sở, đền đài, lăng tẩm… bất chấp NSNN có còn tiền hay không. Mà những thứ này toàn là tiền đi vay. Vì thế nợ công của các địa phương được cộng dồn lại và đẩy lên Trung ương. Cuối cùng thì tất cả nợ đó đổ hết lên vai người dân, lên thế hệ tương lai.
Thế nhưng, điều trớ trêu là hiện nay lại chưa ai có đủ thẩm quyền để báo động ở mức cao nhất, xác lập lại nhận thức về nợ công để từ đó xác lập lại hệ thống pháp lý để xử lý nợ công một cách hữu hiệu, khoa học.
Chưa bao giờ áp lực nợ công lớn như hiện nay
Nguồn thu ngân sách của chúng ta một thời gian dài chủ yếu dựa vào dầu thô và thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên giá dầu tiếp tục giảm, thuế xuất nhập khẩu sắp tới, nhất là khi thực hiện hiệp định TPP, nhiều mặt hàng về gần bằng 0%, hoặc bằng 0%. Theo ông, sự thiếu hụt này sẽ được bù bằng cách nào?
- Khách quan mà nói thì hiện nay dầu mỏ không phải là nguồn thu lớn nhất, đã có thời kỳ là lớn nhất: khoảng 30%, thậm chí có lúc lên đến 60%, nhưng hiện nay, theo dự toán, chỉ trên dưới 10%, còn thực tế chỉ khoảng 5%- 6% như năm ngoái. Còn từ các nguồn thu khác thì đang tăng lên. Đấy là cái khách quan.
Nhưng quả thật giới hạn của nguồn thu ngân sách hiện nay đang rất bí vì thuế chỉ có thể giảm chứ không tăng lên được, trừ một vài loại đặc biệt. Thứ nữa là vay nợ cũng hết, bởi vì vay nợ cũng là một nguồn thu ngân sách. Nợ trái phiếu đã tới giới hạn. Nợ công thì bây giờ phải chuyển sang vay thương mại, chứ không thể vay ODA được nữa.
Nếu nhà nước tiếp tục vay nợ thương mại thì sẽ cạnh tranh với doanh nghiệp, với các hoạt động kinh tế khác. Như vậy sẽ đẩy lãi suất đi lên. Đẩy lãi suất lên sẽ tạo ra sự trì trệ trong nền kinh tế. Nền kinh tế không phát triển được sẽ giảm nguồn thu. Nó thành một cái vòng luẩn quẩn.
Trong khi đó những nguồn thu khác không có nhiều. Bởi vì nền kinh tế của chúng ta không có yếu tố gây đột biến. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà hàng rào thuế quan đang ngày càng trở về gần bằng 0% hoặc bằng 0%, thì đúng là nguồn thu cho NSNN là vô cùng khó khăn.
Ông có thể nói cụ thể hơn, nợ công của chúng ta trong thời gian tới sẽ như thế nào không?
- Theo khuyến cáo của World Bank, những nước như Việt Nam, nợ công phải ở mức dưới 25% tổng thu ngân sách thì mới an toàn, nhưng nợ công của chúng ta đã vượt con số ấy rất nhiều. Tuy nhiên năm 2016- 2017, thậm chí là năm 2022 mới là cao nhất. Thế cho nên rõ ràng trong vài năm tới nợ công vẫn tiếp tục tăng và tăng vượt chuẩn an toàn của một nước chớm phát triển (trung bình) như Việt Nam.
Điều cần nói làchúng ta đang phải tiến tới giai đoạn đảo nợ, vay đảo nợ. Mặc dù trước đó chúng ta có vụ vay một tỷ USD khá tốt. Vay lãi suất thấp, trả cho món nợ có lãi suất cao. Nhưng trong tương lai ta lặp lại điều đó sẽ phản tác dụng, vì các chủ nợ sẽ không cho vay như trước đây nữa. Người ta biết chúng ta “cháy túi” rồi nên đừng hòng người ta cho vay như trước đây nữa. Mình xin vay 1 tỷ USD, “họ” cho 10 tỷ lãi suất giảm 2/3, nhưng đấy là thời kỳ mình đang lên, đang có uy tính nhất. Người ta cứ tưởng mình vay để làm gì chứ nếu biết để trả nợ thì chắc chắn họ không cho như kiểu đã từng cho.
Một vấn đề nữa là nếu tình trạng này tiếp tục thì chúng ta đứng trước nguy cơ là không còn bất kỳ một đồng nào để đầu tư phát triển nữa. Hiện nay gần 70% NSNN là dùng cho chi thường xuyên (mức chính xác nhất là trên 64%), còn lại là dịch vụ nợ. Dịch vụ nợ là hơn 30%. Như vậy là toàn bộ 100% NSNN chỉ để chi cho hai việc ấy thôi. Không có đầu tư công, không có các đầu tư khác nữa. Có thể nói chưa bao giờ Việt nam đứng trước áp lực nợ công lớn như bây giờ.
Không phải ngẫu nhiên mà các báo cáo của Chính phủ vừa rồi nhắc nhiều đến việc phải kiểm soát nợ công, nếu không sẽ tạo ra chuỗi domino rất nguy hiểm: nợ công vỡ, uy tín giảm, môi trường đầu tư xuống dốc, doanh nghiệp không đầu tư nữa, ngân hàng không huy động được tiền nữa và người dân đem tiền mua vàng tích trữ... Lúc ấy thì ngân khố sẽ rỗng, nền kinh tế ảm đạm, nguồn thu không có và buộc phải vay nợ rất nhiều, hoặc buộc phải vỡ nợ. Từ vỡ nợ sẽ kéo theo an sinh xã hội kém đi, xã hội sẽ bất ổn. Bài học ở châu Âu cho thấy từ khủng hoảng kinh tế kéo theo khủng hoảng xã hội, rồi khủng hoảng chính trị...Đó là chưa nói đến nạn tham nhũng, sự chống phá từ các thế lực thù địch. Đây là nguy cơ hiện hữu chứ không còn là cảnh báo nữa.
Thưa ông, liệu việc tiếp tục phát hành trái phiếu chính phủ ra nước ngoài có làm giảm bớt “cơn khát” ngân sách không?
- Thực ra thì bất kỳ một “con nợ” nào khi cần đều phải đi vay. Vay lung tung: vay trong nước, vay nước ngoài. Đi vay còn tốt hơn là in tiền. Chúng ta đã từng thấm thía điều này. Có thời kỳ chúng ta bị ngộ nhận về quyền lực, ngộ nhận về sức mạnh của cái máy in tiền. Cho rằng nó là của mình nên cứ thiếu tiền là in. Phi quy luật. Nó tạo ra cơn lũ về lạm phát. Ngoài vấn đề lạm phát về giá cả, lạm phát về cung- cầu, còn lạm phát về tiền tệ nữa. Điều tồi tệ hơn nữa là, nếu in tiền thì dòng thác lạm phát sẽ xóa sạch tất cả thành công của công cuộc đổi mới và thậm chí đẩy nhanh hơn sự đổ vỡ cả hệ thống. Nhưng nếu đi vay, như tôi vừa nói, cũng không hề đơn giản. Tây Ban Nha cũng phải đi vay. Tuy nhiên, Tây Ban Nha có cả EU nâng đỡ, nhưng họ cũng phải vay với lãi suất lên tới 17%. Ta kham nổi lãi suất ấy không? Đừng tưởng đi vay được lãi suất thấp đâu. Càng vay nhiều thì lãi suất càng cao bởi lúc ấy uy tín kém rồi, khả năng trả nợ kém rồi, nên người ta càng phải áp dụng loại “tín dụng đen” nhiều hơn.
Cho nên không nên kỳ vọng việc cứ thế mà đi vay, vì không những đi vay sẽ chất gánh nặng cho con cháu mà còn tự gây nguy hiểm cho chính mình trong hiện tại.
Điều vô cùng quan trọng là phải có cơ chế để xử lý nợ, nguồn vay nợ cũng như các tác nhân khiến cho nợ công tăng, chứ cứ thiếu tiền là đi vay mà cơ chế thì vẫn như cũ, vẫn tham nhũng, vẫn bòn rút của công, vẫn xây trụ sở, văn phòng, đền đài, lăng tẩm, vẫn 70% ngân sách chi thường xuyên thì chắc chắn chỉ có đẩy tới các nguy cơ khủng hoảng toàn diện mà thôi.
Đẩy mạnh xã hội hóa, cắt giảm chi lương
Như ông nói thì tình hình có vẻ hơi bi quan quá chăng?
- Vì thế chúng ta mới phải đổi mới mô hình. Thay vì đầu tư công ta chuyển sang đầu tư ngoài công. Thay vì nhà nước làm ta chuyển sang tư nhân làm. Thay vì DNNN là chủ đạo thì kinh tế tư nhân là chủ đạo. Vấn đề này, về cơ bản, chúng ta đã nhận thức được rồi. Chắc chắn là trong thời gian tới phải chuyển mạnh các hoạt động đầu tư, thậm chí biến các dự án đầu tư công hiện nay, các dự án đầu tư hạ tầng lớn xuyên quốc gia, kể cả hải cảng, sân bay, thành vốn tư nhân, thành công trình tư nhân.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng đã đến lúc cần đổi mới mô hình, thay vì đầu tư công ta chuyển sang đầu tư ngoài công, thay vì nhà nước làm ta chuyển sang tư nhân làm
Hiếm có một nước nào lực lượng ăn lương từ NSNN lại lớn như ở ta. Bộ máy Đảng, Nhà nước, Đoàn thể, Hội, thậm chí cả các hội nghề nghiệp nữa. Theo ông phải xử lý vấn đề này như thế nào trong thời gian tới?
- Điều nguy hiểm hiện nay là NSNN đang phải “nuôi” quá nhiều người. Ngoài bộ máy Đảng, bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cấp xã, phường ra còn “phải nuôi” các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể, các hội, thậm chí cả các hội nghề nghiệp nữa. Như vậy nếu muốn giảm nợ công cho tương lai thì phải cùng lúc giảm nợ đầu tư công và giảm chi thường xuyên cho các bộ máy như vừa kể trên, đồng thời phải tăng tăng vốn cho đầu tư phát triển để có nguồn thu. Vì vậy, trong thời gian tới phải xã hội hóa tất cả các khâu, các lĩnh vực, các ngành nghề có thể xã hội hóa được. Đồng thời phải mạnh dạn cắt bỏ chi thường xuyên. Phải để cho các tổ chức xã hội, nhất là các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đoàn thể, hội, hiệp hội, trừ một số tổ chức đặc biệt như tổ chức Đảng, phải độc lập, tự chủ trong trong việc tìm kiếm nguồn thu và chi.
Điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, thực ra thu hút nguồn tiền không phải là quá khó. Tiền trong dân, của các nhà đầu tư còn nhiều, nhưng cái khó là chúng ta không có những cơ chế hữu hiệu để thực hiện các dự án khả thi thực sự mang lại hiệu quả cao, thiếu đội ngũ thực hiện chuyên nghiệp, thiếu môi trường pháp lý trong sạch, thiếu niềm tin vào thể chế. Nếu chúng ta không kịp thời khắc phục những hạn chế ấy thì nền kinh tế của chúng ta sẽ không thể phát triển được.
Vậy là chúng ta chưa nhìn thấy điểm sáng nào sao, thưa ông?
- Nếu xét về kinh tế, thì tổng thể, sẽ khá hơn lên. Tức là kinh tế sẽ phát triển. Theo ADB đánh giá, năm nay kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ phát triển thứ hai châu Á, đó là do tác động của công cuộc cải cách vừa qua về môi trường, về thể chế, sự tự do hóa và đặc biệt là việc chúng ta tham gia vào AFTA. Tất cả những điều này đã và đang tạo ra động lực mới cho tư nhân, cho đầu tư nước ngoài cũng như cho các cải cách thể chế, đặc biệt là cho sự phát triển kinh tế trong nước và đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội làm ăn cũng sẽ khá lên.
Tuy nhiên, những điểm sáng đó chỉ có thể được thắp lên thành những bó đuốc, khi chúng có cơ chế giám sát nợ công, vĩ mô phải ổn định, lòng tin đối với các nhà đầu tư phải được xác lập. Lúc ấy, dù kinh tế nhà nước có kém thì kinh tế tư nhân vẫn sẽ khá lên.
Về chính trị, phải nhất quán, minh bạch hóa, làm rõ hơn thể chế, con đường đổi mới. Khác với trước đây, một số người táo bạo đi tiên phong có thể bị bắt lỗi, rủi ro chính trị, nhưng khi mình đã tham gia hội nhập quốc tế rồi, nhất là sau khi tham gia hiệp định TPP thì cứ nói và làm theo đúng những gì mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế là chuẩn. Hi vọng nếu ta làm tốt chuẩn đó, cộng với tinh thần khởi nghiệp và sự năng động của người Việt thì đất nước sẽ khá hơn. Nhưng riêng vấn đề nợ công và tinh giản bộ máy nhà nước đòi hỏi phải có một quyết tâm chính trị rất cao.
Xin cám ơn ông!
Chính phủ nợ 2,37 triệu tỷ đồng
Nhận định Chính phủ vẫn đảm bảo thanh toán nợ, song Kiểm toán Nhà nước cho rằng hệ số thanh toán trả nợ cao, gây ... |
Đầu năm bàn chuyện cổng chào, nợ công
Những hình ảnh về cổng chào của một số địa phương vừa được các kênh truyền thông đưa lên khiến ai cũng phải giật mình. ... |
Bộ trưởng Tài chính: Việt Nam đã đủ bản lĩnh để từ chối vay lãi cao
Tiếp tục Hội nghị trực tuyến Chính phủ, sáng 29.12, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, áp lực nợ công đã giảm ... |
Nợ công như lửa cháy ngang mày
Trung bình mỗi người dân Việt đang gánh 30 triệu đồng nợ công. Dự báo đến năm 2020, nợ công sẽ là 4,2 triệu tỉ ... |
Bộ trưởng Tài chính: Nợ công vẫn trong giới hạn cho phép
Bộ trưởng Tài chính khẳng định nợ công đang từng bước được kiểm soát chặt chẽ và vẫn đang trong giới hạn cho phép. |
Vay thêm 1 đồng là nợ công rất gay go
Với cơ chế hiện nay, việc xác định trách nhiệm chính quản lý các khoản vay nước ngoài (ODA) rất phức tạp, khó kiểm soát ... |
Ngày đăng: 00:00 | 15/04/2018
/