Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá khu vực biên giới tại thành phố Hà Tiên là điểm nóng, tình trạng nhập cảnh cả chính ngạch và trái phép phức tạp, cần chuẩn bị kịch bản trong tình huống xấu hơn.

"Bộ Y tế chỉ đạo Hà Tiên lập bệnh viện dã chiến, có khu cấp cứu đạt mức độ cao trong tình huống dịch lan rộng, có những ca nặng cần điều trị ngay tại chỗ", ông Long nói khi thị sát công tác phòng chống dịch tại Kiên Giang, ngày 18/4.

Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ phối hợp địa phương xây dựng các phương án thành lập những khu vực điều trị có thể tiếp nhận bệnh nhân nặng đến rất nặng. Nhân viên y tế địa phương cũng được tập huấn điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Ngoài thiết lập bệnh viện dã chiến, Bộ trưởng Long yêu cầu lãnh đạo tỉnh Kiên Giang xây dựng hệ thống xét nghiệm rộng, nhanh, đảm bảo trong tình huống dịch lan rộng. Viện Pasteur TP HCM hỗ trợ thiết lập các labo xét nghiệm đủ tiêu chuẩn tại Hà Tiên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.

Kiên Giang là tỉnh giáp biên giới với Campuchia - vùng dịch đang bùng phát mạnh, với hơn 56 km biên giới trên đường bộ lẫn trên biển, cùng hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ. Bộ Y tế nhận định Kiên Giang là địa phương có "đường biên dài, vùng biển rộng nhưng khoảng cách nhỏ". Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Kiên Giang, đặc biệt là khu vực biên giới tại thành phố Hà Tiên là rất lớn. Hiện những ca nhập cảnh được ghi nhận qua cửa khẩu này đều là ca cách ly ngay.

Bộ trưởng Long chỉ đạo ngành y tế chuẩn bị kịch bản trong tình huống xấu hơn, trong đó có kế hoạch thiết lập bệnh viện dã chiến. Ông kêu gọi người dân nên nhập cảnh đường chính ngạch, đặc biệt khi phát hiện người nhập cảnh trái phép cần báo chính quyền địa phương ngay.

"Người dân là tai là mắt, giám sát cộng đồng rất tốt", ông Long nói.

Chuẩn bị kịch bản lập bệnh viện dã chiến ở Hà Tiên

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (thứ 3 từ phải) kiểm tra công tác phòng chống dịch ở Kiên Giang, ngày 18/4. Ảnh: Bộ Y tế.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết đã dự đoán được nguy cơ dịch bệnh khi Covid-19 ở nước láng giềng diễn biến phức tạp. Tỉnh kiến nghị Bộ Y tế trang bị thêm 2 máy xét nghiệm nCoV có giá trị khẳng định, hỗ trợ nâng cao năng lực phòng hồi sức tích cực (ICU), thêm hệ thống oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO).

Tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị được ưu tiên phân bổ vaccine Covid-19, mở rộng diện tiêm chủng cho tình nguyện viên, người dân trên đảo Phú Quốc để kích cầu du lịch, phát triển kinh tế...

"Các tỉnh biên giới phía Tây Nam là khu vực nóng nên đã được ưu tiên trong các kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19", Bộ trưởng nói. Tại Kiên Giang, tất cả lực lượng biên phòng trên địa bàn tỉnh đã được tiêm phòng mũi một và sắp tới sẽ triển khai tiêm mũi thứ hai. Dự kiến trong tháng 5 tiếp nhận thêm lô vaccine Covid-19, Bộ Y tế sẽ ưu tiên cho những khu vực này.

Từ cuối tháng 2 đến nay Campuchia bùng phát Covid-19, thủ đô Phnom Penh và thị xã Takhmao lân cận bị phong tỏa. Đến nay nước này ghi nhận gần 6.400 ca, 43 người tử vong; trong khi cả năm ngoái Campuchia chỉ ghi nhận hơn 400 ca nhiễm và là một trong những nước ít ca Covid-19 nhất thế giới vào thời điểm đó.

Lê Nga

15 giờ thần tốc lập Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ 15 giờ thần tốc lập Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ
7 ngày "thần tốc" lập Bệnh viện dã chiến số 3 7 ngày "thần tốc" lập Bệnh viện dã chiến số 3

Ngày đăng: 14:56 | 19/04/2021

/ vnexpress.net