Chủ tịch TP.HCM cho biết, có tình trạng các F0 trở nặng tại khu cách ly tạm thời của quận, huyện gọi về thì bệnh viện không tiếp nhận, gây ra tình trạng trở nặng.

Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 họp định kỳ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, từ 6h ngày 16/7 đến 6h ngày 17/7, thành phố ghi nhận hơn 2.800 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Phần lớn số ca bệnh nằm trong khu cách ly, phong tỏa (81,34%); 420 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện.

Tập trung điều trị F0 nặng và ngăn chặn tử vong

Theo ông Phong, quan tâm lớn nhất của TP hiện nay là tập trung điều trị F0 nặng và ngăn chặn tử vong. Có tình trạng các F0 trở nặng tại khu cách ly tạm thời của quận, huyện gọi về bệnh viện thì bệnh viện không tiếp nhận, gây ra tình trạng trở nặng, thậm chí rất nặng dẫn đến tử vong. Ông Phong cho biết TP đã làm việc với Sở Y tế chỉ đạo rà soát và hoàn thiện tiếp nhận F0 và chuyển bệnh nhân về bệnh viện điều trị COVID-19.

"Ngày hôm qua, tôi đã có lời đến tất cả giám đốc bệnh viện, nếu số giường còn thừa mà không tiếp nhận bệnh thì các đồng chí không xứng đáng làm bác sĩ nữa chứ đừng nói là viện trưởng. Tôi đã có công văn làm rõ việc này", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Chủ tịch TP.HCM: Có tình trạng bệnh viện không nhận F0 trở nặng tại khu cách ly - 1
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong. (Ảnh: TTBC)

Ông Phong yêu cầu Sở Y tế xây dựng bản đồ khu cách ly tạm thời tại các bệnh viện; bệnh viện dã chiến điều trị F0 không có triệu chứng hoặc nhẹ; bệnh viện điều trị F0 nặng và bệnh viện hồi sức tích cực.

Theo ông Phong, do số F0 tăng nhanh gây áp lực cho ngành y tế, TP đã thiết lập bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng với 1.000 giường tại TP Thủ Đức. Hiện TP cũng đang có cơ sở điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới với 300 giường và Bệnh viện Chợ Rẫy với 300 giường.

Tuy nhiên, Sở Y tế cũng ý kiến với TP.HCM đề nghị Bộ Quốc phòng và báo cáo Chính phủ xin phép thiết lập thêm bệnh viện chữa trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện 175. Đến sáng 17/7, Bộ Quốc phòng đã chấp thuận việc này.

Ông Phong cho biết hiện nay có tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, người dân vẫn còn giao lưu với nhau. TP đã kiên quyết yêu cầu các địa phương giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời phải tăng cường năng lực của tổ COVID-19 cộng đồng để kiểm tra, giám sát tại khu vực này.

Thành phố lo nhất khâu điều trị

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp. Số ca F1, F0 ngày càng tăng, không chỉ ở nơi phong tỏa mà còn ở ngoài cộng đồng, khu công nghiệp có đông công nhân.

Ông cho biết cả hệ thống chính trị đều tăng cường xuống tận cơ sở để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Tuy nhiên, lác đác chỗ này, chỗ khác còn xuất hiện người dân tụ tập.

Bí thư Nên chia sẻ, mới đây ông nhận được một video clip cho thấy khi một khu vực có người xuất hiện, phân phối lương thực, thực phẩm thì mọi người tập trung rất nhanh và đông, phân phối xong lại ai về nhà nấy.

Chủ tịch TP.HCM: Có tình trạng bệnh viện không nhận F0 trở nặng tại khu cách ly - 2
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Ông đề nghị lãnh đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, phân công cho lực lượng theo tinh thần 5 tại chỗ để tự quản. Khi ai đến khu phong tỏa, cách ly mà có thể dẫn đến tụ tập thì phải có kiểm soát cụ thể.

"Nếu cứ truy vết những chỗ lây khác mà khu phong tỏa dịch vẫn phát triển thì rất khó kết thúc dịch trong thời gian đề ra", ông Nên nói.

Theo ông Nên, hệ thống y tế nhiều nơi đã quá tải, thiếu nhân lực, trang bị y tế. TP cũng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của Bộ Y tế để tăng cường nguồn nhân lực, chuẩn bị bệnh viện dã chiến và trang thiết bị.

Ông Nên cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia có cơ chế mua và nhập nhanh nhất các trang thiết bị vì một số thiết bị trong nước không đủ cung ứng, nhất là khâu hồi sức cấp cứu.

Bí thư Thành ủy TP cũng yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP phân công cụ thể cho hệ thống chính trị, giao cho các cấp ủy tăng cường xuống các cơ sở để giám sát, cùng lực lượng thực hiện phòng, chống dịch.

Lãnh đạo TP yêu cầu qua kiểm tra, phát hiện nơi nào không thực hiện nghiêm thì xử lý nghiêm khắc hơn.

"Hiện, việc lo nhất của thành phố là khâu điều trị bệnh nặng để hạn chế tử vong, chuẩn bị tình huống nếu có tử vong thì lo lắng chu đáo theo điều kiện cụ thể của từng nơi. Nhưng cũng có một số nơi làm chưa tròn bởi nhiều lý do, nhưng có nguyên nhân từ trách nhiệm", Bí thư Nên nhận định.

Mô hình điều trị F0 ở TP.HCM và những lưu ý với trường hợp tự cách ly tại nhà Mô hình điều trị F0 ở TP.HCM và những lưu ý với trường hợp tự cách ly tại nhà

Mới đây, TP.HCM chính thức thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà. Trong đó, cách ly, điều trị F0 với 2 nhóm đối tượng.

Rút ngắn thời gian điều trị F0 không triệu chứng: Bộ Y tế lý giải Rút ngắn thời gian điều trị F0 không triệu chứng: Bộ Y tế lý giải

Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải việc rút ngắn thời gian điều trị đối với bệnh nhân F0 không triệu chứng xuống còn 10 ...

TP.HCM thừa nhận tình trạng chậm chuyển F0 đi điều trị TP.HCM thừa nhận tình trạng chậm chuyển F0 đi điều trị

Tại cuộc họp báo thông tin về dịch COVID-19 tại TP.HCM chiều 13/7, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng thừa nhận ...

Ngày đăng: 14:11 | 17/07/2021

/ vtc.vn