Theo luật sư Vũ Quang Bá, nếu chủ nhà báo động cho mọi người và tỉnh táo trong phương án tự vệ thì đã không để xảy ra hậu quả đáng tiếc và bị truy tố tội Giết người.
Vụ án Lê Minh Phương (SN 1967, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) bị cơ quan CSĐT - Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khởi tố về tội Giết người vì đánh Nguyễn Đăng Tùng (SN 2002) bị thương tật 61% khi cho rằng nam thiếu niên lẻn vào nhà mình ăn trộm vẫn đang được dư luận quan tâm.
Nhiều người cho rằng, với hành vi đột nhập của bị hại trong vụ việc này, việc bị can Lê Minh Phương tự vệ, phòng vệ là cần thiết.
Nhận định pháp lý về vụ việc này, luật sư Vũ Quang Bá, công ty Luật Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: "Người có hành vi phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm khi đã chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác.
Trong vụ án này, trước hết cần làm rõ việc chống trả lại của Lê Minh Phương có cần thiết để ngăn chặn hành vi của Tùng. Liệu rằng, ngoài việc dùng kiếm chém nạn nhân thì Lê Minh Phương còn có giải pháp nào khác để có thể ngăn chặn, chống trả hành vi xâm phạm lợi ích của Tùng?".
Bị can Lê Minh Phương.
Theo luật sư Vũ Quang Bá, căn cứ lời khai ban đầu thấy rằng, nạn nhân đang thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thì bị phát hiện, nạn nhân không có hung khí cũng như chưa có hành động tấn công Phương và các thành viên trong gia đình. Do vậy, việc Phương chủ động dùng kiếm chém nạn nhân là quá mức cần thiết khi thực tế có thể lựa chọn những hành động khác tránh thiệt hại sức khỏe nạn nhân mà vẫn ngăn chặn được hành vi xâm phạm lợi ích của Tùng. Do đó, hành vi của Phương không thể được xem là phòng vệ chính đáng.
Liên quan đến quan điểm cho rằng do nạn nhân được xác định tỷ lệ thương tật 61% nên xem xét Lê Minh Phương tội Giết người trong tinh thần trạng thái bị kích động mạnh, luật sư Vũ Quang Bá nêu 2 vấn đề cần làm rõ.
Thứ nhất, nạn nhân phải tử vong thì người thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân mới cấu thành tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Nếu nạn nhân không chết và bị thương có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định tại Điều 105, Bộ luật Hình sự.
Thứ hai, việc xác định Lê Minh Phương có trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh hay không cần làm rõ. Hiện nay, chưa có một chuẩn mực để "đo" tình trạng kích động mạnh hay chưa mạnh về tinh thần của con người, mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, xem xét một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, nhân thân người phạm tội, quá trình diễn biến của sự việc, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, hoạt động xã hội, điều kiện sống, tính tình, quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân... Từ đó xác định mức độ bị kích động về tinh thần có mạnh hay không, mạnh tới mức nào.
Luật sư Vũ Quang Bá.
"Việc Lê Minh Phương dùng kiếm vật gây tính sát thương cao để chém liên tiếp nhiều nhát vào người và đầu nạn nhân là vị trí xung yếu trên cơ thể dễ gây tử vong. Trong trường hợp này, có thể nhìn nhận hành vi của ông chủ tiệm tạp hóa dưới hình thức lỗi cố ý gián tiếp khi nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Đây là một trong những cơ sở cơ quan điều tra khởi tố về tội Giết người đối với Lê Minh Phương", luật sư Vũ Quang Bá đánh giá.
Theo luật sư Vũ Quang Bá, nếu chủ nhà báo động cho mọi người và tỉnh táo trong phương án tự vệ thì đã không để xảy ra hậu quả đáng tiếc và bị truy tố tội Giết người. Trường hợp trộm không có hung khí, không tấn công thì chủ nhà nên chủ động báo động cho mọi người, lúc đó có thể cầm vật dụng để tự vệ. Nếu trộm chủ động tấn công thì tùy hoàn cảnh có thể chống trả lại hoặc đóng cửa phòng, báo động mọi người và nhờ người hỗ trợ.
Cơ quan CSĐT - Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can tội danh Giết người đối với Lê Minh Phương, đồng thời ra lệnh tạm giam 4 tháng để điều tra. Theo điều tra, Lê Minh Phương phát hiện Nguyễn Đăng Tùng đột nhập vào tiệm tạp hóa của gia đình lúc nửa đêm. Bị can Phương đã dùng kiếm chém người đột nhập vì nghi là trộm. Ngày 24/11, cơ quan CSĐT - Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định trưng cầu giám định gửi trung tâm Pháp y TP.Hà Nội để giám định tỷ lệ thương tích của Nguyễn Đăng Tùng. Kết quả giám định pháp y nêu rõ, Tùng bị tổn hại sức khỏe 61%. Trước đó, khi CQĐT có mặt tại hiện trường, Tùng đang nằm trong cửa hiệu tạp hóa của Phương với nhiều thương tích ở vùng đầu, tay, trong tình trạng lơ mơ thiếu tỉnh táo. Tại cơ quan công an, Phương khai nhận, hung khí ông ta dùng để đánh là một thanh kiếm sắt đầu nhọn, chuôi bằng gỗ dài 99cm, rộng khoảng 4cm. |
Tranh cãi xoay quanh việc khởi tố gia chủ chém trọng thương kẻ trộm Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, trong vụ gia chủ tấn công trộm đột nhập bị khởi tố tội giết người là quá nặng ... |
Chủ nhà chém kẻ trộm 61% thương tích: Trộm vào nhà, làm thế nào? Vụ việc ông chủ cửa hàng tạp hóa chém tên trộm vào nhà với 61% thương tích, bị truy tố tội Giết người đang gây ... |
Ngày đăng: 07:40 | 09/12/2017
/ nguoiduatin.vn