Cuộc chiến chống tham nhũng không phải làm trong một sớm, một chiều, và đặc biệt là không có chuyện "đánh ai" trong nội bộ.
Bài học kinh nghiệm về kiểm tra giám sát
Chiều 26/6, TAND cấp cao tại Hà Nội bác kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐTV/HĐQT PVN), tuyên y án 18 năm tù, buộc bồi thường 600 tỉ đồng trong vụ án PVN mất 800 tỉ khi góp vốn vào Oceanbank. Tổng hợp với bản án 13 năm tù đã tuyên với bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái khi triển khai Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, mức án ông Đinh La Thăng phải chịu là 30 năm tù.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm vụ PVN mất 800 tỉ khi đầu tư vào Oceanbank.
Trước đó, vào đầu tháng 5 vừa qua, HĐXX phúc thẩm cũng đã tuyên y án tù chung thân đối với Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank), tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn (cựu TGĐ Oceanbank) trong đại án Oceanbank.
Trên đây là 2 trong số hàng loạt vụ án kinh tế lớn gây thất thoát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước lần lượt được đưa ra xét xử công khai, đúng người, đúng tội trong thời gian qua, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo một niềm tin, một sự phấn khởi trong toàn dân, toàn Đảng.
Điều đó cũng khẳng định Đảng ta đã nhất quán giữa nói và làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, càng không có chuyện “hy sinh đời bố củng cố đời con” hay “hạ cánh an toàn”. Đây cũng là minh chứng cho thấy Đảng ta có đủ khả năng và bản lĩnh để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực nếu thực sự tôn trọng sự thật, tôn trọng công lý, biết dựa vào dân.
Theo ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ việc xử lý kỷ luật cán bộ thời gian qua cũng cho ta những bài học kinh nghiệm thấm thía, trong đó cho thấy sự yếu kém của công tác tổ chức cán bộ, từ đánh giá cán bộ không đúng dẫn đến bố trí không đúng, rồi buông lỏng kiểm tra giám sát thì mới dẫn đến hậu quả như vậy.
“Sung sướng gì khi nghe tin người đó hôm trước còn là đảng viên, thậm chí còn giữ vị trí lãnh đạo nhưng hôm sau đã lãnh án tử hình. Theo dõi những phiên tòa xét xử thời gian qua cho thấy, nếu như những cán bộ này được kịp thời kiểm tra giám sát, nhắc nhở, xử lý để răn đe thì có thể hậu quả đã không như vậy.
Xử lý người khác thì những cơ quan có trách nhiệm được giao việc này cũng phải công tâm, công minh để không gây oan sai cho ai, đồng thời cũng không để lọt tội phạm” – ông Vũ Quốc Hùng cho biết.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương, phòng chống tham nhũng là chủ trương của Đảng, Nhà nước và cũng là yêu cầu của nhân dân, không phải là công việc của cá nhân nào. Cuộc chiến này cũng không phải làm trong một sớm, một chiều, cũng không phải làm một lần là xong, và đặc biệt là không có chuyện "đánh ai" trong nội bộ.
Chống tham nhũng là cuộc chiến chống nội xâm, chống những sai lầm, vi phạm trong đội ngũ của mình. Ai mắc sai phạm, tùy vào mức độ đều phải chịu xử phạt theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Có thể nói từ Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, công cuộc phòng chống tham nhũng mới thực sự khởi sắc và đem lại niềm tin cho đảng viên và nhân dân. Những kết quả đạt được trong thời gian qua rất đáng ghi nhận và trân trọng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, bởi chống tham nhũng là cuộc chiến trường kỳ, quyết liệt không khác gì cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.
Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, đây cũng chính là lúc cần rút ra những vấn đề lý luận từ tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn để vạch ra chương trình hành động mới phù hợp với mục tiêu đề ra là phải cụ thể hóa những nơi, những cá nhân tham nhũng.
Đồng thời điều chỉnh kịp thời bằng cách sửa chữa và hoàn thiện các văn bản chính sách luật pháp để làm công cụ trong quản lý và kiểm tra, giám sát. Nếu làm tốt việc này thì sẽ giảm thiểu một cách tối đa tiêu cực xảy ra.
Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh các phương pháp chiến lược cần có một kế hoạch, chương trình và biện pháp để hỏi dân, lắng nghe dân. “Bởi lẽ, nếu thực tâm chống tham nhũng, hỏi dân là biết hết”.
Ủy ban Kiểm tra có thêm cẩm nang, vũ khí
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 01 quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng. Quy định này có 4 chương, 8 điều, quy định trách nhiệm và thẩm quyền của UB Kiểm tra từ cấp huyện và tương đương trở lên.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, từ trước đến nay, UBKT Trung ương đã phát huy được vai trò của mình, phát hiện, xử lý và đề nghị xử lý nhiều vụ việc. Còn ở cấp huyện cũng có nơi này, nơi khác tính chiến đấu chưa rõ rệt. Quy định mới được ban hành, giao thêm quyền và trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, giám sát cấp huyện cùng hành động, như vậy rộng mở thêm, tạo những điều kiện để công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
“Đây là điều rất đáng mừng, như thế UBKT các cấp được quy định rõ quyền, từ đó nâng cao vị thế, nhưng đồng thời đây cũng là trách nhiệm phải làm. Còn nếu không làm thì cũng phải xử lý việc đó. Những người không chống tham nhũng, không thực hiện theo quy định cũng phải bị xử lý” – ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ.
Như vậy khi có dấu hiệu tham nhũng từ cấp huyện thì phải được UBKT cấp huyện phát hiện và xử lý bước đầu. Như TPHCM vừa qua, UBKT tham mưu cho cấp ủy TPHCM đã xem xét sai phạm của ông Tất Thành Cang –Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.
Tuy nhiên, theo quy định, ông Cang là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nên sẽ chuyển vụ việc cho Trung ương thông qua UBKT Trung ương. Song đây cũng là minh chứng cho thấy TPHCM đã chủ động, làm nghiêm theo trách nhiệm của mình.
“Nếu cấp dưới không làm nghiêm chỉnh thì cấp trên phải xử lý sự việc, đồng thời cũng xem xét xử lý cấp dưới không đủ bản lĩnh, không có dũng khí chống tham nhũng” – nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương nêu rõ.
Tuy nhiên, theo ông, dù quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có chi tiết, cụ thể bao nhiêu cũng không đủ nếu như yếu tố con người không được coi trọng. Theo đó, Ủy ban kiểm tra các cấp cần xem lại đội ngũ của mình, làm thế nào chọn được những người có dũng khí, trí tuệ, trong sạch; còn những người đã “nhúng chàm” nếu nhẹ thì chuyển đổi, nếu vi phạm nghiêm trọng thì phải xử lý.
Ngay cấp ủy và những người đứng đầu cấp ủy cũng phải có những tiêu chuẩn như Trung ương đã quy định, trước tiên phải là những người có năng lực thực sự, trong sạch, đủ bản lĩnh, không sợ khó, không sợ nguy hiểm, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật thì cuộc chiến chống tham nhũng mới đạt kết quả.
Bên cạnh đó là tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của cả xã hội, giáo dục ý thức trách nhiệm, nhất là ý thức trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu và nhất là phải thường xuyên tăng cường việc kiểm soát quyền lực để không có những kẽ hở cho những kẻ lợi dụng những sơ hở đó để làm những điều bất chính, mưu cầu lợi ích cá nhân.
Vướng mắc sau vụ Vũ nhôm: Bài học từ Tân Thuận
Cần làm rõ những thỏa thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp cũng như việc mua bán giữa doanh nghiệp với ... |
Tham nhũng-thế lực thù địch, giặc nội xâm
Tham nhũng đang ngày càng tinh vi nhưng chưa hẳn không liều lĩnh, trắng trợn, bất chấp. Nhân dân quan ngại, cuộc chiến triệt trừ ... |
Không để Việt Nam thành “thiên đường” rửa tiền, né thuế
Việc siết chặt các quy định trong Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được kỳ vọng ngăn chặn rửa tiền, né thuế ... |
Ngày đăng: 08:41 | 27/06/2018
/ https://vtc.vn