Tết Âm lịch là dịp mà các gia đình dự trữ thực phẩm nhiều nhất trong năm. Chính vì thế, việc chọn mua thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của bà nội trợ.
Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra những tư vấn về việc chọn mua thực phẩm ngày Tết.
"Nhiều gia đình chọn phương án dự trữ rất nhiều thực phẩm ngày Tết để dành ăn lâu dài. Tuy nhiên, mọi người nên có dự trù cân đối món ăn trong ngày Tết. Từ đó, có kế hoạch chọn mua cụ thể tránh dư thừa lãng phí và mất an toàn vệ sinh thực phẩm" - bác sĩ Kim Liên khuyến cáo.
Cách chọn rau củ quả
Theo bác sĩ Kim Liên, rau chỉ nên để 3 – 4 ngày, nếu để quá thời gian này sẽ mất dần lượng vitamin, mất giá trị của rau.
Ngoài ra, chọn các loại rau, củ đúng theo mùa, tránh ăn loại trái mùa. Mua rau, củ, quả ở những cơ sở uy tín. Khi mua phải lựa loại còn tươi, nguyên cuống không dập nát, héo úa hay có đốm màu lạ.
Khi mua về cần nhặt sạch để thật ráo nước rồi cho vào túi ni lông buộc kín để trong ngăn mát tủ lạnh.
Chọn đồ tươi sống
Thịt nên để dưới 10 ngày vì sau Tết có thể dễ dàng và nhanh chóng mua thịt tươi bán thị trường. Ăn thực phẩm tươi là lựa chọn tốt nhất không phải ăn thực phẩm đông lạnh.
Khi lựa chọn thực phẩm tươi sống phải tươi ngon, không dập nát, đảm bảo nguồn gốc và có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Nơi bày bán phải thông thoáng, sạch sẽ.
Các loại thịt phải có màu tươi đặc trưng, không có mùi lạ, không lạnh, không có biểu hiện bơm nước, khi cắt ra thớ thịt mịn bóng không nhão.
Đối với các loại cá tốt nhất mua loại còn sống. Nếu mua hàng đông lạnh thì phải chọn loại có vảy óng ánh, thịt chặt, màu sắc bình thường, không ươn ôi.
Chọn thực phẩm đóng hộp
Các bà nội trợ nên chọn thực phẩm đóng hộp có hạn sử dụng xa, chọn cơ sở sản xuất đóng hộp an toàn có chứng nhận, có kiểm duyệt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hộp thực phẩm không bị sờn rách, méo mó.
Ngoài ra, nên kiểm tra bao bì phải có dán nhãn mác ghi đầy đủ nội dung: tên sản phẩm, trọng lượng, thành phần chính, cách bảo quản, nơi sản xuất, cách chế biến, tránh mua phải loại có sử dụng quá nhiều phụ gia gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình.
Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
Tủ lạnh vẫn là giải pháp hàng đầu để bảo quản thực phẩm ngày Tết. Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Bệnh viện Bạch Mai tư vấn thêm, đầu tiên phải làm sạch tủ lạnh trước khi trữ thực phẩm. Thực phẩm tươi sống trước khi đưa vào tủ lạnh cần làm sạch thực phẩm đấy. Phải sơ chế rau thật sạch giữ lại phần ăn được. Thực phẩm thịt rửa sạch để ráo nước.
"Tốt nhất nên chia suất ăn một ngày, mỗi bữa lôi một suất ra ăn. Thời gian đưa ra đưa vào thực phẩm dễ nhiễm khuẩn và nhanh hỏng.
Các bà nội trợ nên dùng màng bọc thực phẩm kín, hoặc dập hút chân không vì vi khuẩn phát triển trong môi trường không khí" - bác sĩ Liên nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Liên, trong dịp Tết nên có kế hoạch về các bữa ăn trước để sắp xếp khoa học. Món nào ăn trước để ra phía ngoài để lấy dễ dàng không phải đảo lộn thức ăn sắp xếp. Mỗi lần mở cửa tủ lạnh lâu quá sẽ làm mất dần nhiệt độ. Khi mất nhiệt độ, hơi lạnh toả ra ngoài, thực phẩm bị thay đổi nhiệt độ và nhanh hỏng hơn.
Thảo Anh
Ngày đăng: 15:59 | 17/01/2020
/ laodong.vn