Chính quyền Hong Kong gặp khó trong nỗ lực dập tắt biểu tình vì không biết phải liên lạc với ai trong phong trào không rõ thủ lĩnh này.
Là cố vấn hàng đầu cho chính phủ Hong Kong, Bernard Chan đang cố gắng tiếp cận các lãnh đạo biểu tình để đạt được thỏa thuận chấm dứt hơn 3 tháng bất ổn vừa qua.
Trong bữa ăn trưa với những người biểu tình và một vài người phản đối chính phủ, Chan thường được nghe rằng cuộc biểu tình có thể dừng lại nếu Trưởng đặc khu tự trị Hong Kong Carrie Lam chỉ cần đáp ứng 2/5 yêu cầu.
Nhưng Chan cho biết không ai mà ông gặp có thể đảm bảo rằng những người khác ngừng xuống đường biểu tình dù dự luật gây tranh cãi đã được rút lại.
Cố vấn hàng đầu cho chính phủ Hong Kong Bernard Chan. (Ảnh: Bloomberg) |
"Một mình bạn dừng lại là không đủ. Tôi đang đàm phán với ai? Tôi không thể thuyết phục chính phủ ngồi vào bàn đàm phán vì không biết chúng tôi đang thương thảo với ai", Chan nói.
Theo Bloomberg, việc thiếu một nhà lãnh đạo rõ ràng là một trong những lý do chính khiến biểu tình ở Hong Kong kéo dài và chưa biết khi nào mới kết thúc. Trong cuộc biểu tình năm 2014, chính phủ bắt giữ một số lãnh đạo chủ chốt và tống giam họ. Hiện tại, các nhóm biểu tình đều hoạt động âm thầm, không khoa chiêng múa trống khiến truyền thông cũng như chính quyền rất khó tiếp cận.
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, Đại học Baptist Hong Kong cho rằng với người biểu tình, họ cần một số đảm bảo trước khi đàm phán. Còn với chính phủ, họ không cho thấy tâm lý muốn đàm phán dù bà Lam cam kết sẽ đối thoại với người biểu tình vì họ tin rằng đó là hành động nhượng bộ.
Khác với những cuộc biểu tình trong quá khứ, người biểu tình hiện nay không chỉ ngồi biểu tình ôn hòa. Họ phân tán khắp ngả đường của Hong Kong, tìm tới địa điểm khi cảnh sát sử dụng hơi cay. Các địa điểm biểu tình được cập nhật liên tục trên mạng xã hội. Nhiều người chia sẻ trực tiếp hình ảnh và video để những người khác nắm được tình hình và quyết định điểm đến.
"Chiến thuật" này được họ áp dụng suốt 3 tháng qua với đỉnh điểm là biển người làm náo loạn sân bay trong nhiều tuần liên tiếp trong tháng 7.
Người biểu tình nhìn nhận việc bà Lam rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi là chiến thắng ban đầu của họ, nhưng chưa đủ bởi 4 yêu cầu khác là rút lại từ bạo loạn khi mô tả về các cuộc biểu tình, phóng thích những người bị bắt, mở một cuộc điều tra độc lập về các hành động lạm quyền của cảnh sát trong biểu tình và quyền của người dân Hong Kong trong việc chọn lãnh đạo của họ vẫn chưa được đáp ứng.
Các nhà hoạt động của cuộc biểu tình |
Chan ước tính hiện tại có hơn 2.000 người cấp tiến đang kiểm soát các cuộc biểu tình, theo sau là hàng ngàn người khác. Tuy nhiên, ông tin rằng cuộc biểu tình này không hoàn toàn là không có thủ lĩnh lãnh đạo hoặc ít nhất là một lực lượng bí mật nào đó đứng sau ủng hộ dù ông không có bằng chứng.
"Tôi cá là có một người nào đó, ở đâu đó. Cho dù họ có phải là người nước ngoài hay không, tôi không có ý kiến. Nhưng tôi phải nói rằng, không thể nói đây chỉ là phong trào của người dân. Có gì đó nhiều hơn thế", ông Chan nói.
Chiều 9/9, tại cuộc họp báo thường kỳ của cảnh sát, Tse Chun Chung, người đứng đầu phòng quan hệ công chúng Cảnh sát Hong Kong, cho biết từ ngày 6-8/9 tại khu vực ga Prince Edward, Mongkok, chợ Tai Po, Tung Chung, Central… vẫn xảy ra nhiều cuộc đụng độ, cảnh sát đã bắt 157 đối tượng biểu tình quá khích, trong đó có 125 nam, 32 nữ, độ tuổi từ 14 đến 63. 12 cảnh sát đã bị thương trong quá trình bắt giữ người biểu tình quá khích.
Lãnh đạo Hong Kong yêu cầu Mỹ không can thiệp |
Du lịch Hong Kong suy thoái kỷ lục |
Báo Trung Quốc cảnh báo người biểu tình Hong Kong |
Ngày đăng: 14:47 | 10/09/2019
/ vtc.vn