Iran từng dùng thủy lôi tấn công tàu dầu ở Vùng Vịnh, khiến Mỹ tung đòn đáp trả gây thiệt hại nặng cho hải quân Tehran. 

chien tranh tau dau cham ngoi cho hai chien my iran nam 1988

Lính Mỹ từ tàu USS Lasalle tại vịnh Ba Tư kiểm tra thủy lôi trên tàu Ajr của Iran tháng 9/1987. Ảnh: AP.

Hai cuộc tấn công nhằm vào tàu chở dầu của Nhật và Na Uy ở vịnh Oman hôm 13/6 làm gia tăng đáng kể căng thẳng trong khu vực, khi Mỹ và đồng minh cáo buộc Iran là thủ phạm, trong khi Tehran bác bỏ và cho rằng đây là âm mưu "gài bẫy" của Washington để gia tăng áp lực với nước này.

Trong khi các vụ tấn công này chưa được làm rõ, chúng khiến nhiều người nhớ đến thời điểm hơn 30 năm trước, khi hải quân Mỹ và Iran vướng vào cuộc xung đột có tên "Chiến tranh tàu dầu" cũng liên quan đến vụ tấn công tàu hàng trong khu vực.

Tháng 9/1980, chiến tranh Iran - Iraq nổ ra, khi lãnh đạo Iraq Saddam Hussein đưa quân xâm lược Iran, còn Tehran muốn lật đổ Hussein. Mỹ hỗ trợ Hussein bằng cách cung cấp thông tin tình báo, vũ khí và các viện trợ khác trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài 8 năm.

Năm 1981, Iraq đe dọa tấn công tất cả tàu đến hoặc đi từ các cảng của Iran ở phía bắc vịnh Ba Tư. Một năm sau, một tàu chở dầu của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mục tiêu lớn đầu tiên bị Iraq tấn công phá hoại. Năm 1984, Iraq tấn công đảo Kharg, bến cảng phục vụ tàu dầu quan trọng của Iran.

Không đủ khả năng đối đầu với lực lượng Iraq trên biển, Iran cũng tiến hành chiến thuật phi đối xứng, nhắm mục tiêu vào các tàu thương mại trong khu vực. Viện Hải quân Mỹ cho biết trong cuộc xung đột, Iraq đã tấn công hơn 280 tàu chở hàng còn Iran tấn công 168 tàu. Hàng trăm dân thường thiệt mạng trong các cuộc tấn công từ cả hai bên.

Iran bắt đầu sử dụng thủy lôi vào năm 1987 để tiến hành những cuộc tấn công như vậy. Vào ban đêm, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thả thủy lôi xuống biển từ các thuyền được ngụy trang thành thuyền buồm Arab truyền thống chuyên chở hàng hóa quanh vịnh Ba Tư.

Khi các tàu dầu Kuwait bắt đầu trúng thủy lôi của Iran, hải quân Mỹ can thiệp, điều tàu chiến hộ tống tàu của họ qua vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz. Mặc dù không nhiều tàu bị trúng thủy lôi, đòn tấn công này để lại tác động tâm lý lớn. Nó cũng cho phép Iran tấn công đối thủ mà không phải chịu trách nhiệm vì thủy lôi gần như không để lại dấu vết. Loại vũ khí này được Akbar Hashemi Rafsanjani, người sau này trở thành tổng thống Iran, mô tả là "thiên thần của Thượng đế hạ phàm để làm những điều cần thiết".

Các nhà phân tích cho rằng việc sử dụng thủy lôi trong chiến tranh phi đối xứng là chiến thuật vẫn được lực lượng vũ trang các nước tiếp tục áp dụng cho đến ngày nay. "Chiến lược trên biển của Iran lúc đó chủ yếu là gây rối", Dave DesRoches, giáo sư thuộc Đại học Quốc phòng Washington, nói. "Họ biết rằng họ không thể thống trị nên phải gây mất ổn định".

Washington xác định Tehran là thủ phạm thả thủy lôi sau khi bắt được Ajr, tàu Iran chứa đầy thủy lôi, vào năm 1987. Khi tàu hộ vệ tên lửa Mỹ USS Samuel B. Roberts trúng thủy lôi và suýt chìm một năm sau đó, hải quân Mỹ phát hiện vũ khí tấn công tàu Roberts khớp với những quả thủy lôi họ tịch thu từ tàu Ajr.

Sau cuộc tấn công nhắm vào tàu Roberts, hải quân Mỹ quyết định đáp trả, phát động chiến dịch tấn công trả đũa mang tên Praying Mantis (Bọ ngựa) nhằm dằn mặt Iran.

Ngày 18/4/1988, hải quân Mỹ mở cuộc tấn công với lực lượng gồm tàu sân bay USS Enterprise, hai tuần dương hạm, 4 khu trục hạm, ba tàu hộ vệ tên lửa và một tàu vận tải đổ bộ. Mục tiêu của nhóm tàu chiến Mỹ là giàn khoan dầu Sassan, Rakhsh và Sirri trên vùng biển Iran, được dùng để theo dõi tuyến đường biển qua eo biển Hormuz.

Iran điều lực lượng lớn tàu chiến, máy bay để đáp trả, nhưng hứng chịu thiệt hại nặng nề trước hỏa lực áp đảo của Mỹ. Chỉ trong một ngày giao tranh trên biển, lực lượng Mỹ phá hủy hai giàn khoan dầu của Iran, đánh chìm hay làm hư hại nặng 6 tàu chiến, chiếm một nửa lực lượng tác chiến của hải quân Tehran. Thiệt hại trong trận đánh này nhiều hơn tổng thiệt hại của Iran sau 8 năm chiến tranh với Iraq.

Tháng 7/1988, bi kịch ập đến. Tàu Mỹ USS Vincennes, sau khi đuổi theo các tàu Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào lãnh hải Iran, đã nhầm một máy bay thương mại của Iran Air thành tiêm kích F-14. Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa bắn hạ nó, khiến tất cả 290 người trên máy bay thiệt mạng. Mỹ sau đó chia buồn nhưng không thừa nhận trách nhiệm pháp lý. Dù vậy, họ chi 61,8 triệu USD đền bù cho người nhà nạn nhân.

Chiến tranh Iran - Iraq kết thúc vào tháng 8/1988 nhờ lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian. Một triệu người mất mạng trong xung đột.

Mặc dù mức độ nghiêm trọng của căng thẳng hiện tại thấp hơn nhiều cuộc chiến vào thập niên 1980, các chuyên gia đều cảnh báo về mức độ nguy hiểm và hậu quả lớn nếu tình hình vượt quá tầm kiểm soát.

Trong hơn một tháng qua, 6 tàu chở dầu ở vịnh Oman đã trở thành mục tiêu trong các vụ tấn công bị nghi là do thủy lôi. Trước khi hai tàu dầu của Nhật và Na Uy bị tấn công hôm 13/6, 4 tàu hàng nước ngoài đã bị hư hại trong các vụ nổ ngày 12/5 ngoài khơi bờ biển thành phố cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Arab (UAE).

chien tranh tau dau cham ngoi cho hai chien my iran nam 1988

Các vụ tấn công tàu dầu ở vịnh Oman hơn một tháng qua. Đồ họa: AP.

Mỹ cho rằng Iran đứng sau cả hai cuộc tấn công và công bố video cho thấy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran gỡ một quả thủy lôi ra khỏi tàu dầu Kokuka Courageous của Nhật ngày 13/6 để "phi tang bằng chứng". Iran bác bỏ cáo buộc, bày tỏ nghi ngờ Mỹ gây ra cuộc tấn công để đổ tội cho họ.

Trong khi đó, chủ sở hữu của tàu Kokuka Courageous cho biết thủy thủ đã nhìn thấy vật thể bay trước khi gặp nạn, ám chỉ họ không bị tấn công bằng thủy lôi.

Hơn 30 năm sau "Chiến tranh tàu dầu", sự kiện vẫn được nhớ đến ở Iran. Vài ngày sau vụ tấn công ở Fujairah, một bảng quảng cáo được dựng lên tại Quảng trường Vali-e-Asr ở Tehran cho thấy các tàu của Mỹ cùng Israel bốc cháy và chìm với chú thích bằng tiếng Anh, Farsi, Arab và Hebrew rằng: "Chúng ta đánh chìm tất cả".

Cũng vào khoảng thời gian này, trong một buổi phát biểu trước sinh viên đại học, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei được một người tặng ảnh chân dung của Nader Mahdavi, lính Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bị giết trong một cuộc tấn công của Mỹ thời "Chiến tranh tàu dầu".

"Lãnh đạo tối cao hỏi người trong ảnh là ai và tôi trả lời là Mahdavi", sinh viên kể. Ông Ali Khamenei mỉm cười và nói: "Tuyệt vời, rất đúng lúc".

Phương Vũ (Theo AP)

chien tranh tau dau cham ngoi cho hai chien my iran nam 1988 Mỹ trưng thêm bằng chứng Iran tấn công tàu dầu ở vịnh Oman

Hình ảnh mới được công bố cho thấy thiết bị gắn bằng nam châm của thủy lôi chưa phát nổ và xuồng tuần tra Iran ...

chien tranh tau dau cham ngoi cho hai chien my iran nam 1988 4 lợi thế lớn giúp Iran qua mặt Mỹ ở vùng Vịnh

Trang tin DEBKAfile đã nêu 4 lợi thế khiến mỹ và các đồng minh Ả-rập vùng Vịnh bất ngờ trước các đòn đánh của Iran ...

Ngày đăng: 11:24 | 18/06/2019

/