Máu đã đổ trên biên giới Trung-Ấn, có ai mong muốn cuộc chiến xảy ra?
Tình hình biên giới Ấn Độ - Trung Quốc trở nên hết sức căng thẳng. Hai cường quốc hạt nhân tố cáo lẫn nhau về sự khiêu khích. Đây không phải là sự kiện mới mẻ, song đã xảy ra những diễn biến mới.
Binh sỹ Trung Quốc tập luyện Ảnh: Stringer / Reuters |
Ấn Độ đã triển khai 3 quân đoàn ở biên giới phía Bắc, còn phía Trung Quốc kéo quân vào Tây Tạng. Nguyên nhân là do các kỹ sư quân sự Trung Quốc đang tiến hành xây dựng một con đường nhỏ chạy qua vùng cao nguyên gần biên giới Trung- Ấn.
"Đây là phần lãnh thổ của chúng tôi, phải rời khỏi đây ngay lập tức. Đây là phần lãnh thổ của chúng tôi, phải rời khỏi đây ngay lập tức,"- Một người lính mặc quân phục của cảnh sát biên giới Ấn Độ-Tây Tạng đang lặp đi lặp lại câu nói trên với khoảng hai chục lính Trung Quốc đứng bên bờ hồ Pangong Tso.
Viên cảnh sát này đang thực thi phận sự của mình, trong khi các đồng đội của anh ta- những người lính biên phòng trong đội tuần tra đang có mặt gần đó, sẵn sàng can thiệp khi có sự cố.
Lần này thì sự việc xảy ra có khác. Thay vì bỏ đi, những người lính Trung Quốc cúi xuống và lượm đá, ném về phía người lính Ấn Độ. Những người lính Ấn Độ đã có hành động đáp trả tương tự, dẫn đến một cuộc ẩu đả. Những người lính biên phòng Ấn Độ đã vung lên những cây gậy và dùi cui sắt.
Cuối cùng, các sĩ quan của 2 bên cũng đã khôi phục lại trật tự, buộc lính của họ ngừng ném đá. Cả 2 tốp lính - Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục trương quốc kỳ lên, hò la: "Đây là đất của chúng tôi!" rồi cuối cùng 2 bên cũng giải tán, dìu những nạn nhân của vụ ẩu đả ra về.
Cuộc giao tranh “thường ngày ở huyện” trên vùng núi Ladakh Ladakh ngay lập tức biến thành chủ đề chính trong giới truyền thông Ấn Độ.
Một vài tháng trước đây, những tin tức kiểu này không mấy ai để ý đến, nhưng bây giờ thì hầu như khắp nơi đều được người ta nhắc tới.
Và cũng không có gì phải ngạc nhiên: Câu chuyện ném đá vào nhau trên bờ hồ Pangong Tso - chỉ là một trong những vụ việc của cuộc xung đột biên giới kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đang gây ra mối quan tâm nhiều hơn, kể cả ở Bắc Kinh lẫn New Delhi.
Hồ Pangong Tso Ảnh: Timothy Allen / ZUMAPRESS.com / Globallookpress.com |
Những đám mây u ám trên vùng biển
Bản thân hồ Pangong Tso không có ý nghĩa chiến lược gì ghê gớm: nó chỉ đơn giản là một cái hồ được bao quanh bởi một dãy núi tạo nên một cảnh quan đẹp tuyệt vời với cái tên được dịch nghĩa ra là "Hồ của những cánh đồng cỏ trên cao".
Nước trong hồ Pangong Tso là nước mặn, không thể uống được, việc chèo thuyền trên hồ cũng bị nghiêm cấm, để tránh mọi rắc rối: bởi giữa hồ có tuyến phân ranh giới lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc kéo dài và chỉ bị gián đoạn ở hai nơi - Nepal và Bhutan. Biên giới ban đầu được hình thành từ năm 1914, do Ngoại trưởng của Chính phủ Anh - Ấn Genri Makmagon ký Hiệp định Simla với chính quyền Tây Tạng.
Sau khi Ấn Độ giành độc lập và Tây Tạng trở lại dưới sự quản lý của Trung Quốc thì quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi đã có những mâu thuẫn: Trung Quốc tuyên bố rằng chính quyền Tây Tạng không có quyền qua mặt chính phủ Bắc Kinh để ký kết một thỏa thuận, còn phía Ấn Độ thì cho rằng Tuyến đường McMahon (Phần phía đông của đường kiểm soát trên thực tế do Trung Quốc tuyên bố năm 1959) là hoàn toàn hợp pháp.
Mọi việc được kết thúc bằng một cuộc chiến tranh vào năm 1962.
Sau cuộc xung đột tuy ngắn ngủi nhưng không kém phần đẫm máu, quân đội Ấn Độ đã chấp nhận thảm bại. Trung Quốc đã chiếm đóng các khu vực chiến lược quan trọng của khu vực Aksai Chin ở phía tây biên giới, nhờ đó họ đã xây dựng một con đường kết nối hai khu vực vốn lâu nay bất ổn nhất là Tây Tạng và Tân Cương.
Ranh giới mới được gọi là Đường kiểm soát thực tế. Trên thực tế, hiện nay, đây chính là đường biên giữa hai quốc gia.
Vấn đề là tuyến ranh giới này vẫn chưa được phân định. Ít nhất là khu vực Aksai Chin- vùng lãnh thổ đang tranh chấp, vì vậy hầu như trong suốt tuyến kiểm soát thực tế có nhiều khu vực tranh chấp riêng biệt, kể cả trên bờ hồ Pangong Tso.
Tại sao cả hai bên đều cố níu kéo một mảnh đất nhỏ? Vì hầu như tất cả những điểm cao quan trọng dọc theo biên giới đều nằm trong tay của Trung Quốc, vì thế giờ đây mỗi một cái gò, mỗi ngọn núi đều có giá trị đặc biệt đối với Ấn Độ, và họ cố gắng duy trì bằng mọi giá.
Bài học?
Ngoài ra, còn một khu vực đang có vấn đề ở biên giới nằm ở phía đông. Nó chia cắt Trung Quốc với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Trung Quốc cho rằng người Anh đã chiếm giữ bất hợp pháp khu vực này, và thậm chí chính quyền Trung Quốc còn gọi Arunachal Pradesh là Nam Tây Tạng.
Năm 1962, sau khi đánh bại các lực lượng của Ấn Độ, Trung Quốc đã chiếm phần lớn bang này, nhưng sau đó họ đột nhiên rút quân, trao trả lại tất cả các tù binh. Như lời Chủ tịch Mao đã tuyên bố thì Trung Quốc đã dạy cho Ấn Độ một bài học, và bài học đó sẽ được ghi nhớ lâu dài.
Sự thất bại đau đớn đó đã được các chính trị gia và các tướng lĩnh quân đội Ấn Độ “ghi xương, khắc cốt”.
Vài năm trước, sau khi biết rằng Trung Quốc có ý định xây dựng một tuyến đường sắt dọc theo phần phía đông của biên giới, Ấn Độ đã phát động một hoạt động ráo riết, xây nhiều chiếc cầu đường sắt và đường bộ mới - với kỳ vọng rằng chúng có thể chịu được trọng lượng của xe tăng chiến đấu chủ lực.
Lính biên phòng Ấn Độ cảnh giới trên tuyến đường McMahon Ảnh: STR / EPA |
Ngược lại với khu vực Aksai Chin, khu Arunachal Pradesh có các ranh giới địa hình bằng phẳng, nên ở đó, trong trường hợp có chiến tranh, tất cả sẽ phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố ai sẽ là người triển khai lực lượng đầu tiên và đảm bảo cung cấp hậu cần sau đó.
Phần duy nhất của biên giới được phân ranh giới theo đúng quy định, được công nhận và không có thắc mắc gì là khu vực trung tâm chia lãnh thổ của Trung Quốc với bang Sikkim của Ấn Độ.
Tại khu vực này, quân đội Ấn Độ cảm thấy tự tin vì ở đây, tất cả những điểm cao và các con đèo đều nằm dưới sự kiểm soát của họ. Và cũng trớ trêu thay, chính nơi đây lại đang bắt đầu cuộc xung đột biên giới, chỉ thiếu chút nữa là trở thành cuộc đối đầu vũ trang.
Con đường nhỏ dẫn tới cuộc xung đột lớn
Cao nguyên Dolam là nơi giao cắt biên giới của 3 nước: Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Đây là một cao nguyên nhỏ và có tên gọi giống với cao nguyên Doclam ở gần đó – cũng là một vùng lãnh thổ tranh chấp, mà người ta thường bị nhầm lẫn.
Ấn Độ và Bhutan thì cho rằng Dolam thuộc về Bhutan; Còn Trung Quốc lại coi đó là lãnh thổ của họ.
Vài năm trước đây, các kỹ sư xây dựng thuộc quân đội Trung Quốc đã lập nên một kỳ công, kéo dài một con đường cao tốc vượt qua dãy Himalaya, dẫn đến đèo Doka La, nơi được lính biên phòng Ấn Độ trấn giữ.
Khi đó, Ấn Độ buộc phải nhắm mắt làm ngơ, nhưng vào đầu tháng 6, khi Trung Quốc quyết định kéo dài con đường xuống phía Nam, theo hướng dãy Dzhimphri, thì các chính trị gia và quân đội New Delhi đã nổi giận.
Thực tế là nếu Trung Quốc tiến đến Dzhimphri và chiếm được các điểm cao thì họ sẽ kiểm soát được cả khu hành lang chật hẹp Siliguri- Dải đất kết nối các tiểu bang phía đông bắc với khu vực trung tâm của Ấn Độ.
Nếu một cuộc xung đột vũ trang thực sự bắt đầu, Trung Quốc sẽ có đủ thời gian để chia cắt Ấn Độ ra làm đôi.
Nơi đang có tranh chấp trên biên giới Trung Quốc-Ấn Độ |
Và không phải chỉ có thế. Bhutan còn là quốc gia với tư cách là “bạn hàng” của Ấn Độ. Bhutan trước đây đã chấp nhận từ bỏ quyền độc lập trong chính sách đối ngoại để đổi lấy sự bảo vệ của Ấn Độ- quốc gia láng giềng rộng lớn ở phía nam.
Nếu Bhutan cảm thấy trông chờ vào điều đó là vô ích thì Ấn Độ sẽ phải từ giã giấc mơ làm thủ lĩnh trong khu vực và triển vọng trở thành một cường quốc.
Liệu ai sẽ tin tưởng vào một quốc gia không thể giữ lời hứa và không thể giúp đỡ gì được đồng minh gần gũi nhất?
Do đó, chỉ một vài ngày sau khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng con đường đến Dzhimphri, binh lính Ấn Độ đã chặn đường họ lại.
Một cuộc ẩu đả đã xảy ra – may mắn thay, 2 bên không sử dụng vũ khí, các nạn nhân của cả 2 phía chỉ bị những vết bầm tím nhẹ.
Trung Quốc phải tạm đình chỉ việc làm đường, tuy chỉ là tạm thời, nhưng với thái độ vô cùng bực tức:
Phía Bắc Kinh nói rằng họ đã thông báo trước sự việc qua các kênh ngoại giao của Đại sứ quán Ấn Độ. Còn New Delhi thì tuyên bố rằng, họ không nhận được bất cứ thông báo nào từ phía Trung Quốc, và cáo buộc lính xây dựng Trung Quốc đã phá dỡ hai lô cốt của Ấn Độ nằm trên vị trí mà con đường dự định sẽ đi qua.
Tin vịt và công cuộc thiết lập lại hòa bình
Tình hình đang nóng lên từng ngày. Phương tiện truyền thông của cả hai bên thi nhau lên tiếng: Trung Quốc cho công bố những bức ảnh của cuộc chiến tranh hồi năm 1962; phía Ấn Độ thì nhắc khéo về cuộc xung đột 5 năm sau đó, lúc đó binh lính Trung Quốc đã chịu thất bại nặng nề và phải rút lui trong khi cố gắng để chiếm lĩnh những con đèo.
Hai bên đã điều hàng lữ đoàn binh lính tới khu vực tranh chấp, và phía Trung Quốc còn quyết định sẽ tổ chức một cuộc tập trận thao diễn pháo binh tại ngay sát biên giới.
Biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc |
Và như đổ thêm dầu vào lửa, hãng tin Dunya News của Pakistan đã công bố một thông tin như sau: Các đơn vị của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã mở một cuộc tấn công bằng pháo binh vào đồn biên phòng của Ấn Độ ở Sikkim, hơn 150 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng. Thông tin trên còn được gắn kèm theo hình ảnh của những chiếc xe tải bốc cháy và một người lính Ấn Độ thiệt mạng.
Trong khi cư dân mạng Trung Quốc và Ấn Độ còn đang im lặng vì bị sốc thì người Pakistan lại tỏ ra vui mừng. Phải mất vài tiếng đồng hồ để tìm hiểu những gì đã xảy ra, Bắc Kinh và New Delhi mới ra thông báo: Thông tin trên là giả mạo, còn trong ảnh là kết quả của đợt pháo kích của Pakistan vào một trong những đồn biên phòng của Ấn Độ ở Kashmir làm 2 người đã thiệt mạng.
Sau sự việc trên, giọng điệu trên báo chí của 2 bên đã thay đổi như có một phép màu: không có một từ nào nói về chiến tranh nữa mà đã viết: Chúng tôi sẽ không từ bỏ những tuyên bố của mình, nhưng mong muốn cuộc xung đột phải được giải quyết bằng con đường hòa bình.
Sau vài ngày, ông Ajit Dov- cố vấn an ninh của Thủ tướng Ấn Độ đã đến Bắc Kinh dự một cuộc gặp mặt trong khuôn khổ của BRIC (Các nước có nền kinh tế mới nổi đang ở giai đoạn phát triển kinh tế và quy mô tương đồng gồm Brasil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc).
Tại cuộc đàm phán, 2 bên đã đi đến nhất trí: Ấn Độ và Trung Quốc sẽ rút quân khỏi khu vực xung đột.
New Delhi, và Bắc Kinh đã thực hiện quyết định này, nhưng quyết định đi đến giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình này kéo dài chẳng được bao lâu.
Ngay sau đó, Ấn Độ đã điều đến Sikkim một số đơn vị thuộc quân đoàn 33, triển khai thêm 2 quân đoàn tại Arunachal Pradesh, còn đây đó, trên mạng xã hội Trung Quốc cũng xuất hiện những tấm ảnh chụp các loại vũ khí, khí tài được đưa vào Tây Tạng.
Vụ việc ném đá và ẩu đả bằng gậy gộc trên hồ Pangong Tso mới đây giống như là hành động đổ thêm dầu vào lửa.
Không ai mong muốn cuộc chiến xảy ra
Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố mang tính hăm dọa và việc triển khai lực lượng quân sự của cả 2 bên, cả New Delhi và Bắc Kinh đều không mong muốn một cuộc chiến tranh lớn xảy ra. Việc nhấn tay vào chiếc nút màu đỏ của vũ khí hạt nhân là một sự mạo hiểm quá lớn.
Những cuộc xung đột lẻ tẻ trên biên giới cũng không phải là một lựa chọn thông minh. Dù các cuộc xung đột đó có kết thúc ra sao thì cả 2 bên cũng sẽ phải chịu những tổn thất. Mà thất bại sẽ đồng nghĩa với việc đương nhiên từ bỏ vai trò thủ lĩnh trong khu vực- vai trò mà cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều đang vươn tới.
Nếu có giành được chiến thắng thì cũng sẽ gây ra sự nghi ngờ và cáo buộc về kế hoạch bành trướng và mong muốn chinh phục tất cả các nước trong khu vực.
Trên biên giới Trung Quốc- Ấn Độ Ảnh: Gurinder Osan / AP |
Ngoài ra, cũng cần nói thêm là trong những năm gần đây Bắc Kinh và New Delhi đã đầu tư không biết bao nhiêu là sức lực và tiền của để có thể xuất hiện trước cộng đồng thế giới, trong đó có các quốc gia yêu hòa bình.
Nếu có giành được chiến thắng thì cái giá phải trả cho chiến thắng đó sẽ là quá đắt.
Tuy nhiên, chỉ cần một viên đạn vô tình ở biên giới cũng có thể dẫn đến một cuộc leo thang xung đột, đi ngược lại với mong muốn của các bên.
Để cho điều này không xảy ra, các tướng tá, sỹ quan biên phòng của Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo đường biên giờ đây khi gặp phải bất cứ dấu hiệu vướng mắc nào, phải giải quyết các vấn đề ngay tại chỗ.
Vì vậy, trừ khi có điều gì đó không lường trước xảy ra, thì chiến tranh hạt nhân không phải là điều tất cả mong đợi.
Truyền thông Trung - Ấn đưa kịch bản khác nhau về căng thẳng biên giới
Truyền thông của Trung Quốc và Ấn Độ đều tuyên bố việc rút quân đội khỏi khu vực tranh chấp ở biên giới là một ... |
Căng thẳng dai dẳng ở biên giới Trung - Ấn
Căng thẳng Trung - Ấn kéo dài, phản ánh thế cạnh tranh và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau đã tồn tại từ lâu giữa ... |
Trung Quốc rút Hoa Kiều, chiến tranh Trung-Ấn hiện hình?
Trong cuộc không chiến trên dãy Himalaya, không quân Ấn Độ sẽ chiếm lợi thế trong thời gian ban đầu nhưng không đủ dài để ... |
(http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chien-tranh-hat-nhan-trung--an-lieu-co-xay-ra-3342113/?paged=3)
Ngày đăng: 16:00 | 31/08/2017
/ Đất Việt