Điểm cao 468, nơi đặt đài hương tưởng niệm các liệt sĩ, nơi hội quân của Sư đoàn 356, nơi lưu giữ tuổi xuân của những người lính Vị Xuyên.
“Những ngày ở 468 với chúng tôi là những ngày yên bình, đám lính chúng tôi hay lang thang quanh vách đá hái rau tàu bay về ăn, những ngày chúng tôi thấy được sự “hào phóng” về pháo bắn của TQ"...
Tuổi xuân trên biên giới
Sinh năm 1966. 17 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Thắng gốc chợ Mơ (Hà Nội) ghi tên đăng ký lên mặt trận Hà Giang. Tháng 7/1983, anh được cử đi học lớp y tá, tháng 3/1984 biên chế về c24e153 Sư đoàn 356.
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang)
Chiến dịch MB84 mở ra (trận chiến ác liệt xảy ra vào ngày 12/7/1984), Thắng nhận lệnh đi tăng cường cho c5d2e876 - đơn vị chủ công nên cần tăng cường thêm một y tá đi theo trung đội đánh cửa mở.
Anh vẫn nhớ như in cuộc đời chiến trận của mình: Ô tô đưa chúng tôi lên đến làng Pinh thì dừng lại. Xe bật đèn gầm để đi, đường bé xíu lại nhiều hố pháo, bên trên đạn pháo vẫn chớp và tiếng ì ùng khiến chúng tôi càng hồi hộp.
Đến làng Pinh thì thấy đông vui quá, toàn lính trẻ 18 - 20. Hồi đó tôi không biết đó là làng Pinh, chỉ biết Đại đội xuống xe, tập trung lại để bắt đầu hành quân bộ. Rất nhiều nhà tạm dựng sát vách đá thắp đèn dầu.
Đại đội trưởng Thành phổ biến lệnh hành quân: "Đây rất gần địch, trên đường hành quân các đồng chí bám sát nhau, không nói chuyện, tuyệt đối cấm hút thuốc lá, nếu đồng chí nào muốn ho thì phải khoét cái lỗ dưới đất úp mồm xuống mà ho". Lúc ấy chỉ lo, lỡ mình khoét lỗ rồi ho, ngẩng lên đơn vị đã đi thì lạc mất…
Nghỉ ngơi khoảng 30 phút, chúng tôi bắt đầu đi, cứ leo ngược dốc lên mãi, sau này mới biết là vượt Cốc Nghè.
Lên đỉnh Cốc Nghè rồi lại tụt xuống sườn bên kia, tận mắt nhìn thấy một khẩu pháo 76ly2 hay 85 không rõ nữa bị Trung Quốc bắn lộn xuống nằm tênh hênh ở dưới vực ngay bên cạnh lối đi.
Ngày "hội quân" trên Đài hương 468 (Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang)
Đoàn quân lầm lũi trong đêm, vượt qua thung lũng Thanh Thuỷ, qua cửa hang Làng Lò sát ngay cây nghiến đổ nằm ngang đường. Chính cây nghiến ấy giúp tôi sau này định vị được cửa hang Làng Lò để dẫn đội phẫu C24 vào hang hồi tháng 10/1984.
Khi đến một vách đá dựng đứng thì Đại đội dừng lại. Các anh nói đây là Lèn Đá của điểm cao 468, đơn vị sẽ dừng chân tại đây.
Anh Hậu - đại phó nói ở đây rất an toàn vì là góc chết nên pháo địch không bắn vào được, một là nổ trên đỉnh, hoặc là vọt xuống khe, bởi vậy lính ta cứ bám sát vách đá mà ở.
Tôi học theo cách đồng đội mắc võng và căng một sợi dây dù từ đầu đến cuối võng, cao hơn chỗ buộc võng khoảng 10cm. Vắt tấm tăng to dọc theo sợ dây và buộc chống ba cái cây ở đầu, giữa và cuối tấm tăng, vậy là có cái mái che chỗ nằm trên võng không lo mưa ướt.
Tôi đã học được rất nhiều từ các anh, cách nghe tiếng đạn pháo như nếu kêu vi vu thì nó qua đầu mình nên không sợ, còn nếu có tiếng xoèn xoẹt thì nằm xuống ngay... “nó” đang lao xuống chỗ mình đấy. Học cách buộc một băng tiếp đạn ngược với băng đang cắm trong súng để lúc bắn hết đạn thì tháo ra đảo đầu là lắp băng mới vào bắn được luôn; vừa bắn lại vừa tranh thủ nạp đạn vào băng tiếp đạn vừa bắn hết…
Những ngày ở 468 với chúng tôi là những ngày yên bình, những ngày mà đám lính chúng tôi hay lang thang quanh vách đá hái rau tàu bay về ăn. Những ngày chúng tôi thấy được sự “hào phóng” đạn pháo của TQ.
Có những hôm đang yên lặng thì trận địa pháo trên 812 nổ mấy phát, chỉ 2-3 phút sau trên đầu chúng tôi nghe như có một đàn ong khổng lồ bay qua, những tiếng ù ù từ nhỏ rồi to dần cuồn cuộn lên cao rồi xuống thấp. Chúng tôi nhìn sang 812 thì thấy từng đụn đất với khói bụi bốc lên sau đó mới nghe được những tiềng nổ rền vang vọng về vách đá.
Liên tục như vậy khiến chúng tôi dần quen.
Rồi cái ngày chúng tôi chờ đợi cũng đến, ngày 11/7 lệnh của đại đội ăn cơm chiều xong toàn đại đội thu dọn mang theo quân tư trang cá nhân và vũ khí hành quân vào chiếm lĩnh trận địa chờ đến giờ nổ súng đánh chiếm Đ1 điểm cao 772, nằm liền kề là núi đá 685. Đây chính là trận chiến sáng 12/7/1984, pháo địch nã rát sườn núi khiến đá đốt cháy như vôi, nên được gọi là “lò vôi thế kỷ”…
Hồi ức đi qua "chảo lửa"
Khi cuộc chiến xảy ra, nhà báo Nguyễn Đức Tuyền (xã Việt Lâm, Vị Xuyên, Hà Giang) mới lên 6 tuổi.
Nhà báo Nguyễn Đức Tuyền (áo trắng) có tuổi thơ đi qua chảo lửa chiến tranh biên giới tại quê nhà
“Nhà tôi lúc đó ở gần Tiểu đoàn 2 của Sư 314. Đây là một thung lũng và nhanh chóng trở thành chỗ tập kết quân của ta.
Những chiếc xe quân sự bịt kín lặng lẽ đến, đổ quân xuống. Toàn là bộ đội trẻ măng. Thời chiến, doanh trại làm không kịp, bộ đội vào nhà dân ở. Hồi đó ngôi nhà gỗ 5 gian của gia đình tôi toàn bộ đội.
Bộ đội đến, mắc võng ngủ từ trong nhà, ngoài hiên, thậm chí cả gốc cam. Chẳng có cảm giác chật chội, quân dân như một. Đôi ba ngày xe bịt bạt lại đến. Các chú bộ đội trẻ măng vừa đến lại vội vã lên xe…
Vài ngày sau, những chỉ huy đưa quân đi trở về. Chúng tôi hỏi thăm những chú bộ đội mới làm quen, chỉ nghe thấy những câu nói, rất nhỏ: Chú ấy mất rồi!
Cách nhà tôi 4km là nơi Trung đoàn phẫu tiền phương ở, nay toàn bộ khu đất ấy trở thành nghĩa trang của thị trấn Việt Lâm.
Thỉnh thoảng đi học, chúng tôi ghé vào. Nhà lá, vách liếp nhưng băng ca chồng bằng ca. Những chú bộ đội bị thương nằm đó, chờ sơ cứu rồi chuyển xuống tuyến dưới.
Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Vị Xuyên. Ảnh: Báo Hà Giang
Bộ đội hy sinh nhiều lắm. Người ta phải chặt cả những cây gạo do Pháp trồng dọc quốc lộ để đóng quan tài. Ai cũng biết, gỗ ấy dễ mục, nhưng chả có cách nào nữa...
Rồi mùa xuân, cây gạo đang nở hoa cũng bị đốn, hoa rụng rải dọc đường, đỏ như màu máu...
“Cuộc chiến đã lùi xa. Tuổi đời của thế hệ chúng tôi bây giờ cũng nhấp nhỉnh thế hệ bố tôi ngày trước. Những đỉnh núi ngày xưa là nơi pháo nã, đạn rơi, bây giờ đã phủ kín màu xanh của cây cối.
Chúng tôi sẽ kể cho các con của mình về chiến trường xưa trên quê hương, câu chuyện thế hệ cha ông cầm súng chiến đấu bảo vệ biên cương… Và sẽ nói thêm cho các con, các cháu việc thế hệ chúng cần làm, đó là nuôi màu xanh để che phủ những vết bom cày nát triền núi khi xưa” - anh Tuyền chia sẻ.
Chiến tranh biên giới Tây Nam qua góc nhìn của giáo viên Lịch Sử
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới Tây Nam (1979-2019), Thạc sỹ Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử tại Nghệ An ... |
Nghẹn ngào tại lễ giỗ tập thể 3.157 người bị thảm sát ở Ba Chúc
Các ngành chức năng ở huyện Tri Tôn chọn 2 ngày 15 và 16-3 âm lịch để tổ chức lễ giỗ tập thể cho các ... |
Chiến tranh Biên giới 1979: Khúc bi tráng trên đỉnh Pò Hèn
Đồn biên phòng Pò Hèn (hay đồn 209, xã Hải Sơn, Móng Cái) một trong những địa danh mang theo khúc bi tráng trong cuộc ... |
Tổng chủ biên Lịch sử VN: Chúng ta muốn cả thế giới biết về chiến tranh Biên giới phía Bắc
Trong cuốn Lịch sử Việt Nam tái bản lần 1, chiến tranh biên giới phía Bắc được gọi đích danh là cuộc chiến tranh xâm ... |
Ngày đăng: 10:46 | 11/02/2019
/