Về nguyên tắc, tất cả các đối tượng vi phạm pháp luật, từ chức vụ cao nhất đến thấp nhất, đều phải được xử lý công bằng trước pháp luật.
Dư luận đang quan tâm đến quy định về xử lý cán bộ nghỉ hưu trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức vừa được Bộ Nội vụ trình Chính phủ.
Theo tờ trình của Bộ Nội vụ, mặc dù nhất trí về việc phải có quy định xử lý cán bộ đã nghỉ hưu nhưng có ý kiến đề nghị cân nhắc về phạm vi áp dụng đối với đối tượng này. Theo đó, chỉ nên áp dụng quy định đối với những người giữ chức vụ, quyền hạn nhất định mà không quy định chung đối với tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác.
Bộ Nội vụ xin ý kiến Chính phủ về 2 phương án, cụ thể như sau:
Phương án 1: Quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức, viên chức.
Phương án 2: Quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở trung ương và cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức.
Dù tại hồ sơ dự án luật được đăng tải để lấy ý kiến góp ý, Bộ Nội vụ chưa có đánh giá tác động hay thuyết minh cụ thể về ưu, nhược điểm của 2 phương án nói trên mà gửi xin ý kiến Chính phủ nhưng theo PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, không cần thiết phải đặt ra phương án 2 bởi về nguyên tắc ai làm sai đều phải bị xử lý.
Tất cả cán bộ, công chức đã về hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác đều phải bị xử lý nếu phát hiện vi phạm trong quá trình công tác. Ảnh minh họa
Phân tích cụ thể, PGS.TS Võ Kim Sơn cho biết, theo phương án 2 mà Bộ Nội vụ đưa ra trong dự án luật, việc xử lý kỷ luật sẽ chỉ áp dụng với những người có chức có quyền cao.
"Về mặt nguyên tắc pháp luật, tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Do đó về mặt pháp luật công, tất cả mọi người làm việc cho Nhà nước phải bình đẳng trước pháp luật công, ví dụ, luật Cán bộ, công chức, luật Viên chức, luật Phòng chống tham nhũng...
Tất cả những ai vi phạm pháp luật, dù là người nắm giữ chức vụ cao nhất đến chức vụ thấp nhất đều phải được xử lý công bằng trước pháp luật. Có như vậy mới đảm bảo tính pháp quyền.
Do đó, nếu quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức chỉ áp dụng với những người từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở trung ương, cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương có hành vi vi phạm nghiêm trọng thì điều đó đã vi phạm tính pháp quyền", PGS.TS Võ Kim Sơn chỉ rõ.
Cũng theo vị chuyên gia, quy định trên cũng có thể khiến dư luận hiểu rằng, những người từ cấp cục trưởng, tổng cục trưởng trở xuống có vi phạm mà nghỉ hưu rồi, có thể yên tâm hạ cánh an toàn thì khác nào cho những người đó tha hồ vi phạm pháp luật.
"Nếu đưa ra quy định như vậy thì khác nào chuyển tội tham ô, tham nhũng, hối lộ của công cho cán bộ, công chức cấp thấp mà những người này sau đó nghỉ hưu, hạ cánh an toàn, trong khi đằng sau những người ấy lại chính là những vị có chức có quyền cao từ thứ trưởng trở lên.
Những vị có chức có quyền cao ấy không bị xử lý, cấp dưới cũng không bị xử lý, vậy cứ tha hồ tham ô, tham nhũng, móc ngoặc?", PGS.TS Võ Kim Sơn phản biện.
Từ những phân tích ở trên, một lần nữa ông nhấn mạnh không cần tranh cãi quá nhiều về phạm vi cán bộ bị xử lý. Hãy cứ làm theo nguyên tắc đơn giản, đó là: bất kỳ ai bị phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì đều phải bị xử lý.
Chỉ xử lý cán bộ nghỉ hưu cấp thứ trưởng trở lên?
Có luồng ý kiến cho rằng chỉ nên áp dụng quy định xử lý kỷ luật đối với những người giữ chức vụ, quyền hạn ... |
Xử lý cán bộ làm sao không có \'hạ cánh an toàn\'?
Dự thảo Luật Cán bộ công chức lấy ý kiến về vấn đề xử lý cán bộ vi phạm đã nghỉ hưu như thế nào? |
Ngày đăng: 10:04 | 12/02/2019
/ http://baodatviet.vn