Chạy án 1Chạy án 2 là tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Như Phong và được chính ông chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình.

Đây được đánh giá là một trong những bộ phim thành công nhất trong loạt phim Cảnh sát hình sự, khắc họa sâu sắc những vấn đề nhức nhối của xã hội. 

Chạy án đề cập đến cuộc đấu tranh của lực lượng công an trong lĩnh vực chống tham nhũng, những hành vi tiêu cực ở một số quan chức thoái hóa, các hoạt động tội phạm như tẩy rửa tiền, cá độ bóng đá và các hoạt động bất hợp pháp khác của các băng đảng nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.... Ngoài ra, phim còn đặt ra những vấn đề thời sự đang gây nhức nhối trong xã hội: chuyện tham ô, ngoại tình, gái đẹp, cờ bạc, hút chích, biển thủ công quỹ... mang tới một cái nhìn trực diện về mặt trái của xã hội hiện nay. Và điều thú vị là một số thủ đoạn để “chạy án” của bọn tội phạm trong tiểu thuyết được nhà văn hư cấu từ hơn chục năm trước, thì nay đang được không ít kẻ “học tập”; và gây khó khăn cho cơ quan bảo vệ pháp luật.

Thoimoi.vn xin giới thiệu lại với bạn đọc tiểu thuyết này.

***

Hôm nay, đối với ông Cẩm, Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập khẩu của Bộ Kinh tế là một ngày trọng đại bởi ông được nhận quyết định đề bạt lên Thứ trưởng.

Mặc dù đã cố tỏ ra bình thản trước cán bộ, nhân viên trong cơ quan nhưng ông vẫn cảm thấy thời gian trôi đi quá chậm và trong lòng cũng có đôi chút hồi hộp.

Thật ra thì quyết định đề bạt ông do Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Đối ngoại ký ông đã cầm trong tay từ hai ngày trước, do một cán bộ của Văn phòng Chính phủ chuyển tắt cho. Nhưng khi chưa công bố thì xem ra "danh vẫn chưa chính". Bộ trưởng Hoàng Văn Hiền muốn làm thật trang trọng và cho mời tất cả cán bộ từ cấp trưởng phòng, ban của cơ quan Bộ tới hội trường, nhưng ông Cẩm xin làm thật giản dị và hết sức gọn - nghĩa là chỉ mời cán bộ từ cấp Cục, Vụ, Viện. Lúc đầu thì Bộ trưởng Hiền không đồng ý, nhưng khi thấy ông Cẩm nói thật lòng nên ông cũng chấp nhận.

Buổi chiều, 2 giờ kém 15 phút, ông Cẩm lên phòng họp lớn của Bộ. Ông  mặc  áo sơmi dài tay màu vàng nhạt và thắt chiếc cravat màu ghi sẫm. Ông không mặc comple bởi vì ông vốn không ưa sự quá nghiêm túc trong hình thức. Mỗi khi mặc comple, ông cảm thấy mình kém tự nhiên, thậm chí còn hơi ngượng. Trong những loại áo quần mà ông ưa thích nhất vẫn là bộ quân phục. Ông đã từng lý luận rằng, không có "mốt" quần áo nào lại bền vững với thời gian và dễ sử dụng như quân phục. Mặc để lao động cũng được, mặc đi đám tang cũng được và mặc dự đại lễ cũng vẫn là sang trọng. Nhưng đó là ngày xưa, khi ông  là lính, còn bây giờ, nhiều khi không muốn ông cũng phải theo những quy định của các buổi tiếp tân, hơn nữa, bộ quân phục nó chỉ đẹp khi mà có quân hàm quân hiệu. Bỏ những thứ đó ra thì lại xấu hơn bất cứ loại mốt quần áo nào.

Dự buổi công bố quyết định có đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Hoàng Văn Hiền, ba vị Thứ trưởng đương nhiệm và một số cán bộ cấp Vụ, Cục, Tổng Giám đốc của một số Tổng Công ty trực thuộc Bộ.

Sau những lời giới thiệu có tính chất thủ tục bắt buộc, vị đại diện của Văn phòng Chính phủ đọc quyết định đề bạt ông Cẩm làm Thứ trưởng của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếng ông ta đọc sang sảng:

- ... Điều một: Đề bạt đồng chí Cao Đức Cẩm, sinh năm 1944, quê quán huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, từ Cục trưởng Cục quản lý Xuất nhập khẩu giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Kinh tế.

Điều hai: Vụ Tổ chức cán bộ; Bộ trưởng Bộ Kinh tế và đồng chí Cao Đức Cẩm chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Đọc xong, ông ta nói với giọng nhẹ nhàng:

- Xin kính mời đồng chí Bộ trưởng Hoàng Văn Hiền lên trao quyết  định cho đồng chí Cao Đức Cẩm.

Ông Cẩm thong thả lên nhận quyết định do ông Hiền trao và ông chỉ hơi mỉm cười.

Sau đó, Bộ trưởng Hiền phát biểu:

- Thưa các đồng chí, thay mặt tập thể lãnh đạo Bộ, tôi xin chúc mừng đồng chí Cao Đức Cẩm được tín nhiệm đề bạt vào chức vụ mới. Tôi đã làm việc với đồng chí Cẩm hơn hai mươi năm và hiểu rất rõ những phẩm chất tốt đẹp của đồng chí Cẩm. Chúng ta mong rằng đồng chí Cẩm sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên cương vị mới.

Ông Cẩm phát biểu đáp từ với giọng chậm chạp pha chút dửng dưng:

- Kính thưa đồng chí Bộ trưởng, thưa tất cả các đồng chí. Trước hết tôi xin cảm ơn sự tin cậy của đồng chí Bộ trưởng và toàn thể cán bộ của Bộ ta. Tôi biết mình sẽ phải cố gắng rất nhiều trên nhiệm vụ mới. Rất mong các đồng chí giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ.

 Tiếp theo đó, nhân viên lễ tân Văn phòng Bộ mang rượu sâm banh lên và  trong chốc lát, tiếng nút chai bật nổ lốp bốp giòn giã... Mọi người nâng cốc  chúc mừng ông Cẩm.

Buổi công bố quyết định diễn ra nhanh chóng và ngay sau đó lãnh đạo Bộ đã họp ngay và phân công ông Cao Đức Cẩm với tư cách là Thứ trưởng, phụ trách mảng xuất nhập khẩu hàng hóa có hạn ngạch vào thị trường Mỹ và EU.

 

Cuộc họp tan, ông Cẩm ra về nhưng Bộ trưởng Hiền gọi giật lại:

- Anh Cẩm ơi, tôi muốn trao đổi thêm với anh một chút.

Ông Cẩm theo Bộ trưởng vào phòng làm việc. Bộ trưởng Hiền mở tủ lấy ra chai rượu của Pháp còn nguyên. Ông loay hoay bóc tem, mở bảo hiểm nút chai và nhìn động tác của ông thì biết rõ ông không phải là người quen uống rượu tây.

Ông Cẩm đỡ lấy chai:

- Anh để em...

Bộ trưởng cười ngượng nghịu:

- Chai rượu này là của ông đại sứ Pháp tại Việt Nam gửi tặng. Tôi để dành có lẽ đến ba năm rồi. Hôm nay muốn uống chúc mừng anh. Còn anh biết đấy, tôi rất ít khi uống rượu, và nếu có thì cũng chỉ nhấp môi cho phải phép.

Ông Cẩm rót rượu ra hai ly và lễ phép đưa ly rượu cho Bộ trưởng bằng cả hai tay. Bộ trưởng Hiền nâng ly:

- Chúc mừng anh và mong anh xứng đáng với cương vị mới của mình.

Ông Cẩm cảm động:

- Em xin cảm ơn anh. Em hứa sẽ không phụ lòng tin của anh và mọi người.

Hai người chạm ly. Ông Cẩm uống hết ngay còn Bộ trưởng chỉ uống tí chút. Bỗng dưng, Bộ trưởng nhìn thẳng vào mắt ông Cẩm, ánh mắt của ông vừa bao dung, vừa nghiêm đến mức hơi lạnh lùng và pha chút đe nẹt.

- Hôm nay, khi anh vừa nhậm chức, tôi có mấy điều muốn tâm sự với anh. Không biết anh có thời gian không?

- Anh cứ nói. Đã lâu lắm rồi, anh em mình không tâm sự với nhau - Ông Cẩm lộ vẻ lúng túng.

Bộ trưởng Hiền rót rượu cho ông Cẩm rồi thong thả nói:

- Nói để anh biết trước, Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận đơn xin nghỉ hưu của tôi, mặc dù tôi còn hơn một năm nữa mới đến tuổi.

Ông Cẩm cố ý ngạc nhiên nhưng thật ra thông tin này, ông biết từ hai tháng trước rồi:

- Sao anh lại phải xin nghỉ. Em thấy... anh... còn...

Bộ trưởng giơ tay ngăn lại:

- Thấy tôi còn khỏe... còn minh mẫn, còn sáng suốt chứ gì? Nói với nhau những lời sáo rỗng ấy làm gì? Tôi hiểu tôi hơn ai hết. Tôi xin nghỉ với ba lý do: Thứ nhất, tôi thấy rõ năng lực của tôi. Không bắt kịp với bước tiến như vũ bão của công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Tư duy thì cũ mòn, không nghĩ ra được cái gì mới. Thứ hai, tôi cảm thấy bất lực... tôi là Bộ trưởng nhưng hình như tôi không có quyền gì cả. Tôi không có quyền lựa chọn cán bộ, tôi càng không có quyền kỷ luật một ai... Tôi có quyền nhưng không có lực... Một ví dụ đơn giản. Nếu tôi có đủ quyền lực thì tôi đề bạt anh cách đây 5 năm rồi. Anh có biết vì sao không?

(Còn tiếp)

chay an cuon tieu thuyet di truoc thoi cuoc Chạy án (Kỳ 3)

Chiều nay, đi trao ở Quảng Ninh, có hoa hậu Minh Phương đi cùng. Chú giao cho cháu dẫn đoàn đi. Bởi lẽ trong đoàn ...

chay an cuon tieu thuyet di truoc thoi cuoc Chạy án (Kỳ 2)

Với bọn trẻ, cũng không nên quá khắt khe như vậy. Tôi nghe nói nó đi học ở Mỹ bốn năm thì chỉ một năm ...

Ngày đăng: 07:00 | 18/08/2019

Nguyễn Như Phong /