Nhiều nước châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kép, đó là sự trở lại của dịch COVID-19 với những kỷ lục về ca nhiễm mới theo ngày và những bất ổn xã hội do các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phòng dịch biến tấu thành bạo loạn.
Ngày 22/11, Áo trở thành nước đầu tiên ở Tây Âu tái áp dụng các biện pháp phong tỏa cứng rắn nhằm đối phó với tình trạng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng đột biến. Phần lớn các địa điểm tụ tập đông người như nhà hàng, quán bar, nhà hát, các cửa tiệm phi thiết yếu, tiệm cắt tóc bị cấm mở cửa, trước tiên là trong 10 ngày và có thể mở rộng tới 20 ngày, chính phủ Áo cho biết.
Các chợ Giáng sinh, vốn là điểm thu hút du khách, mới mở cửa nhưng cũng đã buộc phải nghỉ bán. Thang cáp đưa khách lên đỉnh trượt tuyết ban đầu cũng nằm trong lệnh cấm hoạt động, song trong thay đổi vào phút chót, chính phủ Áo đã quyết định cho phép dịch vụ này mở cửa với những người đã tiêm chủng. Tuy nhiên, tất cả khách sạn sẽ phải đóng cửa với du khách khi lệnh phong tỏa bắt đầu.
Bộ trưởng Y tế Áo, Wolfgang Mueckstein, nhấn mạnh rằng “lệnh phong tỏa, một phương pháp tương đối cứng rắn, như một chiếc búa tạ, là lựa chọn duy nhất để giảm số lượng các ca nhiễm lúc này”.
Tuần trước, chính phủ nước này đã áp đặt một lệnh hạn chế hoạt động đối với những người không tiêm chủng nhưng số ca nhiễm mới theo ngày vẫn đạt mức kỷ lục, cao hơn nhiều so với mức đỉnh một năm trước trong khi các giường chăm sóc đặc biệt thiếu hụt nghiêm trọng. Hôm 19/11, chính phủ Áo đã thông báo áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ 22/11, đồng thời quyết định bắt buộc tiêm chủng đối với toàn dân từ ngày 1/2/2022.
Người dân chỉ được rời khỏi nhà với một số lý do quan trọng như mua đồ thiết yếu. Việc đi bộ được cho phép không giới hạn thời gian và khoảng cách. Các cuộc gặp chỉ được giới hạn với một người từ hộ gia đình khác. Hôm 20/11, khoảng 40.000 người đã xuống đường tại thủ đô Vienna tham gia vào cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa lớn nhất tại nước này. Áo huy động hơn 1.400 cảnh sát nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trên khắp đất nước.
Một số quốc gia Tây Âu khác như Hà Lan, Đức hay Italy cũng công bố kế hoạch hoặc có động thái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng, chống dịch, tuy nhiên, hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra phản đối các biện pháp này.
Bạo loạn đã nổ ra tại thành phố Hague của Hà Lan suốt cuối tuần qua. Cảnh sát chống bạo động nước này đã phải sử dụng nhiều biện pháp mạnh như vòi rồng, để khống chế những người biểu tình quá khích, những người “phóng hỏa, phá hoại, hành hung những người lái xe và ném đá và pháo vào các sĩ quan cảnh sát”.
Tại Amsterdam, hàng nghìn người cũng đã tham gia biểu tình trong hai ngày cuối tuần qua mặc dù hầu hết đều diễn ra ôn hòa. Tuy nhiên tình hình lại khá căng thẳng ở một số khu vực như Enschede, Groningen hay Leeuwarden. Chỉ trong cuối tuần qua, hơn 150 vụ bắt giữ đã được tiến hành.
Tại Bỉ, hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình, một số người thậm chí đã ném đá, bom khói và pháo hoa vào cảnh sát bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu ở Brussels.
Cảnh sát sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán khoảng 35.000 người biểu tình. Theo Reuters, những người biểu tình đã mang theo các biểu ngữ với các khẩu hiệu như “khi bạo quyền trở thành luật, nổi dậy trở thành nghĩa vụ” để phản đối các lệnh phòng dịch. Ba cảnh sát và một người biểu tình bị thương trong các vụ đụng độ, hơn 40 vụ bắt giữ cũng đã được tiến hành.
Hàng nghìn người biểu tình chống tái áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt cũng đã xuống đường một cách ôn hòa ở các thủ đô của Croatia, Đan Mạch và Italy vào cuối tuần qua. Thủ đô Paris của Pháp dù không chứng kiến các cuộc biểu tình quy mô lớn nhưng đã có các cuộc đụng độ bạo lực ở lãnh thổ hải ngoại Guadeloupe.
Việc nhiều nước tái áp dụng các biện pháp chống dịch diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng châu Âu đã thêm một lần trở thành tâm dịch mới của thế giới. “COVID-19 một lần nữa lại trở thành nguyên nhân gây tử vong số một ở khu vực của chúng ta”, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, Hans Kluge, cho biết, đồng thời đưa ra dự đoán sẽ có thêm 500.000 ca tử vong ở châu Âu vào tháng 3 năm sau nếu không có chuyển biến tích cực.
Tiến Dũng
Châu Âu lại co mình trước sóng đại dịch mới |
COVID-19: Châu Âu vật lộn chống dịch, Nhật Bản và châu Phi hạ nhiệt lạ thường |
Ngày đăng: 08:24 | 23/11/2021
/ cand.com.vn