Cây phượng cổ thụ trong sân trường THCS Bạch Đằng, quận 3, bất ngờ bật gốc, đè 13 học sinh lớp 6 khiến một em tử vong, sáng 26/5.
Cây phượng đổ, đè các học sinh sáng nay. Ảnh: Trần Hồng Vũ. |
Trường THCS Bạch Đằng nằm trong hẻm 386 Lê Văn Sỹ. 6h20, sân trường khá đông học sinh. Cây phượng vĩ cao hơn 10 mét, thân to hai người ôm, phía bên phải sân trường bất ngờ bật gốc, đè trúng nhóm học sinh.
Ông Trần Hồng Vũ (phụ huynh lớp 8) cho biết, vừa đưa con đến cổng trường ông nghe tiếng cây đổ "rầm, rầm", sau đó là nhiều tiếng la hét của các học sinh. Sân trường náo loạn. Có 6 học sinh (4 nam và 2 nữ) bị cây đè trực tiếp, trong đó một cậu bé bất tỉnh.
May mắn chỉ bị thương nhẹ, Lâm Gia Minh (lớp 6/8) kể, lúc đó đang cùng cậu bạn ngồi ăn sáng gần cây phượng thì nghe tiếng "rắc, rắc". Chưa kịp hiểu chuyện gì thì cây đổ ập về phía mình, đè trúng nhiều bạn xung quanh. Minh bị cành cây đâm rách hơn 5 cm ở tay, chân, chảy nhiều máu. "Lúc đó con sợ, chỉ nhớ là các bạn la dữ lắm, thầy cô và mọi người chạy đến", Minh nói.
Ban giám hiệu cùng các thầy cô, phụ huynh nỗ lực đưa các em ra ngoài. Gần 30 phút sau 3 xe cứu thương đưa các nạn nhân đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 và một số bệnh viện khác.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết 13 học sinh gặp nạn học lớp 6/8. Đến 9h, bệnh viện thông báo một em tử vong.
Cây phượng được cho là hơn 50 tuổi, phần gốc khá to, xù xì. Ảnh: Trần Hồng Vũ. |
Cụ Hồng, sống cạnh trường từ năm 1954 cho biết, cây phượng có từ hơn 50 năm trước. Nhà trường quy định vào học lúc 6h45 nên học sinh thường có mặt đông nhất 6h15-6h30.
Hơn 20 cảnh sát và dân phòng phong tỏa hiện trường. Hàng chục phụ huynh kéo đến, hoảng loạn hỏi thông tin con mình có hay không bị nạn, song không liên lạc được với người nhà trường.
Bà Lê Thị Hiền (phụ huynh lớp 8/4) giọng run rẩy, bức xúc: "Con tôi và bạn bè của nó thế nào? Sự việc nghiêm trọng thế này, sao trường không báo cho chúng tôi".
Đến gần 11h, đại diện nhà trường thông báo cho phụ huynh về tình trạng của con mình, nhưng từ chối nói về sự cố khiến nhiều học sinh gặp nạn.
Rễ cây phượng cổ thụ khá nông. Ảnh: Trường THCS Bạch Đằng. |
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu (Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết, đơn vị tiếp nhận 6 cháu trai và 2 gái. Bốn bệnh nhân bị nhẹ sau khi được kiểm tra, chụp phim, kê toa thuốc giảm đau sẽ cho về. Trong các cháu còn lại có một học sinh bị gãy chân, một bị gãy tay, hai người chưa thấy thương tổn bên ngoài nhưng phải theo dõi thêm. "Các bé đều tỉnh táo, tiếp xúc tốt", bác sĩ Thu nói.
Sài Gòn có mưa lớn chiều tối qua, tập trung ở khu vực trung tâm - nhất là quận 1, 3, 5, 10 và kéo dài hơn hai giờ. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đánh giá đây là cơn mưa lớn nhất từ đầu năm.
TP HCM bước vào mùa mưa từ giữa tháng 5. Cơn mưa nặng hạt vào chiều 19/5 cũng khiến một số cây ở các tuyến đường bật gốc.
TP.HCM: Cứ mưa là ra đường nơm nớp lo sợ cây đè
Mới bước vào mùa mưa năm 2018 chưa lâu nhưng trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra hàng loạt vụ cây xanh ngã đổ khiến ... |
Cây xanh bị xâm hại, rủi ro treo lơ lửng trên đầu người dân
Trong mùa mưa năm nay, tại TPHCM đã có hàng chục cây xanh bất ngờ ngã đổ đè vào nhà cửa, xe cộ của người ... |
Ngày đăng: 10:38 | 26/05/2020
/ vnexpress.net