Đó là đại gia đình họa sĩ của cô giáo dạy vẽ thời tôi học Mỹ thuật HN. Cô là hoạ sĩ Tạ Diệu Tâm, con gái của hoạ sĩ Tạ Thúc Bình, và đại gia đình của cô có tới 3 thế hệ họa sĩ với 23 người, trong đó có 15 người tham gia giảng dạy, gần 10 người từng là hiệu trưởng, trưởng phó khoa của các trường mỹ thuật và kiến trúc..., xứng đáng được đưa vào Guinness VN.

cau chuyen ve mot gia dinh co 23 hoa si
Tác phẩm “Góp thóc vào kho” của họa sĩ Tạ Thúc Bình.

Từ gia đình cô giáo dạy vẽ của tôi...

Chồng cô Tâm là hoạ sĩ Hà Quang Phương, cũng là người hướng tôi vào con đường mỹ thuật. Chú từng giảng dạy lớp hội họa tôi học ở nơi sơ tán Hà Bắc. Thỉnh thoảng, chú lại lôi bọn tôi ra bắt chấy, vì lúc đó đứa nào cũng chấy rận, ghẻ lở đầy người. Sau này, khi chú mất, tôi là người viết bài về chú đăng trên báo SGGP. Chú Hà Quang Phương quê Nam Định, thuộc lớp dân di cư vào Nam rồi tham gia kháng chiến và tập kết ra Bắc, làm họa sĩ trình bày báo Nhân Dân; sau giải phóng, chú về công tác thời gian ngắn tại báo SGGP và măng sét báo SGGP thời kỳ đầu tiên là do chú thiết kế.

Cả cô chú đều tạo ảnh hưởng khá lớn cho tôi trong thời gian khó khăn ở Hà Nội bằng cuộc sống tình nghĩa và đầy kiên trì chịu đựng gian khó của mình. Trong bài, tôi nhắc đến câu nói cuối cùng của chú với cô Tâm trước khi mất: “Anh thương em lắm”, khiến mỗi lần đọc lại đến dòng này là cô Tâm lại khóc.

Con gái của cô chú là Hà Tuệ Hương, được cô sinh ra đúng lúc đang dạy bọn tôi ở nơi sơ tán. Tuệ Hương lớn lên học Văn, nhưng sau theo nghiệp vẽ, làm họa sĩ ở NXB Giáo dục, nơi có cậu ruột là họa sĩ Tạ Trọng Trí đang làm việc. Họa sĩ Tạ Trọng Trí từng nhập ngũ năm 1973, khi ấy là một thanh niên mắt một mí đẹp trai, giờ đã lục tuần và ngao du đi phượt khắp nơi với bộ râu tóc đẹp như tiên ông.

Đã hàng chục năm trôi qua, hầu như Ngày Nhà giáo Việt Nam nào, chúng tôi cũng tụ tập đến thăm cô Tạ Diệu Tâm hoặc mời cô dự họp lớp. Cô Tâm, cũng như bố mình là họa sĩ Tạ Thúc Bình, đã hết sức tâm huyết đào tạo thế hệ trẻ. Đám học trò chúng tôi sau này đứa thì Hiệu phó Trường Mỹ thuật TPHCM, trưởng khoa, kiến trúc sư, hoạ sĩ quân đội, doanh nghiệp, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, đứa hành nghề ở nước ngoài, và có cả người là Nghệ sĩ Nhân dân (Hà Bắc), người là NSND, Thứ trưởng Bộ VHTTDL (Vương Duy Biên) và nhà báo (là tôi)...

Bây giờ, thoáng chốc nhìn lại, đám học trò đã già, đã về hưu, có người đã mất..., vậy mà cô giáo tôi vẫn khỏe mạnh và vẫn sáng tác, vẫn vui vầy cùng con cháu, vẫn siêng đi họp... tổ dân phố và vẫn rất mực yêu thương con cháu và học trò.

Vũ Thuý Hải, một học sinh nữ của lớp, nhớ lại: Hồi đó, cô giáo Tâm dạy vẽ, mới sinh con được 1 tháng, đã phải bồng lên chỗ sơ tán thôn Quỳnh Bội, Hà Bắc để dạy học.

Cái lán làm thêm cho cô Tâm và mấy đứa con gái ở là kiểu nhà hầm nửa nổi nửa chìm tự chế do bọn tôi tự xây, xung quanh đắp lũy đất dày cỡ 1m chừa một lối vào. Mái lợp rạ trên khung tre buộc lạt, giữa nhà là 1 cột cái chống cũng bằng cây tre to nhất. Nhà rất tối nhưng mùa đông thế là ấm. Sạp tre, ba đứa con gái Lộc, Minh, Hải gắn cạnh cái cột cái. Chỗ nằm của cô Tâm và em bé ở một góc. Đêm đó, nghe tiếng sột soạt cột rung rinh, tôi bật dậy, thấy cột nghiêng nghiêng, bèn kêu toáng lên: “Cô Tâm, Minh, Lộc dậy ngay, nhà sắp sập!” Cả nhà nháo nhào chạy ra ngoài thì nhà từ từ chao nghiêng. Bỗng cô Tâm kêu: “Cái phích, còn cái phích”. Tôi vội vàng xông tới vồ lấy cái phích ra thì nhà đổ hẳn. Hú vía. Lúc đó cứu được cái phích quan trọng lắm. Cứ nghĩ mùa đông, em bé mới một tháng tuổi không có nước nóng thì làm sao?

Cô giáo và học trò đứng ngắm nhà đổ mà tự an ủi. Còn may không chết bẹp người và vẫn còn... phích nước. Tuy nhiên, ngắm tác phẩm mình dựng mà bị đổ đau lòng lắm.

Nhớ những năm tháng đấy, thấy các thầy cô thật đáng khâm phục. Chăm sóc cho đám con nít lau nhau từ 7 - 12 tuổi vừa lo ăn ở vừa lo dạy học. Cô Tâm thì một tay vừa ôm con, tay kia vừa chỉ dẫn trò vẽ thế này thế kia. Khổ vậy mà sao đáng yêu và đẹp thế...

cau chuyen ve mot gia dinh co 23 hoa si
cau chuyen ve mot gia dinh co 23 hoa si
Họa sĩ Tạ Thúc Bình và gia đình.
Trở lại với câu chuyện cô Tạ Diệu Tâm của tôi. Sau khi vào Sài Gòn, cô đã tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Kiến trúc. Lúc này, cô có thêm cô con gái Hà Phương Minh, sau này cũng nối theo nghề nghiệp truyền thống của gia đình. Nhưng nghề dạy đại học lúc đó cũng còn nhiều khó khăn. Cô giáo tôi cùng mấy chị em cũng là họa sĩ đã vẽ áo dài và vẽ cà vạt nghệ thuật, và có lẽ là họa sĩ đầu tiên vẽ tranh trên càvạt với thương hiệu: Càvạt Tâm Hương. Tuy nhiên, sau đó cửa hàng phải đóng cửa vì bị làm nhái, sợ mang tiếng, ảnh hưởng đến hình ảnh của gia đình, đặc biệt là hình ảnh người cha là họa sĩ, nhà giáo Tạ Thúc Bình. Bây giờ đã lớn tuổi, cô giáo tôi thỉnh thoảng mới vẽ, những lúc rảnh rỗi, cô thường đi thăm bạn bè con cháu. Cuộc sống và công việc của cô vẫn trong veo, mềm mại như nét vẽ của cô trong những tác phẩm mà tôi đã được chiêm ngưỡng từ nhỏ tới giờ.

... Đến một gia đình có 23 họa sĩ

Gia đình của cô giáo tôi có tới 23 thành viên với 3 thế hệ là họa sĩ. Người đứng đầu gia đình truyền thống hội họa này là họa sĩ Tạ Thúc Bình. Quê họa sĩ ở Phủ Lạng, Bắc Giang. Trong số 7 người con, có 3 người con gái và con trai vẽ đẹp, được ông dạy và hướng dẫn cho đi theo nghề. Và có một chi tiết thú vị nữa, đa số tên các con ông là do người bạn thân là nhà văn Ngô Tất Tố đặt tên.

Những năm gia đình chuyển từ Bắc Giang về Hà Nội, họa sĩ Tạ Thúc Bình là một trong số ít họa sĩ tham gia vẽ áp phích, tranh cổ động cho phong trào Việt Minh Cứu Quốc bên cạnh việc vận chuyển vũ khí cho bộ đội.

Cô Tạ Diệu Tâm kể: Những năm ấy, bố làm ở Ty Thông tin tuyên truyền khu XII. Nhận thấy cái đẹp, cái duyên trong tranh dân gian Đông Hồ, ông đã lặn lội về làng tranh nổi tiếng này mời bằng được nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần đi tham gia kháng chiến và cùng nhau phục dựng thể loại tranh Đông Hồ dân gian. Ông thành lập phòng hội họa, sáng tác các thể loại tranh tuyên truyền, tập hợp các nghệ nhân hoàn thành những bản khắc gỗ và in tranh trên chất liệu giấy điệp, giấy dó - một sản phẩm dễ làm, có thể tự túc nguyên liệu - rất thích hợp với hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ.

Họa sĩ Tạ Thúc Bình còn là một trong những người tham gia thành lập lại Trường CĐ Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội) cùng với các họa sĩ Lương Xuân Nhị, Trần Đình Cẩn, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Văn Tỵ… Ở đó, ông dành thời gian soạn chương trình mỹ thuật dân gian và tham gia giảng dạy từ ngày thành lập trường cho đến khi nghỉ hưu. Hơn 60 năm cầm cọ và giảng dạy, ông đã trực tiếp đào tạo hàng ngàn họa sĩ cho đất nước.

Họa sĩ Tạ Thúc Bình là một người được giới hội họa, các đồng nghiệp và các thế hệ sinh viên mỹ thuật quý trọng bởi nhân cách và tài năng thiên bẩm của ông.

Sau khi về Hà Nội, gia đình ông được Nhà nước cấp cho một căn nhà khá rộng ở phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội nhưng “vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, nhường cơm xẻ áo cho cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, gia đình chuyển về ở trong một căn phòng rộng chừng 30m2 trong khu tập thể của Trường CĐ Mỹ thuật Việt Nam. Nhưng, chính nhờ những năm tháng sống trong môi trường hội họa ở khu tập thể, cộng với năng khiếu sẵn có mà các con của họa sĩ sớm thành danh trong làng hội họa. Lúc nhỏ, tôi vẫn thường đến nhà cô giáo chơi, một phần thích xem các họa sĩ vẽ tranh, phần vì ở nhà cô có một cây táo rất sum suê, bọn tôi leo trèo hái táo về ăn thỏa thích. Lúc đó, trong mắt tôi, họa sĩ Tạ Thúc Bình cũng như các cô trong nhà là những người hiền từ, nhân hậu và hình như chất dịu dàng đằm thắm ấy cũng thể hiện trên những tác phẩm của đại gia đình họa sĩ này.

Hoạ sĩ Tạ Thúc Bình vẽ nhiều nhất vẫn là tranh phong cảnh làng quê Việt trên chất liệu lụa mỏng (tranh lụa). Rõ nét nhất là trong truyện tranh bánh chưng bánh dầy, tranh nào cũng có nền là mái tranh, ruộng rau, đàn gà, giếng nước, bờ ao, hàng tre… Những bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Tạ Thúc Bình như “Góp thóc vào kho”, mô tả cảnh góp thuế nông nghiệp cho chính phủ ở một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Một bức khác do nhà sưu tập tranh ở Hà Nội lưu giữ là tranh sơn dầu “Mùa lúa chín”. Bức này ông vẽ năm 1952 khi trên đường từ chiến khu về thăm quê mẹ, trước cảnh đẹp của cánh đồng lúa chín, bức họa ra đời.

Họa sĩ Tạ Thúc Bình còn được biết đến là họa sĩ vẽ bìa và minh họa nhiều tác phẩm lịch sử, truyện tranh thiếu nhi cho NXB Kim Đồng từ những ngày đầu thành lập (1957). Đến nỗi giới họa sĩ gọi vui tên ông là “Tạ Thúc Bìa”... Những năm tháng chiến tranh chống phá hoại ở miền Bắc, ngoài giờ lên lớp, đêm chong đèn ông vẽ cho các truyện như “Tấm Cám” (1958), “Bánh chưng bánh dầy” (1960), “Con cóc là cậu ông Trời” (1968), “Sự tích trầu cau” (1978). Được biết, biểu tượng búp măng non với ngôi sao đỏ và hai chữ KĐ - logo của NXB Kim Đồng là do họa sĩ Tạ Thúc Bình vẽ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhưng thầy giáo, họa sĩ Tạ Thúc Bình vẫn thường xuyên đưa học sinh vào chiến trường khu IV để vẽ. Trong các học trò, ông quý và chăm chút hướng dẫn các học trò người miền Nam tập kết và học trò người dân tộc nghèo khó. Họa sĩ Tạ Thúc Bình là người say mê sáng tác, ông vẽ ngày vẽ đêm, vẽ quên cả ăn uống. Mọi người trong giới hội họa đều biết một chuyện vui và cảm động về ông, đó là có lần, ông vẽ chăm chú say sưa đến nỗi Bác Hồ đến thăm đứng ngay cửa rồi mà ông vẫn không hay biết.

cau chuyen ve mot gia dinh co 23 hoa si
Họa sĩ Tạ Thúc Bình và con trai út Tạ Trọng Trí lúc vừa nhập ngũ.
Họa sĩ Tạ Thúc Bình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước và nhiều danh hiệu phần thưởng cao quý khác để ghi nhận công lao sáng tạo nghệ thuật và đào tạo đồ sộ của ông suốt 60 năm cống hiến không ngơi nghỉ cho nền hội họa nước nhà.

Vào giữa năm 2017, tại Trường ĐH Mỹ thuật HN đã có một triển lãm của họa sĩ Tạ Thúc Bình do Hội Mỹ thuật, Trường Mỹ thuật cùng con cháu và các thế hệ sinh viên tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

cau chuyen ve mot gia dinh co 23 hoa si Năm Tuất nói chuyện "khuyển" qua lăng kính họa sỹ

Trong mười hai con giáp thì con Chó (Tuất - Khuyển) đứng ở vị trí thứ mười một, trong vòng tuần hoàn Thập Nhị địa ...

cau chuyen ve mot gia dinh co 23 hoa si Vẽ hình tí hon trên túi lọc trà đẹp đến từng chi tiết

Ruby Silvious (đến từ New York, Mỹ) đã sử dụng thứ mọi người thường bỏ đi cùng màu nước để sáng tạo ra những tác ...

Ngày đăng: 11:58 | 21/02/2018

/ Báo Lao Động