Cái chết của gia đình Thường Khải cũng làm nổi bật tình trạng thiếu thốn thiết bị, vật tư y tế và cơ sở hạ tầng điều trị nCoV ở Vũ Hán, tâm dịch tại Trung Quốc.
Đạo diễn Thường Khải ở Vũ Hán tử vong do nhiễm nCoV, bố mẹ và chị gái ông cũng lần lượt qua đời, gây lo ngại về chính sách cách ly tại nhà.
Thường Khải, giám đốc Xưởng phim Hồ Bắc ở thành phố Vũ Hán, qua đời hôm 14/2 ở tuổi 55 vì virus corona, theo cáo phó được công ty của ông công bố. Một bạn học của Thường Khải cho biết bố, mẹ và chị gái ông cũng lần lượt qua đời vì căn bệnh này từ ngày 28/1 đến 14/2.
Câu chuyện về cái chết của 4 người trong gia đình ông Thường làm dấy lên lo ngại về chính sách yêu cầu người dân tự cách ly tại nhà của chính quyền thành Vũ Hán. Chính sách này được áp dụng ngay từ khi dịch mới bùng phát, bất chấp mối đe dọa đến sức khỏe những người xung quanh bệnh nhân.
Chen Bo, giáo sư tại đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán, cho rằng việc cách ly tại nhà có thể gây lây nhiễm chéo trong cộng đồng và gia đình, dẫn đến nhiều ca tử vong hơn khi các ca bệnh nặng không được điều trị.
Người bạn học cho biết bố Thường Khải bắt đầu có những triệu chứng nhiễm nCoV vào 25/1, ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Ông đã đưa bố đến nhiều bệnh viện ở Vũ Hán nhưng đều bị từ chối do thiếu giường bệnh. Gia đình ông buộc phải tự cách ly trong một căn hộ ở Vũ Hán. Ba ngày sau, bố Thường Khải qua đời.
Tuy nhiên, thảm kịch của gia đình mới chỉ bắt đầu. Hôm 2/2, mẹ ông Thường tử vong sau khi mắc bệnh. Cùng ngày, Zhong Nanshan, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc đang hỗ trợ chỉ đạo ứng phó với Covid-19, nói trên truyền hình rằng việc các bệnh viện thiếu giường khiến nhiều người được chẩn đoán hay nghi nhiễm nCoV phải về nhà là "vô cùng nguy hiểm".
Cũng ngày hôm đó, giới chức Vũ Hán tuyên bố chấm dứt chính sách cách ly tại nhà và bắt đầu phân loại các bệnh nhân thành nhóm bị nhiễm, nghi nhiễm, nhóm bị sốt và nhóm từng tiếp xúc với bệnh nhân nhưng chưa có triệu chứng. Chính sách mới này giúp cách ly bệnh nhân theo từng loại và có liệu trình chữa trị phù hợp.
Tuy nhiên, thay đổi này diễn ra quá muộn đối với gia đình họ Thường. Hôm 14/2, vài giờ sau khi ông ra đi, chị gái ông qua đời trong cuộc chiến với virus corona. Cô không sống cùng bố mẹ, nhưng đã về nhà dự bữa cơm tất niên hôm 24/1.
Vợ Thường Khải, người cũng bị nhiễm nCoV, đang ở trong tình trạng nguy kịch. Con trai duy nhất của vợ chồng ông đang du học tại Anh và được khuyến cáo không về nhà để tránh dịch.
Người bạn học của Thường Khải đang giữ một bức thư được đạo diễn này viết vào những phút cuối đời, mô tả sự tuyệt vọng của gia đình ông khi đi tìm giường bệnh, nỗi đau khi mất cha mẹ và sự suy kiệt của cơ thể.
"Khi tôi trút hơi thở yếu ớt cuối cùng, tôi muốn nói với gia đình, bạn bè và con trai tôi ở London xa xôi rằng: Cả đời mình, tôi đã là một người con hiếu thảo, một người cha có trách nhiệm, một người chồng yêu thương vợ và một người trung thực! Tạm biệt những người tôi yêu thương và những người đã yêu thương tôi!".
Bạn bè của Thường Khải bày tỏ nỗi tiếc thương đến đạo diễn "nhân hậu và dễ mến" này. "Tôi hy vọng thảm kịch sẽ được điều tra để chúng ta biết được lỗi này thuộc về ai", người bạn của ông nói.
Cái chết của gia đình Thường Khải cũng làm nổi bật tình trạng thiếu thốn thiết bị, vật tư y tế và cơ sở hạ tầng điều trị nCoV ở Vũ Hán, tâm dịch tại Trung Quốc. Việc các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân khiến nhiều người nhiễm nCoV không có chỗ điều trị, một số người đã phải "chiến đấu" để có thể giành giật giường bệnh cho người nhà.
Theo số liệu của Tiêu Nhã Huy, phó tổng cục trưởng Cục Quản lý Y tế thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), trong giai đoạn đầu dịch viêm phổi corona (Covid-19), thời gian trung bình để một bệnh nhân nhập viện là 9,84 ngày. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu, bỏ lỡ thời gian tốt nhất để được điều trị, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng.
Hơn nữa, khi các bệnh nhân nghiêm trọng được chuyển đến bệnh viện, không có đủ nhân viên y tế điều trị cho họ. "Thông thường 10% giường dành cho khu chăm sóc tích cực (ICU) tại một bệnh viện", bà Tiêu nói. "Nhưng bây giờ bệnh viện ở Vũ Hán cần biến tất cả giường và phòng thành ICU và đó là thử thách lớn".
Tình trạng thiếu bình oxy và máy thở trong ICU là một trong những vấn đề lớn nhất. "Tình hình đang trở nên tốt hơn khi trang thiết bị đang được dồn về Vũ Hán. Sự thiếu hụt đang giảm", bà giải thích.
Một người nghi nhiễm virus corona ở Vũ Hán tự tử tại nhà sau khi bị giới chức địa phương lơ là về bệnh tình.
Trong thông cáo hôm 16/2, Ủy ban Giám sát thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch viêm phổi do nCoV (Covid-19), cho biết nạn nhân là một người đàn ông họ Cheng, sống ở khu Zhengkang, quận Kiều Khẩu.
Giới chức Zhengkang biết Cheng có thể bị nhiễm nCoV nhưng đã không báo cáo thông tin với cấp trên, khiến ông không được điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả. Cheng sau đó tự tử bằng cách treo cổ tại nhà.
Thông cáo không nêu rõ hoàn cảnh khiến người đàn ông phải lựa chọn biện pháp cực đoan nhưng nhấn mạnh rằng sự việc đã gây tác động tiêu cực nghiêm trọng đến xã hội.
4 quan chức của khu Zhengkang đã bị xử phạt vì để xảy ra cái chết của ông Cheng. Trong đó, Tu Ying, bí thư đảng ủy Zhengkang, và Wu Aiying, phó bí thư, bị cảnh cáo trong nội bộ. Hai quan chức khác bị khiển trách vì không làm tròn nhiệm vụ.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã phơi bày nhiều điểm yếu kém trong công tác quản lý của giới chức Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc. Bí thư tỉnh và thành phố đều đã bị cách chức và thay thế bằng những người có kinh nghiệm trong vấn đề pháp lý, quyết đoán trong xử lý các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Phóng viên (T/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống
Ngày đăng: 16:10 | 18/02/2020
/