Thấy gì qua con số hơn 90% số vụ tai nạn giao thông đường bộ là do lỗi của con người gây ra? Điều đó phản ánh một thực tế con người là một trong số các chủ thể quan trọng của an toàn giao thông.
Thực tiễn đời sống đang đặt ra nhu cầu cấp bách phải có luật chuyên biệt để quản lý tốt hơn con người khi tham gia giao thông, vì sự an toàn của chính họ và cộng đồng. Nhiều chuyên gia pháp lý, các nhà nghiên cứu đã bày tỏ sự đồng thuận với việc phải có “luật đi đường” hướng đến mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông để kéo giảm tai nạn và ùn tắc.
Xu hướng lập pháp
Khi dự luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các nhân sĩ trí thức, chuyên gia pháp lý, đại biểu Quốc hội, bên cạnh đa số quan điểm ủng hộ, cũng có ý kiến lo ngại việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật TTATGTĐB và Luật Đường bộ sẽ phá vỡ tính hệ thống, tổng thể của hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này. Lập luận trên đã được nhiều chuyên gia pháp lý đánh giá là không có căn cứ, đi ngược lại xu hướng lập pháp hiện đại.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho biết, hiện nay ở nước ta cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới, trong công tác lập pháp, có một xu hướng tất yếu đó là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng chuyên sâu, điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể để bảo đảm sự phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật... Việc tách luật không phải là duy ý chí, hay phục vụ lợi ích cục bộ của ngành nào, mà là do yêu cầu khách quan đặt ra từ thực tiễn đời sống.Đời sống kinh tế xã hội càng phát triển thì quan hệ xã hội mới phát sinh ngày càng nhiều, đòi hỏi phải được điều chỉnh bằng luật chuyên biệt, chuyên ngành.
“Theo tìm hiểu của chúng tôi về luật giao thông ở các quốc gia trên thế giới như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Đức, Australia, Lào, Campuchia, nhiều nước còn xây dựng luật riêng về đường bộ cao tốc, hay luật riêng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, luật riêng điều chỉnh lĩnh vực vận tải đường bộ gắn với dịch vụ logistic...
Đặc biệt, không có bất kỳ quốc gia nào ban hành Luật Giao thông đường bộ bao gồm cả 3 lĩnh vực an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ. Ở Việt Nam, việc một ngành luật được tách ra để điều chỉnh chuyên sâu một lĩnh vực cụ thể, một quan hệ xã hội nào đó... không còn là chuyện gì mới mẻ. Chẳng hạn, Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã được tách ra từ Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại được tách ra từ Luật Khiếu nại, Tố cáo; Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được tách ra từ Luật Đầu tư (cũ); Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học được tách từ Luật Giáo dục; Luật Sở hữu trí tuệ được tách ra từ Bộ luật Dân sự; Luật An toàn, vệ sinh lao động được tách ra từ Bộ luật Lao động... Việc chúng ta tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật TTATGTĐB và Luật Đường bộ là theo xu thế tất yếu đó, để đảm bảo điều chỉnh mọi mối quan hệ xã hội phát sinh trong từng lĩnh vực” - Tiến sĩ Cường nhận xét.
Vì con người là mục đích tối thượng
Dự thảo Luật TTATGTĐB có 8 chương, 63 điều được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội. Luật sư Nguyễn Thanh Phương (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là một dự luật rất quan trọng, vì gắn liền với đời sống dân sinh, trực tiếp tác động đến gần 100 triệu dân.
Qua nghiên cứu, bà Phương cho rằng “điểm nhấn” quan trọng của luật này, đó là việc quy định rất rõ cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, luật cũng đã minh định các biện pháp thực hiện cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách cùng nhiều quy định tạo thuận lợi hơn cho người dân, cơ quan, tổ chức.
“Chúng tôi cho rằng, việc phân công cụ thể, rõ ràng, đúng chức năng, nhiệm vụ trong dự luật sẽ nâng cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng bộ, ngành, địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGTĐB, góp phần quan trọng làm chuyển biến tình hình TTATGT, kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông” - luật sư Phương nhận định.
Vẫn theo bà Phương, việc tách bạch lĩnh vực TTATGTĐB với lĩnh vực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ; phân định rõ phạm vi điều chỉnh của 2 luật sẽ giúp giải quyết được 2 vấn đề lớn và cấp bách mà thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đó là bảo đảm an toàn, làm giảm tai nạn giao thông (TNGT) và phát triển hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về quy tắc giao thông đường bộ trong dự luật, bà Phương đánh giá đó là một bộ quy tắc văn minh, hiện đại và có độ ổn định cao. Các quy định về tốc độ, tránh, vượt, chuyển hướng, chuyển làn, sử dụng còi, đèn tín hiệu, giao thông... được luật hóa, giúp người dân dễ nhận thức, từ đó hạn chế cơ bản tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, nhất là khi đi đến những đoạn đường nguy hiểm, nơi ngã ba, ngã tư... giúp giảm thiểu TNGT và thương vong.
Mặt khác, các quy định này cũng giúp cho việc xác định lỗi chính xác giữa các bên nếu xảy ra TNGT. Về nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGTĐB, luật sư Phương cho rằng việc dự luật quy định rõ hơn về nội dung, hình thức, trách nhiệm... của các bộ, ban ngành, cơ quan, tổ chức, sẽ giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông “văn minh, an toàn”.
Đánh giá tổng thể về dự luật, luật sư Phương nói: “TTATGTĐB có mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người do các hành vi vi phạm pháp luật giao thông và pháp luật khác của người điều khiển phương tiện gây ra. Dự luật này ngoài việc xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị thì còn xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính về TTATGTĐB, đó là ngành Công an căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao. Một điểm mới quan trọng nữa đó là dự luật xác định công tác quản lý người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (từ kiến thức, ý thức pháp luật; năng lực hành vi; kỹ năng điều khiển phương tiện đến quá trình chấp hành pháp luật...) là một nội dung quan trọng, xuyên suốt, có ý nghĩa then chốt để bảo đảm TTATGTĐB.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức giao thông đường bộ và sự phối hợp trong công tác này giữa các cơ quan liên quan; công tác điều tra, giải quyết TNGT và tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGTĐB đã được quy định cụ thể về nội dung, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Đây là điểm mới, tiến bộ, giúp cho các chủ thể quản lý nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình, khắc phục được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm công vụ”.
Không thể chậm trễ
Một vấn đề rất mới được quy định trong dự luật đó là sự cụ thể hóa quy định về công tác giải quyết TNGT. Đây là đòi hỏi cấp bách, không thể chậm trễ đặt ra từ thực tiễn tình hình TNGT hiện nay, cũng như những vướng mắc, bất cập mà lực lượng thực thi nhiệm vụ đang gặp phải.
Từ góc độ của người quản lý, Đại tá Vũ Quang Thái (Trưởng Phòng 8, Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết dự luật TTATGTĐB đã quy định rất cụ thể, rõ ràng về giải quyết TNGT đường bộ tại Chương V. Ông cho rằng các nội dung như nguyên tắc giải quyết TNGT; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ TNGT; trách nhiệm của ngành Y tế, trách nhiệm của ngành Công an, trách nhiệm của cơ quan bảo trì, khai thác đường bộ, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm, UBND các cấp trong giải quyết TNGT... sẽ giúp cho việc giải quyết TNGT được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức; khắc phục kịp thời hậu quả các vụ TNGT; bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong vụ TNGT.
Bên cạnh đó, việc dự luật bổ sung quy định về tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ là các nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, giúp cho lực lượng chức năng có cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ khi tổ chức thực hiện; giải quyết được những vấn đề bất cập về tổ chức giao thông, về chỉ huy, điều khiển giao thông.
Việc quy định nguyên tắc và các biện pháp phân luồng giao thông; tiêu chí xác định ùn tắc giao thông, nguyên tắc giải quyết ùn tắc giao thông, biện pháp giải quyết ùn tắc giao thông trong các trường hợp cụ thể... là những chỉ dẫn nghiệp vụ rất cần thiết đối với CBCS thực hiện nhiệm vụ ngoài đường.
Vẫn theo Đại tá Thái, dự luật đã đề cập rất toàn diện với các quy phạm về tuần tra kiểm soát, phòng ngừa, xử lý vi phạm về TTATGTĐB, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên tuyến giao thông đường bộ; kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; tiếp nhận thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp; tiếp nhận kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp; giám sát việc thực thi pháp luật... giúp cán bộ chiến sĩ có “vũ khí luật pháp” sắc bén để triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình.
“Những nội dung mới trong dự luật có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm; cải cách căn bản phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại hóa, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao hiệu lực và tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức và trách nhiệm của các chủ thể trong việc chấp hành pháp luật về TTATGTĐB; xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật” - Đại tá Thái nói.
Để đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi tham gia giao thông, bảo vệ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, đồng thời có đủ hành lang pháp lý để CSGT vừa làm tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông, vừa đấu tranh, trấn áp tội phạm trên tuyến, vừa bảo vệ chính bản thân mình... thì việc thể chế hóa các nguyên tắc thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về TTATGTĐB, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên tuyến giao thông đường bộ là rất cần thiết.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Minh Hiển (Học viện Cảnh sát nhân dân) nói ông rất kỳ vọng với những nội dung đột phá về chính sách, dự luật này sẽ tạo ra bước đột phá và chuyển biến căn bản về công tác bảo đảm TTATGTĐB. Trong bối cảnh tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến đường bộ đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc hoàn thiện thể chế, quy định về xử lý tội phạm và vi phạm trên tuyến giao thông đường bộ sẽ giúp ngăn chặn được những hành vi coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác của một bộ phận người tham gia giao thông.
“Với chủ trương đúng đắn và quyết sách mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, sự thống nhất của các bộ, ban, ngành, địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, chúng tôi mong muốn rằng dự luật sẽ được thông qua. Khi đi vào cuộc sống sẽ tạo đột phá về trật tự, an toàn giao thông, đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ góp phần giữ bình yên, hạnh phúc của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong giai đoạn mới” - ông Hiển nhận định.
Đào Trung Hiếu
Cần thiết ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ: Bất cập từ sự “ôm đồm” |
Các chuyên gia nói gì về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ? |
Ngày đăng: 09:29 | 28/03/2022
/ antg.cand.com.vn