“Sau này, có dịp trở lại Việt Nam, các bạn sẽ chỉ cho tôi cách qua đường như thế nào - câu nói vui của Cựu Tổng thống Mỹ Obama, khi ông sang thăm Việt Nam năm 2016, đã khiến phòng làm việc của Đại tá Nguyễn Hải Phong - Trưởng Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) đầy ắp tiếng cười.

Sở dĩ chuyện xưa được nhắc lại, bởi ngồi bên tôi khi ấy là những bộ quân phục màu nắng của anh em Cục CSGT và đồng nghiệp ở tỉnh này. Tiếng là đến “thăm thân” nhưng câu chuyện lại nhanh chóng xoay sang những bất cập đã xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên đường của họ, xuất phát từ hạn chế của khung pháp lý hiện hành.

Kỳ 1: Vọng về từ các cung đường

“Vướng” từ trên đường

Hành trình thị sát hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông của lực lượng CSGT đã dẫn chúng tôi đi qua nhiều cung đường miền Bắc. Cầm lái dẫn đường là Trung tá Lê Đức Thọ - cán bộ Phòng Tuần tra, kiểm soát, Cục CSGT. Trên xe, câu chuyện xoay quanh vấn đề đang rất nóng hiện nay trên tuyến giao thông, xuất phát từ những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành điều chỉnh lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trung tá Thọ nhớ mãi lần giải quyết vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên hoàn xảy ra trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thuộc địa phận xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, vì đó là một ví dụ điển hình về những vướng mắc mà các anh thường gặp phải. Anh kể vào hồi 1 giờ 30 ngày 27-11-2021, ô tô đầu kéo BKS 37C-301.63 do lái xe Phạm Văn Toàn điều khiển trong lúc di chuyển đã đâm va liên hoàn với xe sơmi - rơ-mooc tải BKS 37B-019.80; ô tô đầu kéo BKS 15H-027.78 và xe ô tô con BKS 51F-053.48.

Rất may, vụ tai nạn không có người chết nhưng bằng mắt thường có thể thấy thiệt hại do hư hỏng của các phương tiện ước chừng trên 100 triệu đồng. Theo quy định tại điểm 2, Điều 7, Thông tư số 62/2020/TT-BC ngày 19-6-2020 thì thẩm quyền điều tra, giải quyết vụ tai nạn này thuộc công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc.

Kỳ 1: Vọng về từ các cung đường -0

Vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra trên Quốc lộ 5 - đoạn thuộc phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội.

Thế nhưng, vì ngay lúc đó chưa thể có ngay kết quả giám định về thiệt hại tài sản nên địa phương không tiếp nhận giải quyết sự việc. Về sau, Trung tá Thọ phải sử dụng quan hệ cá nhân thì việc bàn giao hồ sơ mới xong. Vừa phải lo giải quyết tai nạn, vừa phải tìm quan hệ với địa phương để xử lý công việc đang là một thực tế khá “đau đầu” của các tổ tuần tra, kiểm soát giao thông hiện nay.

Trung tá Thọ cho biết đây chỉ là một trong số rất nhiều vướng mắc, bởi hiện nay khung pháp lý để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn rất thiếu, chưa chặt chẽ và đồng bộ. Luật giao thông đường bộ năm 2008 mới chỉ quy định chung, lại không có hiệu lực trực tiếp mà phải thông qua hệ thống các văn bản dưới luật để giải thích và điều chỉnh các vấn đề cụ thể. Nhưng, những quy định dưới luật đó cũng chưa thực sự khoa học, hợp lý.

Trao đổi với Đại tá Nguyễn Hải Phong cùng anh em CSGT địa phương, họ cho biết hiện đang có rất nhiều tình huống gây khó khăn trong công tác điều tra xử lý TNGT, xuất phát từ sự thiếu hoàn thiện của hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ. Chỉ mỗi chuyện dựng lại hiện trường khi phát sinh tố tụng cũng đã rất nan giải.

Đại tá Phong kể: “Hiện nay việc phân công, phân cấp trong xử lý, giải quyết tai nạn chưa thực sự hợp lý. Theo đó, chỉ những vụ TNGT đến mức xử lý hình sự như có người chết, thương tích nặng, đối với nhiều người, thiệt hại từ 100 triệu trở lên... thì cơ quan tiến hành tố tụng nơi xảy ra tai nạn mới tiến hành giải quyết ngay từ đầu. Còn những vụ việc chưa rõ mức độ thiệt hại thì vẫn do đơn vị CSGT lập hồ sơ. Điều này dẫn đến một thực tế là có nhiều vụ tai nạn nhưng nạn nhân không chết ngay, mà sau vài ngày nhập viện mới chết hoặc những vụ không thể xác định ngay về mức độ thiệt hại... vì CSGT lập hồ sơ ban đầu nên khi phát sinh yêu cầu khởi tố, điều tra đối với người gây tai nạn thì hồ sơ, biên bản khám nghiệm lại thiếu thành phần, chữ ký của những người tham gia theo luật định, đặc biệt là vai trò giám sát của kiểm sát viên.

Trên thực tế, các cơ quan thụ lý án TNGT thường phải dựng lại hiện trường nhưng khi đó thì các dấu vết, vật chứng thường sẽ không còn do tác động của nhiều yếu tố. Nếu dùng lại các biên bản do CSGT đã lập trước đó thì không ổn vì thiếu thành phần tham gia khám nghiệm”.

Vẫn theo Đại tá Phong, nếu tài liệu điều tra không đảm bảo thuộc tính hợp pháp, nghĩa là việc thu thập chứng cứ không theo đúng trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì chứng cứ đó không có giá trị chứng minh. Việc “mông má” biên bản cho đủ thành phần là làm sai lệch hồ sơ, vi phạm tố tụng.

Từ thực tiễn trên, ông kiến nghị cần phải luật hóa về vai trò, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các ngành, các đơn vị, địa phương, chuẩn hóa quy trình giải quyết các vấn đề phát sinh trên đường, theo hướng cơ quan chịu trách nhiệm chính giải quyết TNGT là cơ quan điều tra cấp huyện nơi xảy ra tai nạn. Lực lượng CSGT có trách nhiệm hỗ trợ công tác bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông đảm bảo an toàn. Ông hy vọng dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ sớm được Quốc hội thông qua, giúp khắc phục những bất cập, tồn tại của hệ thống pháp luật hiện hành về lĩnh vực này.

Những con số ám ảnh

Khoảng 3h15 ngày 4-8-2020 trên Quốc lộ 5 (đoạn ngã tư Nguyễn Văn Linh - Sài Đồng, thuộc phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội), xe ô tô mang BKS: 15C-114.66 kéo theo rơ-moóc 15R-046.41 điều khiển đi theo chiều từ Trâu Quỳ hướng Cầu Chui. Khi đến khu vực cột đèn 4/14 đã đâm vào đuôi xe ô tô mang BKS: 30E-925.52, trên xe có 4 người đang dừng đèn đỏ. Cú đâm mạnh đã đẩy chiếc xe này lao về phía trước và đâm tiếp vào đuôi rơ-moóc của xe đầu kéo BKS 90C-088.98. Hậu quả vụ tai nạn làm 3 người trên xe BKS: 30E-925.52 tử vong tại chỗ, một người bị thương nặng.

Thượng úy Phạm Quốc Anh (Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Long Biên) là người trực tiếp điều tra vụ án này. Anh cho biết, kỹ năng của tài xế Lê Thế Tuyển (sinh năm 1988, trú ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) “rất có vấn đề”. Nguyên nhân của vụ tai nạn là do khi đến ngã tư, mặc dù trước mặt có nhiều xe đang dừng đèn đỏ nhưng Tuyển không nhận thức ra mối nguy hiểm mà giữ nguyên tốc độ, dẫn đến cú va chạm kinh hoàng vào đuôi xe phía trước.

Kỳ 1: Vọng về từ các cung đường -0

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn, Cục CSGT.

Anh kể: “Một kỹ năng rất đơn giản là khi đi đến khu vực ngã ba, ngã tư, lái xe buộc phải giảm tốc độ, quan sát các phương tiện đi đến từ hai bên, từ phía đối diện để đảm bảo an toàn. Hoặc, khi muốn chuyển làn, chuyển hướng di chuyển, lái xe phải quan sát thật kỹ qua hệ thống gương chiếu hậu, cảm thấy an toàn mới được bật đèn tín hiệu xin chuyển làn, chuyển hướng. Đằng này, lái xe Tuyển đã không tuân thủ các quy tắc an toàn, dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc đó”.

Là chỉ huy trực tiếp của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến cao tốc, Đại tá Vũ Quang Thái (Trưởng Phòng 8, Cục CSGT) rất trăn trở về các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn công tác của anh em. Bản thân tôi đã nhiều lần được cùng ông nghiên cứu, trao đổi về các tình huống phức tạp trên đường để tìm hướng giải quyết.

Theo Đại tá Thái, có 4 nguyên nhân dẫn đến TNGT, gồm: người tham gia giao thông không tuân thủ quy tắc an toàn; do phương tiện giao thông không an toàn; do hạ tầng mất an toàn; do sự kiện bất ngờ. Trong số này, có tới hơn 90% số vụ TNGT đường bộ có nguyên nhân từ việc người tham gia giao thông không chấp hành các quy tắc an toàn.

“Có thể nói văn hóa giao thông yếu kém của một bộ phận người dân là tác nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn. Do đó, cần phải xây dựng cho được văn hóa giao thông, với hạt nhân là ý thức tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các quy tắc ATGT. Để làm được điều này, trước tiên cần phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về quản lý lĩnh vực giao thông đường bộ” - Đại tá Thái nhận xét.

Tôi nhớ trong một báo cáo mới đây của Cục CSGT, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, cả nước đã xảy ra 1.974 vụ TNGT, làm chết 1.185 người, bị thương 1.260 người. Còn trong năm 2021, cả nước đã xảy ra hơn 11.000 vụ TNGT khiến gần 5.800 người tử vong. Trong đó, TNGT chủ yếu xảy ra trên đường bộ với hơn 11.300 vụ, làm gần 6.000 người chết, hơn 8.000 người bị thương. Tình hình “nóng” đến mức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra nhận định rằng TNGT ở Việt Nam gây thiệt hại 2,5% GDP/năm (tức mỗi ngày thiệt hại từ 300 đến 500 tỉ đồng).

Gam màu tối

Một số vấn đề nhức nhối khác trong lĩnh vực TTATGT đã được Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Trưởng Phòng Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn, Cục CSGT) chia sẻ với chúng tôi. Anh cho biết, hiện nay ngoài chuyện tai nạn, lĩnh vực giao thông đường bộ còn đối diện với nguy cơ thường trực như ùn tắc, đặc biệt là văn hóa giao thông thấp kém của một bộ phận người dân, biểu hiện qua hành vi coi thường luật lệ, không chấp hành các quy tắc an toàn giao thông. “Đường sá và phương tiện đang phát triển theo tỷ lệ nghịch với ý thức tham gia giao thông. Đó thực sự là trở lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước” - Đại tá Nhật nhận xét.

Quả thực, “bức tranh” ANTT trên các tuyến đường hiện nay có nhiều “gam tối”. Tình trạng coi thường pháp luật, chống người thi hành công vụ đã và đang diễn ra “như cơm bữa” ở nhiều địa phương. Thống kê của Cục CSGT cho thấy trong năm 2021, cả nước đã xảy ra 44 vụ chống đối, tấn công CSGT làm 9 cán bộ bị thương. Lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 45 đối tượng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã phát hiện 537 vụ đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, gây rối trật tự công cộng. Trong đó, đã bắt giữ hơn 3.600 đối tượng, tạm giữ hơn 3.100 phương tiện. Một số tỉnh, thành chiếm tỷ lệ vi phạm cao như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Phú Thọ, Cà Mau, Bình Dương, Bắc Giang...

Ngoài ra, những vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện cũng diễn biến rất phức tạp. Cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 161 nghìn trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 1.800 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy...

Một vấn đề nghiêm trọng khác đó là tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông. Đại tá Nhật cho biết, trong năm 2021 lực lượng CSGT toàn quốc đã phối hợp với công an các đơn vị, địa phương phát hiện hơn 7 nghìn vụ phạm pháp hình sự, kinh tế, môi trường, bắt giữ hơn 10 nghìn đối tượng, thu giữ 298 bánh heroin, gần 216 kg ma túy các loại và hơn 200 nghìn viên ma túy tổng hợp, 5,16 tấn pháo nổ, 69 nghìn lít xăng, dầu và 58 vụ nhập cảnh trái phép với 363 đối tượng...

“Những hiện tượng xã hội tiêu cực trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang trực tiếp đe dọa an ninh con người, an ninh xã hội, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, gây ra những hậu quả nặng nề trong đời sống dân sinh. Tuy nhiên, cho đến nay có nhiều vấn đề còn bị “bỏ ngỏ”, bởi chúng ta chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, cụ thể, chi tiết để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực này.

Thực tiễn đời sống đang đặt ra yêu cầu cấp bách, khách quan là phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật chuyên biệt để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ, khắc phục kịp thời những bất cập, thiếu sót, hạn chế trong pháp luật hiện hành, hướng đến mục tiêu xây dựng một nền giao thông tiên tiến, văn minh, an toàn, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại”, Đại tá Nhật nhận định.

(Còn nữa)

Đào Trung Hiếu

Các chuyên gia nói gì về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ? Các chuyên gia nói gì về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ?
7 lý do cần xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 7 lý do cần xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

Ngày đăng: 09:20 | 23/03/2022

/ antg.cand.com.vn