Cán bộ, lãnh đạo đi theo chủ ý, lòng hữu hảo, hiếu khách của doanh nghiệp là vi phạm, phải xử lý nghiêm.
Lòng hữu hảo không thể nhận
Dù đã có quy định cấm cán bộ, công chức sử dụng tiền của doanh nghiệp để đi nước ngoài nhưng mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo chỉ ra hàng loạt những cán bộ, lãnh đạo trực thuộc các bộ, ngành từ trung ương tới địa phương từng góp mặt trong các chuyến đi nước ngoài bằng nguồn kinh phí đài thọ của doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận.
Nêu quan điểm về việc này, ĐBQH đoàn Hà Nội - ông Hoàng Văn Cường cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.
ĐBQH Hoàng Văn Cường. Ảnh: TTXVN
Theo ông Cường, để trả lời được câu hỏi: "sử dụng tiền của doanh nghiệp đi nước ngoài là tốt hay xấu? Có nên hay không nên?" thì trước hết phải xem doanh nghiệp bỏ tiền ra là vì mục đích gì? Vì ai?.
Ông Cường phân tích: Thứ nhất, nếu cán bộ, công chức, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước nhận lời mời đi nước ngoài theo ý nguyện của doanh nghiệp, mang tính chất giống như một lời cảm ơn, một cơ chế đãi ngộ thì phải tuyệt đối không thể chấp nhận được.
Về bản chất, hình thức tặng vé đi du lịch, hoặc trả tiền cho cán bộ đi nước ngoài cũng chính là một hình thức tặng quà nhằm thể hiện tình cảm, thể hiện lòng hữu hảo, hiếu khách của doanh nghiệp đối với các cán bộ, lãnh đạo địa phương, về nguyên tắc, cán bộ, lãnh đạo không được phép nhận những món quà như vậy.
Hình thức này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định cấm nhận quà tặng, quà biếu đã được Chính phủ quy định rất rõ trong các văn bản chỉ đạo chung, cần phải nghiêm cấm, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp mời cán bộ đi nước ngoài cũng nên được nhìn ở góc độ thứ hai, tích cực hơn.
Ví dụ, các cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện nghiên cứu một cơ chế, chính sách quản lý mới trong lĩnh vực nào đó hoặc cho một hoạt động đầu tư nào đó cần phải học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước nhưng thiếu kinh phí tài trợ cho hoạt động đi nghiên cứu, học tập.
Trong trường hợp này, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ, đóng góp kinh phí giúp đỡ các cơ quan nhà nước thực hiện đề án, bằng cách đài thọ cho việc thực hiện đề án đi nước ngoài học tập, nghiên cứu.
Như vậy, sự đóng góp của doanh nghiệp trong trường hợp này là đóng góp cho sự phát triển chung, vì lợi ích chung, tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu đều được hưởng lợi chứ không phải vì lợi ích của một cá nhân hay chỉ riêng một doanh nghiệp đã bỏ tiền ra được hưởng lợi.
Nếu nhìn từ góc độ này, vị đại biểu lại cho rằng việc doanh nghiệp đài thọ cho cán bộ đi nước ngoài là việc làm tích cực, rất cần được khuyến khích.
Tuy nhiên, tại báo cáo của Thanh tra Chính phủ có chỉ ra hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt tại các bộ, ngành, địa phương đã đi nước ngoài bằng lời mời đích danh của doanh nghiệp, việc này xét theo quy chế đã là không đúng với quy định.
Đáng nói, các chuyến đi nước ngoài đa phần chỉ kéo dài từ vài ngày tới vài chục ngày nhưng đều lấy danh nghĩa là: "nghiên cứu quản lý, quản trị doanh nghiệp", "nghiên cứu thị trường"... khiến nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả mà cán bộ, lãnh đạo sẽ mang về.
Trong thực tế, dù quy định công vụ đối với cán bộ hiện đã có đầy đủ, luật không thiếu nhưng nhiều nơi cứ biến tấu rồi đưa ra các lý do khác nhau để đi nước ngoài dưới danh nghĩa đi công tác, đi học tập, nghiên cứu, tiêu xài tiền doanh nghiệp một cách tự nhiên, thoải mái.
Thậm chí, việc đi công tác quá thường xuyên, không chính đáng, không đem lại hiệu quả thực tế mà có khi đó là cái cớ để đi du lịch, dẫn theo cả người thân lẫn các đối tượng không nằm trong diện công tác... gây phản cảm, tạo dư luận xấu trong xã hội.
"Quy chế thực hiện không nghiêm, các cơ quan quản lý buông lỏng kiểm soát khiến các vụ việc liên tục tái diễn với mức độ ngày càng trầm trọng hơn, công khai hơn", ông Cường cảnh báo.
Xử lý ngay
Chỉ ra điểm khác biệt giữa Việt Nam với các nước trong thực thi các chính sách pháp luật, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng đây chính là nguyên nhân làm biến tướng các chuyến đi nước ngoài bằng tiền của doanh nghiệp.
Ông cho biết, theo quy định của các nước, mọi hình thức nhận quà tặng, quà biếu của doanh nghiệp như vé du lịch, đi nghỉ dưỡng... đều được quy vào tội tham nhũng và sẽ được xử lý nghiêm. Hình thức xử lý thường được áp dụng là cách chức, buộc thôi việc, thậm chí có thể phải bị điều tra hình sự.
Theo ông Cường, chính vì việc thực thi pháp luật nghiêm khắc ngay từ đầu không những giúp cho các nước ngăn chặn được tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, quan trọng hơn là họ đã ngăn chặn được các nguy cơ móc nối, tạo ra những lợi ích cho một số doanh nghiệp, hoặc móc nối rút nguồn lực từ nhà nước làm lợi cho một số doanh nghiệp đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư trong nước.
Với tình hình của Việt Nam, vị đại biểu kiến nghị cũng phải áp dụng các hình thức xử lý nghiêm khắc, nhằm chấn chỉnh ngay các biểu hiện sai lệch, lạm dụng, gây bất bình, bức xúc trong xã hội.
Cụ thể với các trường hợp sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, ông Cường yêu cầu các cơ quan nhanh chóng xác định rõ bản chất của vụ việc, đánh giá mức độ sai phạm để đưa ra hình thức xử lý cho phù hợp.
Với những trường hợp được xác định đi theo diện doanh nghiệp mới đích danh, vi phạm quy chế quản lý cán bộ, công chức phải xử lý công khai trước pháp luật.
Cán bộ đi nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp: Dễ hiểu nhầm
Chính phủ khi đi công tác, làm việc, tuyệt đối không được phép sử dụng bất cứ một đồng bạc nào từ nguồn tiền của ... |
21 doanh nghiệp TP HCM nộp thuế trên 1.000 tỷ
Nhiều công ty trong năm 2017 đã bứt phá để có doanh thu cao và đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ ... |
Ngày đăng: 08:56 | 01/08/2018
/ Đất Việt