Hôm nay chúng tôi xin đặt ra một câu hỏi: “Rải đinh” hay “đinh tặc” tiếng Anh là gì? Tiếng Pháp là gì? Tiếng Nhật là gì? Câu trả lời là không có câu trả lời. Đơn giản, một ngôn ngữ không thể có một từ không có trong đời sống.
Có hai câu chuyện rất buồn vừa diễn ra. Một phụ nữ, sắp 60 tuổi, ngày ngày đều đặn ra quốc lộ rải đinh giúp chồng có khách vá xe. Từ rải đinh không hề phải đóng ngoặc kép. Và người lái xe “đuổi” khách hàng, một sản phụ xuống đường khi chị quằn quại đau đẻ khiến bé sinh non tử vong ngay bên vệ đường.
Đó có phải là “cái ác”?
Tôi đã nhìn kỹ khuôn mặt của bà L, người phụ nữ rải đinh trên QL18, hướng Nội Bài (Hà Nội), đi Bắc Ninh- vừa bị công an bắt giữ.
Khuôn mặt ấy bình thường. Già nua, khắc khổ. Thậm chí chân chất đến đáng thương. Cứ hẵng viết tắt tên bà, dẫu cho hành vi rải đinh- như một thứ đinh tặc- từng được kêu gọi nên xử lý như tội danh “giết người”.
Còn trong vụ taxi bỏ rơi sản phụ giữa đường khiến đứa trẻ tử vong, người tài xế ấy đã hoảng loạn trước cái chết của bé. Đã tới nhà xin lỗi, đã xin bồi thường 50 triệu đồng.
Rất có thể nay mai chúng ta sẽ đọc được những bản tin: Lái xe là người hiền lành.
Tôi thật lòng tin vào sự hiền lành ấy, bởi bản chất cái ác hôm qua chỉ là... đột xuất, tin vào sự chất phác của người phụ nữ, có thể, khi rải những nắm đinh, bà ấy chữ hề nghĩ đến hậu quả.
Nhưng vấn đề là trước những câu chuyện buồn này, phải làm gì đó, phải có cách gì đó để những chân chất, hiền lành kia không một ngày nào đó trở thành kẻ thủ ác với hậu quả là sinh mạng, sức khỏe của đồng bào mình, thậm chí, cả người thân của mình nữa.
Bởi lẽ cái ác sinh ra từ sự thiếu hiểu biết thì phải bắt đầu từ sự giáo dục. Cái ác chỉ có thể phòng chống được bằng sự rành rẽ và sự nghiêm minh của pháp luật mà thôi.
Nếu người phụ nữ chân chất kia biết rằng rải đinh bị xử lý hình sự thay vì xử phạt hành chính “như phạt tiểu bậy”, rằng nó có thể làm một ai đó chết rất oan ức, rằng có thể chính con cháu bà cũng cán đinh và gặp tai nạn thì liệu người phụ nữ có dám “tăng gia” bằng cách đó?
Nếu bài học về sự trả giá của người lái xe, dẫu cái giá là sự ám ảnh, là nỗi dằn vặt, là miệng lưỡi người đời được kể lại như một câu chuyện giáo dục đạo đức “người thật việc thật” ở các trung tâm dạy lái xe thì liệu có ai đó nỡ để chết một đứa bé chỉ vì sự kiêng kỵ ấu trĩ của mình?!
Giáo dục, không chỉ từ những bài học yêu thương nhân ái giữa người với người được học ở trường, còn là một chức năng của pháp luật nữa.
Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay đi, ngay từ những vụ việc này đi nếu muốn đại loại những “rải đinh”, “đinh tặc” không còn trong từ điển.
Chặn mầm cái ác, nuôi dưỡng sự tử tế |
Cái ác vẫn 'sống' ở chốn học đường |
Cú tát tai và phản ứng của cộng đồng trước cái xấu, cái ác |
Ngày đăng: 15:27 | 20/08/2019
/ laodong.vn