Đồng rúp của Nga tăng trở lại so với mức sụt giảm chưa từng có sau hàng nghìn lệnh trừng phạt mới của Mỹ và đồng minh châu Âu do liên quan đến xung đột ở Ukraine.
Nhờ có nhiều biện pháp can thiệp kịp thời, Nga đang chặn được đà sụt giảm của đồng rúp |
Các biện pháp ngăn chặn đà sụt giảm của đồng rúp
Sau khi phương Tây áp đặt các mức trừng phạt chưa từng có đối với nền kinh tế Nga do chiến dịch quân sự vào Ukraine, giá trị của đồng rúp đã gần như rơi xuống vực và chỉ có sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga, đồng rúp mới đứng ở mức 94,1 so với đồng euro. Với việc giao dịch bằng đồng rúp ở mức thấp như vậy, giá trị xuất khẩu của Nga sẽ khiến ngân sách sụt giảm. Một đồng rúp có giá trị cao hơn sẽ không chỉ mang lại nhiều tiền mặt hơn mà còn là một vấn đề đáng tự hào khi các quốc gia khác sẵn sàng thanh toán cho hàng hóa xuất khẩu của Nga bằng đồng tiền của Nga. Một số nhà phân tích cũng suy đoán rằng đô la và euro ít hữu ích hơn đối với Matxcơva trong khi các lệnh trừng phạt đang được thắt chặt.
Để đối phó với tình hình này, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 20%, họ chủ trương mua rúp để hỗ trợ tiền tệ. Điện Kremlin đã áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt đối với những người muốn đổi rúp lấy đô la hoặc euro. Đó là biện pháp bảo vệ tiền tệ mà Tổng thống Putin có thể không duy trì được về mặt dài hạn nhưng ít ra, sự phục hồi của đồng rúp có thể là một dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt hiện tại không hoạt động hiệu quả như phương Tây tính toán. Đó cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy những nỗ lực của Nga nhằm nâng giá trị đồng tiền đang phát huy tác dụng nhờ tận dụng lợi thế của mình. Đồng rúp cũng tăng giá trong bối cảnh có thông tin cho rằng, Điện Kremlin đã cởi mở hơn trong các cuộc đàm phán ngừng bắn với Ukraine.
Tuy nhiên, Nga bị cấm sử dụng hệ thống thanh toán toàn cầu Swift nên không thể truy cập tài sản của họ được giữ ở nước ngoài. Điều đó có nghĩa là sự can thiệp này sẽ không thể kéo dài. Vì thế, Nga muốn thanh toán quốc tế bằng đồng rúp.
Vì sao Nga muốn thanh toán quốc tế bằng đồng rúp?
Trong một báo cáo công bố hôm 30-3, các nhà kinh tế của Viện Tài chính Quốc tế, ước tính rằng nếu EU, Anh và Mỹ cấm dầu và khí đốt của Nga, nền kinh tế Nga có thể suy giảm hơn 20% trong năm nay. Biết trước điều này, Tổng thống Nga Putin đã tận dụng rất nhiều sự phụ thuộc của châu Âu vào xuất khẩu năng lượng để tạo lợi thế cho mình. Nhà lãnh đạo Putin đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nga buộc các nhà nhập khẩu khí đốt nước ngoài mua đồng rúp và sử dụng chúng để thanh toán cho nhà cung cấp khí đốt thuộc sở hữu Nhà nước Gazprom. Thực tế, dầu mỏ và khí đốt của Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu sang châu Âu cũng như sang Trung Quốc và Ấn Độ bởi năng lượng đóng vai trò như một nền tảng kinh tế cho Nga. Ở Liên minh châu Âu, sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga để cung cấp điện và sưởi ấm đã khiến việc cắt giảm nguồn cung trở nên khó khăn hơn. Và những quốc gia nào Nga mong muốn sẽ trả tiền cho khí đốt bằng đồng rúp? Đó là các quốc gia “không thân thiện” đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bao gồm Mỹ, các quốc gia thành viên EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine…
Ở quy mô rộng hơn, các nhà sản xuất hàng hóa ở Nga buộc phải chuyển đổi 80% số ngoại tệ mà họ nhận được thành đồng rúp. Giờ đây, Điện Kremlin đang xem xét kế hoạch để tất cả doanh số xuất khẩu đều bằng đồng rúp, khai thác lợi thế gần như độc quyền đối với các nguyên liệu thô thiết yếu trong các quy trình sản xuất, từ phân bón đến ô tô. Một ví dụ là niken, vật liệu mà các công ty ô tô sử dụng để chế tạo bộ chuyển đổi xúc tác. Paul Watters, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công ty tại S&P Global Ratings, cho biết, khoảng 40% nguồn cung kim loại này trên thế giới đến từ Nga và 90% sản lượng của Nga dành cho ngành công nghiệp xe hơi. Nếu các nhà sản xuất ô tô buộc phải lựa chọn giữa việc mua niken bằng đồng rúp hoặc tìm kiếm nguồn cung cấp ở nơi khác, không loại trừ khả năng có nhà máy phải đóng cửa.
Nhà Trắng và các nhà kinh tế đã lập luận rằng, tác động của các lệnh trừng phạt cần thời gian, vài tuần hoặc vài tháng để có hiệu lực đầy đủ khi các ngành công nghiệp đóng cửa do thiếu nguyên liệu hoặc vốn hoặc cả hai. Nhưng giới phê bình cho rằng, sự phục hồi của đồng rúp cho thấy Nhà Trắng với các biện pháp hiện nay chưa đủ. Tuy vậy, áp dụng các lệnh cấm vận toàn diện hơn hay châu Âu sẽ từ bỏ hoàn toàn dầu mỏ Nga được đánh giá là nằm ngoài tầm với đối với sự đồng thuận của phương Tây.
(Theo Guardian/AP)
Hệ lụy xung đột Nga - Ukraine với an ninh châu Âu |
Mỹ giáng đòn trừng phạt loạt cá nhân và công ty Nga |
Ngày đăng: 09:01 | 01/04/2022
/ www.anninhthudo.vn