Một đối tượng chất thải có tới 6 bộ trực tiếp quản lý; cùng một hành vi xả rác nhưng quy định xử phạt nơi 300.000 nơi hàng triệu đồng.
Những số liệu trên được đưa ra tại "Hội thảo kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong quản lý chất thải tại Việt Nam", do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Liên minh tái chế bao bì PRO Việt Nam tổ chức ngày 22/11.
Theo bà Nguyễn Hoàng Phượng, chuyên gia tư vấn của Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ thu gom thấp là một hệ quả từ bức tranh "cực kỳ phức tạp" trong hệ thống quản lý rác thải tại Việt Nam.
Quản lý phân mảnh
Có 4 cách phân loại rác thải ở Việt Nam hiện nay: chia thành chất thải rắn hay bùn thải, theo đặc tính (thông thường, nguy hại, hạt nhân phóng xạ...), theo nguồn phát sinh (từ hộ gia đình, các khu công nghiệp, xây dựng...), theo khu vực (đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp...).
Sự phân loại khác nhau dẫn đến cơ quan quản lý và quy định cũng khác nhau. Chuyên gia lấy ví dụ, chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị sẽ thuộc quản lý của Bộ Xây dựng, còn trong khu vực nông thôn thì thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
"Hiện có khoảng 6 bộ trực tiếp quản lý và hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý chất thải tại Việt Nam, chưa kể các bộ liên quan nhưng không quản lý trực tiếp", bà Phượng cho biết.
Bà Nguyễn Hoàng Phượng, chuyên gia tư vấn của Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: An Bình |
Việc phân mảnh trong quản lý chất thải rắn dẫn đến câu chuyện không đồng bộ về áp dụng chế tài, dù xét cùng một hành vi. "Xả rác ra nơi công cộng, theo quy định ngành y tế, chỉ phạt 200 đến 500.000 đồng, nhưng nếu chiếu theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có thể phạt từ 3 triệu - 7 triệu đồng", bà Phượng lấy ví dụ.
"Nếu đẩy các hình phạt lên cao để tạo sự răn đe thì lại vượt quá thẩm quyền quyết định của những người quản lý sát sao, trực tiếp ở địa phương", đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nói thêm.
Phí thu không đủ trả chi phí vận hành
Báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2018, tại Việt Nam, chi phí thực tế trên một tấn rác thải ước tính là 24 USD cho thu gom, 11 USD cho vận chuyển và 4 USD cho chôn lấp - mức phí thấp để đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu chôn lấp. Như vậy, tổng chi phí dịch vụ quản lý rác thải thực hiện là 39 USD một tấn.
Mức phí trung bình cho mỗi hộ ở Hà Nội là 26.500 đồng mỗi tháng, hoặc 9,7 USD mỗi tấn. Phần chênh lệch do UBND thành phố chi trả.
"Phần chi phí được chi trả cho rác thải hàng năm trên cơ sở quốc tế thường chiếm 1% đến 1,5% thu nhập trung bình của hộ gia đình. Tại Hà Nội, tỷ lệ này dưới 0,5%. Nếu phí thu càng thấp, nguồn trợ cấp ngân sách sẽ phải tăng lên để đảm bảo chi phí hoạt động", đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Các chuyên gia có mặt tại hội thảo. Ảnh: An Bình |
"Cơ chế giá của Việt Nam đang tạo nên vòng luẩn quẩn trong hệ thống quản lý. Giá thấp thì Nhà Nước phải chi trả nhiều, trợ cấp qua các công ty dịch vụ Nhà Nước, ít chỗ cho công ty tư nhân, do đó thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng, ko hiệu quả khi phân loại rác tại nguồn, từ đó khó để áp dụng các biện pháp tái chế, xử lý cao cấp", vị chuyên gia phân tích.
Hệ thống không chính thức được hiểu là những người đi thu mua phế liệu, các làng tái chế chất thải... Theo một nghiên cứu do trường Đại học Kiến trúc thực hiện trong vòng 3 năm gần đây, hệ thống này góp phần thu gom, tái chế 30 đến 40% tổng số rác tại Hà Nội.
"Hệ thống phi chính thức tạo ra một dịch vụ mà gần như không có nhóm nào cạnh tranh được, đó là sự tiện ích đối với cư dân, tạo động lực cho người dân phân loại rác, góp phần vào kinh tế tuần hoàn và tạo thêm thu nhập cho một bộ phận", bà Phượng cho biết.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh, hệ thống này có những bất cập về ô nhiễm môi trường do không có sự giám sát phù hợp, đặc biệt tại những làng nghề, cũng như các mối nguy hại về sức khỏe, an toàn lao động, không dễ để quản lý.
Mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất
Chính sách mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (The Extended Producer Responsibility - EPR) được các chuyên gia bàn thảo tại hội nghị, hiện trong giai đoạn hoàn thiện tại Việt Nam và được coi là một trong những giải pháp nhằm quản lý chất thải rắn. Theo chính sách, trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm được mở rộng tới khi sản phẩm đã được tiêu thụ đến hết vòng đời sản phẩm.
Đại diện phía nhà sản xuất, Ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì - PRO Việt Nam chia sẻ, đây là một liên minh tự nguyện gồm 13 doanh nghiệp, với những cam kết mạnh mẽ nhằm đảm bảo tính bền vững trong việc sử dụng bao bì đóng gói.
Ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch PRO Việt Nam. Ảnh: An Bình |
Đại diện PRO Việt Nam đề xuất, để cải thiện quản lý rác thải rắn tại Việt Nam cần tạo ra sự thay đổi trong thái độ người tiêu dùng, từ những hành vi nhỏ như phân loại rác để tái chế. Thứ hai là phương tiện, bởi nhiều người gặp khó khăn khi phân loại khi không có những công cụ hỗ trợ như thùng chứa.
"Tham vọng của PRO Việt Nam là tạo ra một ngành tái chế tại Việt Nam", ông Fausto Tazzi nói. Đại diện PRO Việt Nam cũng nhấn mạnh, liên minh cũng cần có vai trò quản lý giám sát, đánh giá từ phía Chính phủ. Bởi chất thải rắn không phải chỉ đến từ việc đóng gói bao bì mà rộng hơn rất nhiều, ko nên đặt hoàn toàn trách nhiệm ngành công nghiệp mà đòi hỏi sự tham gia của nhiều đối tượng.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "EPR có vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. EPR không thể đứng một mình, không thể thành công nếu thiếu các cơ chế khác để đảm bảo như phân loại rác tại nguồn, tái chế...".
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng thống nhất rằng, hệ thống EPR ở Việt Nam cần phải xác định rõ các sản phẩm sau sử dụng phải thu hồi và tỷ lệ thu hồi bắt buộc đối với từng loại sản phẩm thải bỏ. Việc triển khai EPR cần được thực hiện từng bước, có lộ trình cụ thể.
Phong Vân
Ngày đăng: 14:27 | 25/11/2019
/ vnexpress.net