Nhiều chuyên gia cho rằng ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân, không thể mang ra để bù lỗ cho doanh nghiệp trong khi không phải vì mục đích quốc phòng hay an sinh xã hội...
Sân bay Quốc tế Cần Thơ mới chỉ khai thác khoảng 20% công suất thiết kế |
UBND TP.Cần Thơ vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc thông qua \'\'Quy định chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở các đuờng bay mới đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ\'\'.
Hỗ trợ đường bay mới mở bị lỗ
Theo đó, chính sách hỗ trợ chỉ áp dụng đối với các đường bay mới đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, không áp dụng đối với các đường bay đã có. Tờ trình cũng nêu rõ, chỉ thực hiện hỗ trợ cho các hãng hàng không khi đường bay mở mới bị lỗ. Các hãng hàng không được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định. Mỗi đường bay bay mới đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ chỉ được hỗ trợ một lần và trong năm đầu tiên khai thác đuờng bay. Các hãng hàng không chỉ nhận được chính sách hỗ trợ theo quy mô, tần suất bay đã cam kết. Trường hợp các hãng hàng không không duy trì được quy mô, tần suất bay theo cam kết thì phải có trách nhiệm bồi hoàn lại khoản chi phí đã hỗ trợ. Mức hỗ trợ đối với đường bay nội địa không quá 5 tỉ đồng, còn đường bay quốc tế không vượt quá 8 tỉ đồng. Kinh phí hỗ trợ lấy từ ngân sách nhà nước.
Theo tờ trình, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ được Chính phủ đầu tư đồng bộ, hiện đại và khánh thành cả hai giai đoạn vào ngày 1.1.2011. Năng lực phục vụ theo thiết kế từ 3 - 5 triệu lượt khách/năm, lượng hàng hóa thông qua cảng khoảng 5.000 tấn… Năm 2016, lượng hành khách là 550.090 lượt, hàng hóa - bưu kiện là 3.420 tấn. Dự kiến năm 2017, lượng hành khách là 612.512 và hàng hóa - bưu kiện là 3.749 tấn, chiếm khoảng 20% công suất thiết kế.
Hiện Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ có các đường bay trong nước đi Hà Nội, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Nẵng… Các tuyến đường bay quốc tế như Cần Thơ - Đài Bắc (Đài Loan) chỉ bay trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, riêng đường bay Cần Thơ - Bangkok (Thái Lan, khai thác vào tháng 7.2015) đang tổ chức bay theo dạng thuê bao chuyến, khai thác chỉ phục vụ kinh doanh dịp hè.
Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ |
Cũng theo tờ trình, thời gian vừa qua, việc xúc tiến mở các đường bay mới đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ được Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên, đến nay các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar Pacific... chưa thể mở thêm các đường bay mới đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ do trong năm đầu khai thác, khả năng lỗ về tài chính là rất lớn. Nguyên nhân là do người dân Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung chưa biết nhiều về đường bay mới, việc quảng bá cho đường bay mới phải có thời gian và thực hiện liên tục.
Theo UBND TP.Cần Thơ, việc mở các đường bay trực tiếp đi và đến từ Sân bay Quốc tế Cần Thơ đến các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu của người dân Cần Thơ và ĐBSCL. Làm giảm chi phí, thời gian và an toàn trong quá trình lưu thông. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách nhằm khuyến khích các hãng hàng không mở các đường bay mới đi và đến Sân bay Quốc tế Cần Thơ là cần thiết nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hãng hàng không một phần kinh phí trong năm đầu tiên để mở đường bay mới và duy trì các đường bay được ổn định, lâu dài.
Đề xuất phi lý
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng đề xuất trên của UBND TP.Cần Thơ là vô cùng phi lý, không theo bất cứ một nguyên tắc nào. Ông phân tích các hãng hàng không cũng là một doanh nghiệp, hoạt động kinh tế. Trong khi ngân sách nhà nước, dù là thu từ thuế, tiền đi vay hay bán tài nguyên đều là tiền của dân. Không có lý gì lấy tiền của dân để đi bù lỗ cho doanh nghiệp. “Vì sao phải hỗ trợ? Mở rộng, phát triển để làm gì? Tất cả thể hiện một chính quyền vô lối, thích gì làm nấy, thoải mái mang tiền của dân để hỗ trợ bất cứ doanh nghiệp nào mình muốn”, ông Trinh đặt vấn đề.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói thẳng đây là đề xuất phi lý và ngớ ngẩn. Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh phải tính toán được hiệu quả, lời ăn lỗ chịu. Ngân sách nhà nước chính là tiền thuế của dân, không thể mang ra để bù lỗ cho doanh nghiệp trong khi không phải vì mục đích quốc phòng hay an sinh xã hội.
“Cần Thơ đâu phải vùng miền núi xa xôi hẻo lánh, hiện tại cũng không phải chỉ có phương thức giao thông duy nhất là hàng không mà còn rất nhiều loại hình giao thông khác. Không thể vin vào cớ phát triển hình thức vận tải cao cấp để đưa ra một đề xuất theo suy nghĩ phi thị trường như thế”, ông Long nói.
Lương giáo viên hiện nay cao nhất gần 11 triệu đồng/tháng
Theo báo cáo thực hiện chính sách tiền lương mới nhất của Bộ GDĐT, tổng thu nhập bình quân của giáo viên tại các cơ ... |
Nợ công như lửa cháy ngang mày
Trung bình mỗi người dân Việt đang gánh 30 triệu đồng nợ công. Dự báo đến năm 2020, nợ công sẽ là 4,2 triệu tỉ ... |
Hàng loạt sai phạm trong quản lý bất động sản tại Hà Nội
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những vi phạm này đã dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi, gây thất thu ngân sách Nhà ... |
Lương cơ bản tăng 90.000 đồng/tháng từ 1.7.2018: Tăng kiểm soát để “giá không chạy trước lương”
Ngày 13.11, Quốc hội thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó chấp thuận điều chỉnh mức lương ... |
(https://thanhnien.vn/kinh-doanh/bu-lo-duong-bay-moi-bang-ngan-sach-nha-nuoc-de-xuat-phi-ly-va-ngo-ngan-903917.html)
Ngày đăng: 19:55 | 26/11/2017
/ Theo M.Trâm - H.Mai/Thanh niên