Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ chi lương, chi hoạt động thường xuyên cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
Theo Bộ Y tế, ngày 29/12/2021, Bộ nhận được công văn của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam báo cáo tình hình hoạt động của Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Theo nội dung công văn, trường đề nghị Bộ Y tế đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ sớm có quyết định bổ sung ngân sách hỗ trợ để chi trả tiền lương cho viên chức, người lao động. Trường cũng đề nghị Bộ cho ý kiến về việc Học viện cho bệnh viện vay (tạm ứng) từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư để chi trả tiền lương, phụ cấp tháng 12/2021 cho viên chức, người lao động.
Để tạo điều kiện cho bệnh viện có kinh phí duy trì hoạt động và bảo đảm quyền lợi của người lao động, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính xem xét và sớm trình Thủ tướng về việc hỗ trợ bệnh viện 10,2 tỷ đồng để chi lương, chi hoạt động thường xuyên cho bệnh viện do tác động của dịch COVID-19.
Bộ Tài chính cũng xem xét và cho ý kiến về việc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh vay (tạm ứng) từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư của Học viện để chi trả tiền lương, phụ cấp còn nợ cho viên chức, người lao động, tránh trường hợp người lao động tiếp tục đòi quyền lợi gây bất ổn.
Kết thúc năm tài chính, Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm xét duyệt, thẩm định quyết toán năm 2021 của Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Trường hợp bổ sung dự toán trong năm 2021 để hỗ trợ chi thường xuyên cho bệnh viện còn thiếu, Bộ Y tế sẽ đề xuất ngân sách nhà nước. Nếu trường hợp số bổ sung dự toán trong năm 2021 thừa, Bộ Y tế sẽ kiến nghị thu hồi nộp trả ngân sách nhà nước theo quy định.
Nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh căng băng rôn yêu cầu Bệnh viện và học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam trả tiền lương mới đây. (Ảnh: Đắc Huy) |
Trước đó, ngày 11/1, hơn 40 nhân viên y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh cầm băng rôn ra trước cổng bệnh viện phản đối việc bị bệnh viện nợ 8 tháng tiền lương.
Một số nhân viên chia sẻ, tháng 11/2021, mặc dù lãnh đạo Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam đã làm việc với Bộ Y tế và các ban ngành để giải quyết quyền lợi về lương cho hơn 160 y bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh nhưng đến thời điểm tháng 1/2022, tình hình vẫn chưa cải thiện, lương tháng 12 của nhân viên chưa được trả.
Thông tin với báo chí, lãnh đạo Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, từ tháng 1/2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được điều chỉnh sang hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định. Theo đó, vấn đề tiền lương và quản lý đội ngũ cán bộ, nhân viên của bệnh viện sẽ thực hiện theo pháp luật hiện hành và luật viên chức.
Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bệnh viện Tuệ tĩnh phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ chống dịch như giãn cách, hạn chế tiếp nhận bệnh nhân hay giảm số bệnh nhân nên thời điểm đó bệnh viện hầu như không có bệnh nhân. Từ đó, công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện trong quý I năm 2021 cũng chỉ đạt 15%, quý II đạt 51,19% và quý III đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch. Chính vì vậy, nguồn thu của bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương.
Theo báo cáo của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, đơn vị này còn nợ 50% lương của viên chức, người lao động từ tháng 5/2021 đến nay.
PHẠM QUÝ
Ngày đăng: 13:35 | 20/01/2022
/ vtc.vn