Ngày 4/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dừng ngay việc sử dụng, lưu hành giáo trình có bản đồ 'đường lưỡi bò'. 

Công văn do Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng ký nêu rõ Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải khẩn trương thu hồi các giáo trình, tài liệu có nội dung ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Bộ cũng yêu cầu trường rà soát toàn bộ quy trình lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng với tất cả giáo trình của trường; làm rõ sai phạm của các cá nhân, đơn vị có liên quan và có hình thức xử lý kỷ luật. Việc làm rõ sai phạm cần báo cáo về Bộ trước ngày 5/2/2020.

Hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò" trong giáo trình của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Dương Tâm

Đến ngày 4/11, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thu hồi hơn 1.000 cuốn giáo trình Đọc - Viết và Nghe sơ cấp trong bộ "Developing Chinese" từ sinh viên năm nhất khoa Trung - Nhật. Nguyên nhân là hai cuốn do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc) phát hành có in bản đồ "đường lưỡi bò".

Bà Đào Thị Thúy Hằng, Phó trưởng khoa Trung - Nhật giải thích bộ giáo trình do sinh viên thực tập mang về cách đây 3-4 năm, được giữ ở khoa làm tài liệu tham khảo. Năm học 2019-2020, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, khoa Trung - Nhật đem những cuốn giáo trình này ra cho sinh viên "dùng thử", đồng thời lập hội đồng thẩm định để xem xét bằng cách "kiểm tra ngẫu nhiên một số bài". Khi phát hiện sai sót, khoa đã ra thông báo thu hồi.

Giáo trình được photo lại từ cuốn gốc và được Trung tâm phát hành sách của trường bán. Khoa chưa bao giờ đặt vấn đề bản quyền với Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh về việc đưa cuốn giáo trình vào giảng dạy vì "không có kinh phí".

Ngày 5/11, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết ngoài hai cuốn giáo trình Đọc - Viết và Nghe sơ cấp có bản đồ "đường lưỡi bò", trường còn thông báo thu hồi cuốn "Tổng quan về Trung Quốc" (NXB Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, 2018) do ghi quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành Tây Sa, quần đảo Trường Sa ghi thành Nam Sa. Thông báo thu hồi các cuốn sách này được đưa ra vào ngày 21/10.

 

Điểm c, Khoản 2, Điều 36, Luật Giáo dục đại học quy định hiệu trưởng các trường tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong trường trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do hiệu trưởng thành lập. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có Thông tư quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học.

Điều 13 thông tư quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2011) nêu rõ: Hội đồng Khoa học - Đào tạo Khoa đề xuất danh mục giáo trình cần đưa vào giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo để trình hiệu trưởng xem xét, tổ chức lựa chọn.

Sau đó, hiệu trưởng thành lập Hội đồng lựa chọn, duyệt danh mục giáo trình đưa vào sử dụng chính thức trong nhà trường. Căn cứ ý kiến của Hội đồng, hiệu trưởng xem xét và quyết định.

Hiệu trưởng có trách nhiệm xin phép chủ biên, tập thể tác giả hoặc cá nhân nhà khoa học và cơ sở đào tạo đã biên soạn để được sử dụng giáo trình theo quy định về quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ.

 

Giáo trình lọt "đường lưỡi bò": Thông tin trái ngược về nguồn gốc sách giữa ban giám hiệu và khoa
Giáo trình lọt "đường lưỡi bò": Vì sao chưa phê duyệt nhưng vẫn giảng dạy cho sinh viên?
ĐH Kinh doanh và Công nghệ tiêu huỷ sách, làm rõ trách nhiệm liên quan giáo trình in "đường lưỡi bò"
Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Ăn lương kiểm duyệt mà để lọt bản đồ có hình lưỡi bò là vô trách nhiệm
Trường đại học lưu trữ giáo trình có "đường lưỡi bò" từ nhiều năm

 

Ngày đăng: 14:16 | 05/11/2019

/ vnexpress.net