Châu Âu đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các đợt bùng phát riêng lẻ như đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng đợt bùng phát mới của đại dịch Covid-19 cùng biến thể Omicron đã bộc lộ nền tảng suy yếu trên toàn bộ hệ thống y tế, ngay cả những hệ thống được coi là tốt nhất thế giới.
Bệnh nhân Covid-19 được chăm sóc tại Bệnh viện Đại học Strasbourg, miền Đông nước Pháp |
Tuần trước, một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về “cơ hội khép lại” với các nước châu Âu nhằm ngăn chặn việc hệ thống y tế bị quá tải do biến thể Omicron khiến số ca nhiễm mới Covid-19 tăng thẳng đứng. Ở Pháp, Anh và Tây Ban Nha, những quốc gia có các chương trình y tế quốc gia tương đối mạnh, cửa sổ cơ hội có thể đã đóng lại. Minh chứng là, Giám đốc Khoa Chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Strasbourg, Pháp đang phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân. “Khi bạn có 3 bệnh nhân cho một giường đơn, chúng tôi sẽ cố gắng nhận 1 người có khả năng điều trị hiệu quả nhất”, vị giám đốc này nói. Đáng nói, khoảng 15% trong số 13.000 nhân viên của hệ thống bệnh viện ở Strasbourg đã nghỉ việc trong tuần này vì nhiễm Covid-19. Ở một số bệnh viện, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc là 20%.
Ở Anh, giống như Pháp, Omicron đang gây ra các vết nứt trong hệ thống y tế, mặc dù biến thể này dường như gây ra bệnh nhẹ hơn so với các phiên bản trước đó. Chính phủ Anh trong tháng 1 này đã điều thêm y sĩ đến các bệnh viện ở London, bổ sung vào hàng ngũ các quân nhân đã giúp quản lý vacccine và vận hành xe cứu thương. Gần 13.000 bệnh nhân ở Anh buộc phải chờ trên cáng hơn 12 giờ trước khi được nhận giường, theo số liệu công bố từ Dịch vụ Y tế Quốc gia tuần trước. Đó là chưa kể, nước Anh có khoảng 5,9 triệu người đang chờ khám sàng lọc ung thư, phẫu thuật theo lịch trình và các dịch vụ chăm sóc có kế hoạch khác. Tiến sĩ Tim Cooksley, Chủ tịch Hiệp hội Y học cấp tính cho biết: “Chúng ta cần tập trung vào lý do tại sao hiệu suất tiếp tục giảm và vật lộn trong nhiều năm, đồng thời xây dựng các giải pháp để thúc đẩy sự cải thiện trong cả ngắn hạn và dài hạn”.
Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe, một tổ chức nghiên cứu sức khỏe dân số có trụ sở tại Đại học Washington, dự đoán rằng, hơn một nửa dân số của 53 quốc gia thành viên WHO ở châu Âu sẽ bị nhiễm Omicron trong vòng 2 tháng. Tỷ lệ nhập viện bình quân đầu người hiện nay ở Pháp, Italia và Tây Ban Nha cao ngang ngửa với mùa xuân năm ngoái, khi 3 quốc gia này phong tỏa hoàn toàn để hạn chế dịch. Nhưng lần này, không quốc gia nào thực hiện phong tỏa.
Theo các chuyên gia, rất ít hệ thống y tế ở các quốc gia châu Âu được xây dựng đủ linh hoạt để xử lý một cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, trong khi các đợt bùng phát lặp đi lặp lại khiến nhà chức trách không đủ thời gian thay đổi. Giữa “làn sóng” đầu tiên, vào tháng 4-2020, văn phòng của WHO tại châu Âu đã đưa ra hướng dẫn cách thức để xây dựng hệ thống y tế nhằm ứng phó với các đợt bùng phát mới, bao gồm cả việc chuẩn bị một lực lượng lao động y tế tạm thời. Nhưng kết quả ra sao? Pháp đã cắt giảm giường bệnh cũng như các bác sĩ và y tá trong nhiều năm trước đại dịch. Phải củng cố đội ngũ này trong vài tháng là không thể khi làn sóng hiện tại đã lây nhiễm cho hàng trăm nhân viên bệnh viện mỗi ngày. Tương tự, “làn sóng” đầu tiên của đại dịch đã đẩy hệ thống y tế của Tây Ban Nha đến giới hạn của nó. Các bệnh viện ứng biến bằng cách lắp đặt máy thở trong phòng mổ, phòng tập thể dục và thư viện. Chính quyền Trung ương Tây Ban Nha đã yêu cầu các địa phương thiết kế “kế hoạch co giãn” để đối phó với những thay đổi đột ngột về nhu cầu y tế, đặc biệt là máy thở. Ý tưởng là các bệnh viện có trang thiết bị và nhân sự dự phòng để tăng công suất tùy theo nhu cầu.
Về việc này, Tiến sĩ Martin McKee, Giáo sư y tế công cộng tại trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London gợi ý: “Điều quan trọng là tính linh hoạt. Các cơ sở y tế cần có sự linh hoạt trong mở rộng các tòa nhà, đội ngũ nhân viên cũng cần linh hoạt trong việc chấp nhận chuyển đổi nhiệm vụ”.
(Theo AP)
Số ca nhiễm mới COVID-19 tiếp tục lập đỉnh ở châu Âu
Tỷ lệ mắc mới COVID-19 tại châu Âu liên tục lập những đỉnh mới trong những ngày gần đây. Điều này khiến châu Âu tiếp ... |
Ngày đăng: 09:28 | 19/01/2022
/ www.anninhthudo.vn