Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ hôm 16-10 bay gần các khu vực tranh chấp ở biển Đông.
Theo thông báo, hai máy bay ném bom B-52H Stratofortress đồn trú ở đảo Guam đã thực hiện nhiệm vụ huấn luyện định kỳ ở biển Đông. Chuyến bay này là một phần trong các hoạt động hiện diện liên tục của máy bay ném bom thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ kể từ tháng 3-2004.
Lầu Năm Góc không cho biết các máy bay ném bom bay gần khu vực nào trên biển Đông trong bối cảnh những căng thẳng gần đây tập trung ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Một máy bay ném bom B-52H Stratofortress (trước). Ảnh: PACAF |
Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương cho rằng sứ mệnh của các máy bay B-52 hôm 16-10 phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như cam kết lâu dài của Mỹ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương Randall Schriver cho hay: "Trung Quốc đã quân sự hóa một số khu vực ở biển Đông và hành vi của họ ngày càng khiêu khích, chúng tôi đang có phản ứng phù hợp".
Mỹ đến này vẫn thường xuyên thực hiện các chuyến bay ở biển Đông nhưng Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm về vấn đề này khi máy bay Mỹ áp sát các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng trái phép và là nơi đồn trú của nhiều cơ sở quân sự phi pháp của Bắc Kinh.
Thông tin về các chuyến bay của B-52 được đưa ra trong bối cảnh giới chức Lầu Năm Góc cho biết bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã đồng ý hội đàm với người đồng cấp Mỹ James Mattis sau khi cuộc gặp gần đây bị hủy vì liên quan đến các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Bắc Kinh.
Quan hệ Mỹ-Trung cũng căng thẳng sau khi một tàu khu trục của Trung Quốc tiếp cận tàu chiến USS Decatur của Mỹ trong phạm vi 41 m trên biển Đông, buộc tàu chiến phải chuyển hướng nhằm tránh va chạm khi đang di chuyển gần quần đảo Trường Sa. Ngay sau đó, Mỹ lên án hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp của Trung Quốc.
Bất chấp vụ việc nói trên, giới chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải tương tự theo luật pháp quốc tế và khuyến khích các đối tác cũng làm thế.
Xuân Mai (Theo CNN)
Động lực thúc đẩy Nhật tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông
Việc đưa tàu chiến tới Biển Đông và tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật dường như xuất phát từ nỗi lo ngại ngày ... |
Cố vấn an ninh Mỹ: Biển Đông không phải là một tỉnh của Trung Quốc
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh Mỹ sẽ không bỏ qua các hành động đe dọa của Trung Quốc tại ... |
Ngày đăng: 09:31 | 18/10/2018
/ nld.com.vn