Liên tiếp những cảnh báo hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu được công bố trước thềm Hội nghị Liên Hiệp Quốc về chống biến đổi khí hậu (COP24)
Hệ thống thực phẩm toàn cầu bị phá vỡ khiến hàng tỉ người thiếu đói trong khi nhiều trường hợp lại thừa cân và đẩy hành tinh tới thảm họa khí hậu. Đó là cảnh báo của 130 viện khoa học, y tế quốc gia trên toàn thế giới.
Thiếu ăn và béo phì
Báo Guardian ngày 28-11 đăng tải báo cáo từ dự án InterAcademy Partnership (IPA) cho biết để cung cấp một chế độ ăn uống lành mạnh, vừa túi tiền và thân thiện với môi trường đòi hỏi sự chuyển đổi hệ thống triệt để. Điều này phụ thuộc vào các phương pháp canh tác tốt hơn, các nước giàu tiêu thụ ít thịt hơn và các quốc gia đánh giá thực phẩm dựa trên dinh dưỡng thay vì giá rẻ. Bản báo cáo cần tới 3 năm để biên soạn này đã chỉ rõ quy mô của vấn đề cũng như các giải pháp dựa trên chứng cứ thực tế.
Theo đó, hệ thống thực phẩm toàn cầu chịu trách nhiệm cho 1/3 lượng khí thải nhà kính, tức cao hơn toàn bộ khí thải từ giao thông, sưởi ấm, thắp sáng và điều hòa không khí. Sự nóng lên toàn cầu do hệ thống thực phẩm gây ra đang phá hủy hoạt động sản xuất lương thực thông qua các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt và hạn hán.
Hơn nữa, hệ thống thực phẩm cũng đang "bỏ rơi" hàng tỉ người. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (UNFAO), hơn 820 triệu người thiếu ăn năm 2017 trong khi 1/3 dân số thế giới không đủ vitamin. Đồng thời, 600 triệu người rơi vào nhóm béo phì và 2 tỉ người thừa cân với những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.
Chưa hết, hơn 1 tỉ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm, tức chiếm 1/3 lượng thực phẩm được sản xuất. "Hệ thống thực phẩm toàn cầu bị phá vỡ" - chuyên gia sinh thái học Tim Benton của Trường ĐH Leeds (Anh), thành viên của nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo, nhấn mạnh. Ông cho biết thêm cái giá của sự hủy hoại đối với sức khỏe con người cũng như môi trường lớn hơn nhiều so với lợi nhuận do nông nghiệp mang lại.
Theo nghiên cứu, giảm tiêu thụ thịt và bơ sữa là cách đơn lẻ tốt nhất mà các cá nhân có thể thực hiện để giảm thiểu tác động lên hành tinh. Giải quyết tình trạng toàn cầu ấm dần lên được cho là bất khả thi nếu không giảm tiêu thụ thịt quy mô lớn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Climate Policy này cho thấy ở mức hiện tại, gia súc và các vật nuôi khác sẽ chịu trách nhiệm đối với một nửa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Theo ông Joachim von Braun, đồng chủ trì dự án IAP, Hội nghị COP24 khai mạc tại Katowice - Ba Lan ngày 2-12 tới đây sẽ là cơ hội cho hành động chính trị.
Một gia đình đang nấu ăn trong căn nhà bị ngập lụt ở Lalmonirhat - Bangladesh. Ảnh: BARCROFT IMAGES
Làm hại sức khỏe con người
Trong khi đó, một nghiên cứu mới khác do 150 chuyên gia từ 27 đại học và các tổ chức, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), cho thấy sức khỏe của con người ngày nay đang bị biến đổi khí hậu phá hủy, thông qua tác động từ các đợt nóng ở châu Âu tới sốt xuất huyết gia tăng ở vùng nhiệt đới.
Báo cáo này cho biết 153 tỉ giờ lao động đã bị tổn thất trong năm 2017 vì nắng nóng cực đoan, trong đó nông nghiệp chiếm 80%. "Điều này dẫn tới những thiệt hại khổng lồ đối với kinh tế các nước và ngân sách hộ gia đình" - chuyên gia Joacim Rocklöv thuộc Trường ĐH Umeå (Thụy Điển), nhận định với báo The Guardian hôm 28-11.
Ngoài ra, báo cáo còn nêu bật những tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với sức khỏe: "Khí hậu thay đổi nhanh chóng kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với mọi khía cạnh của cuộc sống con người, khiến nhiều người dễ bị tổn thương trước thời tiết khắc nghiệt, sự thay đổi của các dạng bệnh truyền nhiễm trong lúc làm tổn hại đến an ninh lương thực, nguồn nước và bầu không khí sạch" - báo cáo nhấn mạnh.
Cảnh báo về kết quả của nghiên cứu, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thôi thúc: "Chúng ta không thể trì hoãn hành động đối với biến đổi khí hậu. Chúng ta không còn có thể mộng du với vấn đề cấp bách về sức khỏe này hơn nữa".
150,8 triệu trẻ em còi cọc
Báo cáo Dinh dưỡng Toàn cầu 2018 công bố hôm 29-11 cảnh báo hầu hết trong số 140 quốc gia được khảo sát đều đang đối mặt với một hình thức suy dinh dưỡng nào đó. Theo báo cáo của một nhóm chuyên gia độc lập, thế giới có 150,8 triệu trẻ em còi cọc và 50,5 triệu trẻ em có cân nặng không đủ so với chiều cao.
Châu Á là một trong những khu vực chứng kiến tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất. Đáng chú ý, Ấn Độ có đến 46 triệu trẻ em bị còi cọc. Tình trạng này dẫn đến thiếu máu, sinh suất thấp và chậm phát triển, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một số nước Đông Nam Á, như Campuchia, Indonesia, Myanmar… đang đối đầu thực trạng nhiều trẻ em còi cọc và phụ nữ thiếu máu. Riêng Malaysia còn phải vật lộn thêm với tình trạng tăng cân khi ít nhất 35% phụ nữ bị thừa cân.
Báo cáo trên nằm trong số các công trình nghiên cứu gần đây lên tiếng cảnh báo về tình trạng kém dinh dưỡng ngay cả khi thu nhập tăng (lẽ ra khiến nhiều người áp dụng các chế độ ăn cân bằng và giàu chất dinh dưỡng hơn). Chẳng hạn tại Singapore, ít nhất 20% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị chứng thiếu máu - một dấu hiệu cho thấy chế độ ăn uống không đủ các vitamin hoặc khoáng chất, như sắt, kẽm…
Điều đáng lo là thế giới không đạt nhiều tiến triển trong tình trạng nhẹ cân và thiếu máu ở phụ nữ trong khi vấn đề béo phì ở người trưởng thành ngày càng tồi tệ. Ông Fan Shenggen, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế (trụ sở ở Mỹ), nhận định nhiều người vẫn còn chưa hiểu ăn uống đúng là như thế nào và hậu quả to lớn, lâu dài của tình trạng dinh dưỡng kém.
Trung Quốc buộc nhóm nghiên cứu biến đổi gen người dừng hoạt động
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của một nhóm các nhà khoa học sau khi nhóm này tuyên bố dự ... |
Biên đội tàu cảnh sát biển Nga dùng để truy bắt chiến hạm Ukraine
Hai tàu cảnh sát biển Nga có kích thước lớn, hỏa lực mạnh và thiết kế hiện đại hơn so với các tàu pháo Ukraine ... |
Nhà khoa học TQ giữ kín bí mật về thí nghiệm tạo em bé biến đổi gen
Trong suốt 2 năm, nhà khoa học Trung Quốc không tiết lộ mục đích nghiên cứu thực sự cho chính nhân viên trực tiếp tham ... |
Ngày đăng: 10:22 | 30/11/2018
/ https://nld.com.vn