Nếu đắc cử tổng thống, thách thức đầu tiên và cấp thiết về chính sách đối ngoại của Biden là lấy lại niềm tin của đồng minh ở châu Âu.
Khi thế giới đang trong giai đoạn hỗn loạn nhất kể từ Thế chiến II, khả năng lãnh đạo ổn định của Joe Biden, cựu phó tổng thống Mỹ và hiện là ứng viên đảng Dân chủ, được kỳ vọng có thể giúp thế giới trở lại quỹ đạo bình ổn, nhưng phải nhờ tới sự giúp đỡ của các đồng minh, theo Nic Robertson, nhà phân tích của CNN.
Theo Robertson, các đồng minh châu Âu của Mỹ sẽ hy vọng rằng nếu trở thành tổng thống, Biden có thể nhanh chóng đưa ra bằng chứng thuyết phục cho thấy các hành động xa rời chủ nghĩa đa phương, từ bỏ các cam kết quốc tế và rút lui khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu của Tổng thống Donald Trump trong 4 năm cầm quyền sẽ không bao giờ lặp lại.
Biden trong bài phát biểu ở New York hồi tháng 7 năm ngoái từng cam kết rằng "sẽ mời các lãnh đạo đồng minh giúp đưa vấn đề dân chủ trở lại chương trình nghị sự toàn cầu". Tuy nhiên, để thực hiện cam kết này, nhiều nhà phân tích cho rằng Biden sẽ phải nỗ lực hành động nhiều hơn là nói suông.
Ứng viên Dân chủ Joe Biden tại sự kiện ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania hôm 20/9. Ảnh: NYTimes. |
Ứng viên Dân chủ Joe Biden tại sự kiện ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania hôm 20/9. Ảnh: NYTimes.
Một trong các yếu tố có thể giúp Mỹ nhanh chóng lấy lại niềm tin của đồng minh và đối tác là cam kết tham gia trở lại Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015, thỏa thuận mà Trump bắt đầu rút khỏi vào năm 2019. Cũng trong bài phát biểu ở New York năm ngoái, Biden đã hứa "Tôi sẽ tham gia lại Hiệp định Khí hậu Paris và triệu tập hội nghị thượng đỉnh với các nhà phát thải carbon lớn nhất thế giới, vận động các đồng minh nâng cao tham vọng của họ và thúc đẩy tiến bộ của chúng ta thêm nữa".
Robertson thêm rằng một vấn đề khác mà có thể giúp Biden "lấy lòng" đồng minh là ông từng tuyên bố đảo ngược quyết định cắt giảm ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Trump, khi phát biểu về Covid-19 tại bang Delaware hồi tháng 6 năm nay. "Phối hợp phản ứng toàn cầu giữa đại dịch là rất quan trọng và Mỹ sẽ dẫn đầu phản ứng này như chúng tôi từng làm trong quá khứ", Biden nói.
Bằng cách cam kết về chương trình nghị sự đa phương, Biden có thể giúp xua tan nỗi lo lắng Mỹ sẽ quay lưng với các giá trị cốt lõi của các quốc gia dân chủ, giữa lúc chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Giữa thời kỳ hỗn loạn vì đại dịch và những bất ổn về sắc tộc, châu Âu đặc biệt muốn thấy nhiều tuyên bố bảo vệ các nền dân chủ hơn. "Tôi muốn đưa ra lựa chọn chắc chắn để bảo vệ nền dân chủ", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước Nghị viện châu Âu hồi tháng 4/2018.
Biden không còn xa lạ với chính sách đối ngoại, bởi từng nhiều năm giữ chức chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện khi còn làm việc ở quốc hội Mỹ, cũng như có 8 năm làm phó tổng thống Mỹ dưới thời Obama. Tuy nhiên, thế giới đã có nhiều thay đổi kể từ khi ông rời nhiệm sở đầu năm 2017.
Gần 4 năm dưới sự lãnh đạo của Trump, Mỹ đã mất đi nhiều ủng hộ của đồng minh, làm suy giảm khả năng của Nhà Trắng trong việc củng cố liên minh vững mạnh cho các lập trường của Mỹ về Iran, Trung Quốc, Triều Tiên, đồng thời làm suy yếu chính an ninh quốc gia Mỹ.
Các đồng minh tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giờ đây công khai phản đối Mỹ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran, điều rất hiếm khi xảy ra trước đây. Mất đi sự ủng hộ rộng rãi của các nước như Anh, Pháp, Đức, chính quyền Trump chỉ còn cách áp đặt lệnh trừng phạt đơn phương với Tehran.
Biden đã đề cập tới các thay đổi đó, cũng như sự thờ ơ của Trump đối với các liên minh truyền thống, trong bài bình luận được đăng trên tạp chí Foreign Affair hồi đầu năm nay. Ông đã tranh luận rằng "hợp tác với các quốc gia khác có chung mục tiêu và giá trị với Mỹ không phải là điều ngu ngốc. Nó khiến chúng tôi trở nên an toàn và thành công hơn".
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, trách nhiệm của Biden sẽ không đơn giản, theo Robertson. Nếu trở thành chủ nhân mới của Phòng Bầu dục, Biden sẽ cần hành động một cách chắc chắn để "đưa Mỹ trở về vị trí đầu bảng", như ông từng nói trong bài phát biểu ở New York hồi tháng 7 năm ngoái.
"Thời gian không phải là bạn của ông. Sự bất mãn của những người ủng hộ Trump, Covid-19 và thách thức kinh tế có thể chiếm trọn những ngày đầu nhiệm kỳ của Biden", Robertson viết.
Nhà phân tích của CNN cho rằng điều này đồng nghĩa các chính sách đối ngoại của Biden sẽ cần phải có sẵn ngay từ đầu và được giao phó vho một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, có khả năng lãnh đạo Bộ Ngoại giao, sau 4 năm cơ quan này rơi vào hỗn loạn vì các vụ kiện cáo vào xáo trộn nhân sự dưới thời Trump.
Khi thời điểm bầu cử càng tới gần, nhiều thách thức mới về ngoại giao cũng xuất hiện, khi làn sóng biểu tình bùng lên ở Belarus hay xung đột vừa nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan. Tại Địa Trung Hải, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp leo thang liên quan tới vấn đề khai thác dầu khí.
Trung Đông cũng được xem là thách thức đối Biden khi tìm kiếm đồng minh. Chính quyền tổng thống Obama được cho là đã không can thiệp khi nhiều đồng minh lâu năm của Mỹ sụp đổ trong biến động chính trị "Mùa xuân Arab". Trong gần 4 năm qua, lãnh đạo các nước vùng Vịnh lại tỏ ra hưởng ứng đường lối cứng rắn của Trump với Iran.
Nhưng thách thức về chính sách đối ngoại lớn nhất đối với tổng thống tiếp theo của Mỹ có lẽ là Trung Quốc, vấn đề mà Mỹ cần có sự ủng hộ từ các đồng minh nhất. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp nhiều khó khăn với với nhiệm kỳ tổng thống của Biden hơn bất kỳ lãnh đạo thế giới nào. Đối với ông Tập, tổng thống tiếp theo của Mỹ có thể ngăn Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng trở thành "siêu cường hàng đầu thế giới".
Các đồng minh của Mỹ từng ủng hộ Trump vì lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong các hành vi lạm dụng thương mại, đánh cắp sở hữu trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ. Nhưng cũng chính Trump đã đẩy họ vào tình thế bất an trong cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt với Trung Quốc, nơi châu Âu gần như không có tiếng nói gì.
Tổng thống Donald Trump tại sự kiện ở thành phố Jacksonville, bang Florida hôm 24/9. Ảnh: NYTimes. |
Tổng thống Donald Trump tại sự kiện ở thành phố Jacksonville, bang Florida hôm 24/9. Ảnh: NYTimes.
Biden cho biết đồng tình với những cáo buộc thương mại của Trump nhắm vào Trung Quốc, nhưng không nhất trí với cách thức ông giải quyết vấn đề. Phát biểu ở New York hồi năm ngoái, ông cam kết sẽ cứng rắn với Trung Quốc bằng cách "xây dựng một liên minh với các đối tác và đồng minh nhằm thách thức hành vi của Bắc Kinh", hơn là thực hiện các hành động đơn phương như Trump.
Ông Tập đã phản ứng lại áp lực từ phía Trump bằng cách tăng cường chính sách đối ngoại quyết liệt hơn, như áp luật an ninh Hong Kong, đẩy mạnh tập trận gần Đài Loan, tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, cũng như gây căng thẳng ở Biển Đông.
"Thử thách với Biden, như những gì cựu tổng thống John F. Kennedy từng đương đầu với Liên Xô năm 1962 trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, sẽ đến vào thời điểm này, nhưng không phải từ Nga, mà từ Trung Quốc", Robertson nhận định và thêm rằng khi Mỹ có càng nhiều đồng minh, thách thức như vậy càng khó có cơ hội xảy ra.
Thanh Tâm (Theo CNN)
Ngày đăng: 16:23 | 29/09/2020
/ vnexpress.net