Phản hồi ý kiến về việc nhiều nơi chi hàng trăm triệu đãi ngộ bác sĩ, ông Trương Quang Nghĩa cho rằng với người giỏi môi trường làm việc mới quan trọng.
Chiều 8/8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc với Sở Y tế. Nhiều vấn đề về chính sách thu hút bác sĩ giỏi về địa phương làm việc được lãnh đạo Sở cũng như giám đốc nhiều bệnh viện đề cập.
Ông Pham Văn Tài, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng, mong muốn quá trình tuyển dụng bác sĩ cần có chế độ đãi ngộ cao. Ông nêu ví dụ, ở nhiều tỉnh miền Nam, các bác sĩ vừa ra trường đã được nhận 150 triệu đồng từ chính quyền để yên tâm công tác.
"Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa có đãi ngộ đối với bác sĩ, mới áp dụng với tiến sĩ, giáo sư, bác sĩ chuyên khoa I, II ở các bệnh viện lớn", bác sĩ Tài nói.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với Sở Y tế. Ảnh: Nguyễn Đông.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói, thời gian qua nhân tài về làm việc được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng nhưng không phát huy hay thể hiện được năng lực. Việc đãi ngộ là cần thiết, nhưng không phải là cách giải quyết bền vững.
"Cho một sinh viên vừa ra trường 100 triệu đồng liệu có thay đổi điều kiện làm việc hay không. Con người ta, môi trường làm việc mới quan trọng. Tôi có thời gian làm doanh nghiệp và vẫn luôn nói rằng văn hóa của doanh nghiệp mới là quan trọng, chưa hẳn là thu nhập đâu", ông Nghĩa nói.
Theo Bí thư Đà Nẵng, người tài cần nơi để cống hiến và gắn bó. Nếu họ chỉ đến vì 100 hay 200 triệu đồng thì được một thời gian khi tiền hết cũng sẽ bỏ đi. "Câu chuyện đãi ngộ cần có cách thức. Tiền là một yếu tố nhưng chưa quyết định được việc người tài có cống hiến hay gắn bó lâu dài. Chưa kể chuyện về nơi làm việc suốt ngày bị đồng nghiệp dè bửu vì người thì xin mãi mới được vào làm, còn người thì chưa cống hiến gì đã được nhận cả trăm triệu", ông nói thêm.
Đề án đào tạo "nhân tài" bác sĩ không còn phù hợp
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết nhiệm vụ của bệnh viện là đáp ứng khám chữa bệnh cho người dân thành phố, nhưng thực tế hiện nay nhiều bệnh nhân tỉnh khác tìm đến, dẫn đến quá tải. Trong khi đó, việc đào tạo bác sĩ phẫu thuật chuyên sâu đang gặp khó khăn về kinh phí.
Từ nhiều năm nay, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, Đà Nẵng đã đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú trong Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922), đến nay hơn 160 bác sĩ được cử đi đào tạo. Thành phố đã chi hơn 33,6 tỷ đồng (số tiền thấp so với đào tạo học viên các lĩnh vực khác do chủ yếu đào tạo bác sĩ ở trong nước).
Ông Nhân nói "đào tạo bác sĩ theo Đề án 922 đến nay đã không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của bệnh viện". Bệnh viện đang cần đội ngũ bác sĩ đào tạo đặc thù, chuyên sâu để có ê kíp thực hiện các ca phẫu thuật chuyên sâu vì mục tiêu cứu sống người bệnh.
Bác sĩ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nêu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Đông.
Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, đào tạo bác sĩ chuyên sâu là rất quan trọng, cần đưa bác sĩ đi nước ngoài học tập. Nếu không có đội ngũ chuyên sâu thì rất khó thực hiện những ca mổ phức tạp.
"Chúng ta cứ tiếc mãi câu chuyện tại sao người Việt Nam phải đi nước ngoài chữa bệnh. Chưa kể người ở Đà Nẵng phải đi Hà Nội, TP HCM cấp cứu, nhiều khi không kịp cứu tính mạng vì mất thời gian di chuyển", ông Nghĩa nói và chỉ đạo Sở Y tế lập đề án để lãnh đạo thành phố phê duyệt ngay cuối năm nay.
Bí thư Đà Nẵng: Vũ nhôm còn thêm 2 lần ra tòa
Ngoài phiên tòa xét xử dự kiến vào ngày 30 và 31/7 thì Vũ "nhôm" sẽ còn thêm 2 lần ra tòa vì các tội ... |
Bí thư Đà Nẵng: Phải tháo dỡ công trình trái phép của Mường Thanh
"Nếu để cho các công trình trái phép của Mường Thanh tồn tại thì còn gì kỷ cương phép nước. Quận Ngũ Hành Sơn phải ... |
Ngày đăng: 15:21 | 09/08/2018
/ https://vnexpress.net