Theo đại biểu Quốc hội, đối tượng trẻ em rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ. Vì vậy, trong vụ việc học sinh bị phê bình vì đi học sớm ở Hải Phòng , những người liên quan cần ứng xử khéo léo, cần sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường, chứ đừng biến thành cuộc chiến hơn thua.
Ngày 27.5, Quốc hội dành 1 ngày để nghe báo cáo giám sát và thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Nội dung này sẽ được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Phiên thảo luận diễn ra trong bối cảnh đang xảy ra liên tiếp những vụ trẻ em bị bạo hành, xâm hại về tinh thần và thể chất.
Từ việc học sinh bị nạn do cây đổ, điện giật trong sân trường... Rồi học sinh lớp 1 bị phê bình vì đi học sớm ở Hải Phòng đang kéo theo tranh cãi chưa có hồi kết của những người lớn về chuyện đúng – sai, thật – giả. Trong cuộc tranh cãi đó, đối tượng rất cần được bảo vệ là trẻ em lại đang chịu những tổn thương.
Bên lề hành lang Quốc hội, phóng viên ghi nhận ý kiến của các đại biểu về những vụ việc liên quan đến trẻ em đang nhận được sự quan tâm của xã hội.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện: Sự việc ở Hải Phòng đã trở thành câu chuyện xã hội
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Ngọc Thắng |
Những ngày qua tôi theo dõi câu chuyện học sinh bị phê bình vì đi học sớm ở Hải Phòng và thấy đang bị nhiễu thông tin. Đây không phải là câu chuyện của riêng một trường học nữa mà trở thành câu chuyện xã hội.
Nó liên quan đến rất nhiều vấn đề như cách yêu thương và trách phạt trong giáo dục; ứng xử, phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường trong việc giáo dục học sinh; phản ứng của xã hội khi tiếp nhận thông tin...
Những câu chuyện này đều liên quan đến đối tượng đặc biệt mà chúng ta cần bảo vệ, đó là trẻ em. Vì thế phải được xem xét nhiều chiều, những người liên quan phải có tâm để xử lý khéo léo, đừng biến thành cuộc chiến giữa các bên.
Quan điểm của tôi là cơ quan chức năng hãy tìm ra sự thật. Kể cả Bộ GDĐT có thể thành lập một nhóm công tác để đánh giá khách quan sự việc, từ đó có những bài học để chỉ đạo với toàn ngành.
Tôi tin việc giáo viên áp dụng biện pháp phê bình học sinh mắc lỗi như cách cô giáo ở Hải Phòng không phải là hiếm. Và cách làm đó đã nhận lại những phản ứng ngược từ gia đình học sinh. Nó cũng là kiểu bạo hành tinh thần với trẻ em.
Ngoài ra, vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh cũng đang rất đáng báo động, đặc biệt ở trường học. Tôi loại trừ những yếu tố khách quan như không thể dự báo khi nào có cây đổ; đường dây điện khi nào bị hở, hay đứt, nhưng những yếu tố chủ quan cần phải được nhắc tới.
Ví dụ như chúng ta giáo dục chưa tốt kỹ năng sống cho con em chúng ta. Rồi nhà trường cũng làm chưa tốt điều đó. Trách nhiệm của giáo viên không phải chỉ là dạy chữ mà phải dạy cho các cháu kỹ năng sống, như việc không được đứng ở nơi nguy hiểm, gần gốc cây, cột điện khi trời mưa bão...
Ngoài ra theo tôi, tất cả nơi nào xảy ra việc trẻ bị tan nạn thì phải kiểm điểm, xử lý người đứng đầu. Trong phạm vi trường học thì kiểm điểm người phụ trách nhà trường để xảy ra sự việc đó.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Thành phố Hà Nội): Nỗi đau sau những con số báo cáo
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: Quochoi.vn |
Là thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng chống xâm hại trẻ em, đi các địa phương thực hiện việc giám sát, tôi chứng kiến nhiều câu chuyện rất đau lòng liên quan đến việc trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Không có địa phương nào là không có tình trạng xâm hại trẻ em. Nhưng đó chỉ là những con số trong báo cáo, thực tế còn đau lòng hơn.
Tôi đã chứng kiến những câu chuyện có đứa trẻ mấy tháng tuổi cũng bị xâm hại. Khi nghe và đọc về trường hợp như thế, thực sự rất bức xúc và cảm thấy nặng nề. Đau lòng nhất là nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục bởi chính người thân của mình.
Việc trẻ bị bạo hành tinh thần cũng diễn ra phổ biến ở gia đình và trường học, nhưng những vụ việc này không được thống kê, báo cáo, trong khi nó cũng để lại di chứng, ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em.
Trong quá trình đi giám sát, tôi cũng thấy cơ quan chức năng chưa xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại trẻ em.
Tôi kiến nghị với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cần có biện pháp kiên quyết. Có nước đã sử dụng biện pháp thiến hóa học. Nhiều nước đã thực hiện việc này, tại sao Việt Nam lại không? Chỉ cần xử lý nghiêm vài vụ việc, tôi nghĩ sẽ có tính răn đe.
Ngày đăng: 10:50 | 27/05/2020
/ laodong.vn