Những tài xế chở khách say rượu thường được các vị khách trung niên lên lớp về việc làm thế nào để thành công.
Dịch vụ tài xế chở người say rượu đang ngày càng phát triển ở Hàn Quốc |
Lần đầu tiên đăng bài viết của mình lên mạng, những câu chuyện của Kim Min-seob đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Kim hiện đang là một giảng viên đại học bán thời gian. Vị trí này thường dành cho những người đã có bằng tiến sĩ hoặc nghiên cứu sinh nhưng thu nhập của họ chỉ được trả chưa bằng mức lương tối thiểu theo quy định. Họ cũng không được đóng bảo hiểm y tế.
Đã có vợ và một đứa con mới sinh cần chăm lo, Kim phải vật lộn với công việc giảng dạy và đi làm thêm ở cửa hàng McDonald’s – nơi mà anh cảm thấy mình được tôn trọng hơn là làm ở trường đại học.
Những trang viết của Kim nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của nhiều người trẻ Hàn Quốc – những người cũng phải vật lộn với cơm áo như anh. Nhờ đó, anh xuất bản được một cuốn sách có tựa đề ‘Tôi là giảng viên bán thời gian ở một trường đại học tỉnh lẻ’ (ý chỉ những trường không nằm ở thủ đô và được đánh giá là ít danh giá hơn).
Bây giờ, Kim đã được gọi là một nhà văn. Anh nghỉ việc ở trường đại học để theo đuổi sự nghiệp viết lách, nhưng anh lại làm thêm một công việc khác – tài xế chở người say.
Năm ngoái, anh xuất bản một cuốn sách kể về những trải nghiệm của mình khi làm công việc này. Dịch vụ thuê tài xế còn được gọi là ‘daeri unjeon’ trong tiếng Hàn, tức là tài xế sẽ đưa khách về bằng xe của khách.
Khi khách đặt chuyến, một số công ty sẽ cử 2 tài xế tới điểm hẹn trên một chiếc xe máy. Sau đó, một tài xế chở khách, còn tài xế kia sẽ đi theo họ để tiếp tục chở tài xế thứ nhất đến điểm đón khách tiếp theo.
Tuy nhiên, với cách này khách sẽ phải trả khoản phí cao hơn. Để cạnh tranh, Kim thường đi một mình. Khi hết chuyến, anh sẽ đi bộ hoặc đi xe buýt đến điểm đón tiếp theo.
Kim cho biết, 90% cuộc gọi anh nhận được là từ những người vừa uống rượu bia. 10% còn lại là từ những người không thích lái xe, hoặc không thể lái vì bị bệnh hoặc mượn xe của bạn và cần trả lại nó.
Tối nay thì hơi khác thường lệ một chút. Kim đồng ý để cho các phóng viên của tờ Korea Expose quan sát công việc của mình. Các phóng viên sẽ làm tài xế chở anh tới các điểm hẹn để đón khách.
Khoảng 9 giờ 30 phút tối hôm đó, vị khách đầu tiên của anh là một người đàn ông đi từ quận Mapo, Seoul tới Goyang – khu dân cư ở ven thành phố.
Các phóng viên thả Kim ở gần nhà hàng nơi vị khách đang đợi. May mắn là ngay sau khi chuyến đi đầu tiên kết thúc thì anh nhận được một chuyến đi tiếp theo khá gần đó. Chuyến đầu giúp anh kiếm được 21.000 won (khoảng hơn 400 nghìn đồng). Hai chuyến sau đó, anh kiếm được mỗi chuyến 15.000 won.
Kim Min-seob - tài xế chở người say rượu từng là một giảng viên bán thời gian ở trường đại học |
Khi các phóng viên lái xe đến điểm đến thứ 3 để gặp Kim, anh đang đi bộ lên từ hầm để xe của một khu chung cư cao cấp. Anh kể với họ về nỗi khiếp đảm của các tài xế ‘daeri unjeon’ khi phải chở khách tới những nơi có tầng hầm để xe. Bởi vì nhiều khu nhà có tầng hầm rất sâu, khiến tài xế mệt bở hơi tai và mất tới 10 phút khi phải đi bộ leo lên mặt đất.
Nhưng còn một sự khó chịu khác, thậm chí là thường gặp hơn việc phải leo bộ từ tầng hầm ở công việc này. Đó là việc bị những vị khách trung niên ‘lên lớp’.
Kim kể, vị khách mà anh vừa chở là chủ tịch một công ty. Suốt chuyến đi, ông ta đã dành thời gian kể cho Kim nghe cách ông ấy đã thành công như thế nào nhờ chăm chỉ làm việc. Ông ta thậm chí còn khuyên anh phải làm việc chăm chỉ hơn để vượt trội trong cuộc sống.
‘Có một định kiến cho rằng tài xế là những người không có kỹ năng làm bất cứ việc gì. Những vị khách 20-30 tuổi thì dành hầu hết thời gian trên xe lướt điện thoại, Facebook hoặc xem video. Còn những vị khách trung niên thì thích khuyên nhủ tôi’.
Những vị khách say rượu thì không tránh khỏi việc nôn mửa trên xe hoặc có những hành vi sai trái. Nhưng không giống như taxi thông thường, đây là xe của họ nên việc họ nôn mửa hay gây lộn xộn trên xe là rất ít.
‘Có lần tôi thấy một anh chàng cố gắng ngậm chặt miệng khi tôi đang lái. Rồi sau đó anh ta nhổ ra ngoài cửa sổ khi tôi dừng đèn đỏ’.
Điểm đến tiếp theo của Kim là một quán gà rán gần đó. Hai vị khách trung niên vừa uống chút bia sau khi chơi cầu lông. Anh nói, vị khách này có vẻ thân thiện nên anh đã xin phép họ để 2 phóng viên ngồi cùng và quan sát.
Tất nhiên, khi có sự hiện diện của phóng viên mang theo những chiếc máy tính xách tay thì chắc chắn hành vi của người được phỏng vấn sẽ thay đổi.
Đúng như lo ngại, các phóng viên làm vị khách chú ý. Ông ấy bắt đầu hỏi một trong 2 phóng viên về cuộc sống ở Canada – quê hương anh.
‘Tôi cố gắng trả lời ngắn gọn vì tôi hi vọng Kim và vị khách sẽ bắt đầu trò chuyện với nhau. Không lâu sau, chúng tôi thả bạn của chủ xe ở chỗ của ông ấy và tiếp tục chuyến đi. Kim đỗ xe theo hướng dẫn của vị khách, không quên chúc ông ấy buổi tối tốt lành và chúng tôi di chuyển tiếp’ – phóng viên kể.
Trước khi nhận chuyến tiếp theo, Kim nói anh cần ăn gì đó. Vì tính cơ động của công việc nên anh thường ăn đồ ăn nhanh. Việc ngồi xuống ăn một bữa đàng hoàng sẽ làm mất nhiều thời gian.
Họ tìm được một nhà hàng McDonald gần nhất – nơi Kim mua một chiếc burger tôm mà anh ăn ngấu nghiến trong vài phút.
Hôm nay là một buổi tối may mắn, Kim nói. Anh nhận được vài chuyến và không có vị khách nào tỏ ra khó chịu đặc biệt. Vào mùa hè, anh có ít khách hơn vì ít người ta ra ngoài uống rượu bia muộn.
Thời điểm bận rộn nhất trong năm là tháng 12, khi người Hàn Quốc tổ chức những bữa tiệc cuối năm cùng bạn bè, đồng nghiệp và hay uống nhiều. Kim cũng cảm thấy văn hóa xã hội Hàn Quốc đang thay đổi khi ít người muốn ra ngoài uống rượu bia hơn.
Trở thành tài xế với nguồn thu nhập không ổn định không phải là công việc mơ ước của bất cứ ai. Mong muốn của Kim là trở thành một nhà văn, và sau những đêm muộn lái xe chở khách, anh lại ngồi xuống để ghi lại những suy nghĩ của mình.
Ngoài việc viết sách, anh cũng là chủ mục ở vài tờ báo, hầu hết viết về những trải nghiệm của anh khi là tài xế và giảng viên.
Trong cuốn sách viết về những trải nghiệm ‘daeri unjeon’, anh lập luận rằng trong thời đại mà con người không kiểm soát được cuộc sống của chính mình, tất cả chúng ta đều là những ‘người daeri’ – những người thay thế cho ai đó.
Nguyễn Thảo
Trường tự chủ, giảng viên nhận thưởng Tết 65 triệu đồng
Nói về thưởng Tết 2020, Hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng thông tin: “Ở trường, thưởng Tết thấp nhất là 30 triệu đồng, người được thưởng ... |
Giảng viên nhận thưởng Tết Nguyên đán 55 triệu đồng
Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất mà giảng viên của trường nhận được đến thời điểm hiện tại là 55 triệu đồng, thấp nhất ... |
Niềm vui mới của người giảng viên bán hủ tiếu
31 tuổi, Lý Kim Hà, giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận là PGS ... |
Ngày đăng: 08:03 | 07/01/2020
/ vietnamnet.vn