Hơn 4 tháng kể từ khi khởi phát, Covid-19 dần được khống chế, song các nhà khoa học tiếp tục đau đầu với nỗi lo “tái dương tính” ở những người đã khỏi bệnh.
Theo Jiao Yahui, thanh tra Ủy ban Y tế Quốc gia, hơn 30 người tại tỉnh Hồ Bắc, trong đó có thành phố Vũ Hán, dương tính trở lại sau thời gian khỏi bệnh. Thời gian hồi phục trung bình của họ là khoảng 20 ngày, một số trường hợp lên tới 40 ngày. Tất cả đều được xuất viện sau nhiều lần xét nghiệm axit nucleic âm tính. Các bác sĩ cho biết nhiều người tái dương tính nhưng không có triệu chứng bất thường nào.
Các trường hợp này khiến chuyên gia đặt ra câu hỏi: liệu virus trong cơ thể bệnh nhân có tiếp tục truyền nhiễm hay không, thời gian là bao lâu?
Hiện tượng tái dương tính trở thành thách thức mới đối với công tác dập dịch toàn cầu và nỗ lực đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường của các nước.
Người dân thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, trở lại làm việc sau khi được dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Ảnh: Caixin |
Tại Trung Quốc, các bệnh nhân được coi là hoàn toàn khỏi và xuất viện nếu kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính với nCoV hai lần liên tiếp. Trường hợp đã hồi phục nhưng vẫn dương tính với virus, được chuyển đến các địa điểm cách ly cộng đồng.
Các nhà dịch tễ học cho biết những bệnh nhân này dường như không lây nhiễm mạnh. Rất ít khả năng cho thấy virus lưu lại trong cơ thể họ thời gian quá dài.
Rong Meng, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Ditan Bắc Kinh, đồng tình với nhận định này. Ông nhận định một số bệnh nhân đã khỏi Covid-19, trong đó có cả trẻ em, vẫn cho kết quả dương tính khoảng 40 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, lâu hơn nhiều so với thời gian trung bình 20 ngày của người bình thường. Song điều này không đồng nghĩa virus vẫn còn hoạt động.
Cai Weiping, bác sĩ khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhân dân số 8, Quảng Châu, cho biết hiện còn nhiều tranh cãi xung quanh câu hỏi liệu người tái dương tính nCoV có thể lan truyền mầm bệnh hay không. Cai nhận định cần tiếp tục cách ly theo dõi bệnh nhân trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo Zhang Boli, hiệu trưởng Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Thiên Tân, trình tự bộ gene còn sót lại ở một số bệnh nhân cho thấy virus đã bị bất hoạt. "Như vậy có thể trong cơ thể người bệnh chỉ còn vật liệu di truyền của nCoV", Zhang nói.
Người dân thành phố Vũ Hán xếp hàng cách nhau 2 m tại một trung tâm thương mại, để đảm bảo an toàn. Ảnh: Caixin |
Nhiều chuyên gia Trung Quốc vẫn tỏ ra thắc mắc khi một số bệnh nhân đào thải virus lâu hơn những người khác.
Trong một báo cáo xuất bản cuối tháng 3, hai bác sĩ quân y Wang Qingshu và Niu Hongming dẫn trường hợp một bệnh nhân Covid-19 được thử nghiệm dương tính suốt 49 ngày. Người đàn ông này ở độ tuổi trung niên, bị sốt và biểu hiện một số triệu chứng khác hôm 25/1. Ông hồi phục sau một tuần dùng thuốc, xét nghiệm axit nucleic 9 lần trong những tuần tiếp theo, chỉ ngày 11/3 cho kết quả âm tính.
Ông cũng được làm hai xét nghiệm kháng thể vào cuối tháng 2 và giữa tháng 3, âm tính một lần. Như vậy, virus đã lưu lại cơ thể người bệnh trong một thời gian dài, dần được đào thải kể từ giai đoạn cấp tính.
Theo báo cáo, bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp huyết tương ngày 15/3. Ông bị sốt sau nhiều giờ truyền dịch, sau đó nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường ngày tiếp theo.
"Nếu không có huyết tương, tình trạng nhiễm trùng ở người bệnh có thể trở thành mạn tính. Chúng tôi muốn biết có bao nhiêu người cũng gặp vấn đề tương tự", tác giả bản báo cáo cho biết. Người đàn ông sau khi điều trị bằng phương pháp này đã xét nghiệm âm tính nCoV. Tuy nhiên các bác sĩ chưa thể kết luận các trường hợp như này có lây nhiễm cho người khác hay không.
Thục Linh (Theo Caixin)
5 bệnh nhân tái dương tính chỉ mang xác SARS-CoV-2 |
Tình trạng tái dương tính khiến "giấy chứng nhận miễn dịch" không đáng tin |
Hàn Quốc: Số ca tái dương tính với virus SARS-CoV-2 tiếp tục gia tăng |
Ngày đăng: 16:27 | 29/04/2020
/ vnexpress.net