Ngôi mộ nằm chơ vơ giữa ruộng thanh long đang mùa ra trái. Mộ còn khá mới bởi vừa được chỉnh trang lại vào năm 2015. Chúng tôi tìm đến ngôi mộ này cũng chỉ vỉ nhưng lời đồn đãi về một câu chuyện năm xưa...
Ngôi mộ nằm chơ vơ giữa ruộng thanh long đang mùa ra trái. Mộ còn khá mới bởi đã được sửa sang năm 2015.
Người ngựa bên nhau
Phải mất gần trọn buổi sáng, đi dưới cơn mưa lất phất, chúng tôi mới tìm được đến ngôi mộ. Mộ ở tại ấp Bình Thạnh, xã Bình Tịnh (H.Tân Trụ, Long An).
Băng qua nhiều luống thanh long trơn trợt và sũng nước, chúng tôi lên được nền xi măng của khu mộ. Rộng chừng 50m2, khu mộ được xây dựng khang trang. Bao bọc mộ là một bức tường, phía trước có nhà bia.
Một tấm bia lớn khắc chi chít chữ Hán và bên cạnh đó một tấm bia khác mới tinh mang những dòng chữ Việt: Phần mộ ông Trần Văn Nho (Phi Long), sinh năm 1841 Tân Sửu, từ trần 1884 Giáp Thân. Kèm theo là tên người và năm lập mộ 1886.
Mộ ông Trần Văn Nho đã 133 năm. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. |
Như vậy ngôi mộ này đã tồn tại được 133 năm. Bên cạnh ngôi mộ của ông Nho còn có một ngôi mộ khác nhỏ hơn. Chúng tôi đến gần, phía trước mộ có tấm bia bằng đá viết vài chữ Hán lớn. Phía sau là nấm mồ còn nguyên vẹn. Nhiều hoa dại đã mọc bao quanh.
Trong lúc còn đang phân vân, một giọng nói từ phía sau vọng lại làm chúng tôi giật mình, 'Chắc anh đang thắc mắc mộ này của ai chứ gì?'. Quay lại, một cụ già lớn tuổi nhưng vẫn còn tráng kiện. Cụ nói, mộ này không chôn người mà chôn một con ngựa. Ở đây người ta thường gọi là mả ngựa.
Rồi cụ nói tiếp, ít có nơi nào người và thú được chôn cạnh nhau. Ngôi mộ này từ lâu là câu chuyện mà hậu thế vẫn lưu truyền với nhau.
Sinh thời, ông Nho chỉ là viên quan nhỏ trong làng. Ông tận tụy với công việc và luôn gần gũi thương yêu mọi người nên rất được bà con quí trọng. Hàng ngày, mỗi khi có việc đi xa ông thường cưỡi trên lưng con tuấn mã. Con ngựa ông cưỡi lúc nào cũng gần gũi bên ông. Ông rất thương nó và dường như nó cũng quí ông.
Do nặng lòng với công việc, ông ngã bệnh qua đời khi tuổi mới 43. Đám tang của ông được nhiều người đến viếng, diễn ra trong nhiều ngày. Trong những ngày diễn ra tang lễ, không một ai để ý đến trong bụi cây gần đó, con ngựa yêu quí của ông Nho vẫn dõi mắt nhìn theo đám tang mà quên cả ăn uống. Khách khứa vơi dần, người nhà mới phát hiện ngựa bứt dây chui vào bụi cây để nhìn đám tang của chủ.
Nhiều người đến bên cạnh nó dỗ dành đưa thức ăn cho nó nhưng nó vẫn không ăn. Đến khi ông Nho được mang đi chôn. Nó quì gối trước tấm bia cho đến lúc ngã gục.
Nó đã kiệt sức. Người nhà ông Nho tìm đủ cách cho nó ăn, đem nó về nhà. Nó một mực không chịu. Nằm thoi thóp trước mộ được vài ngày, nó chết.
Cảm thương con vật có nghĩa, con ông Nho chôn nó bên cạnh chủ và lập nên một ngôi mộ với nhiều huyền thoại truyền đến ngày nay.
Tiếng vó ngựa trong đêm
Mộ ngựa cạnh mộ ông Nho. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. |
Cụ già ngưng câu chuyện. Cụ nói với chúng tôi: 'Trên đường về, ngang qua một khu mộ mới có một ngôi mộ rất cổ còn nguyên vẹn. Anh nên ghé vào tham quan một chút. Đó là mộ của vợ ông Nho đó'.
Ngừng một chút. Cả cụ và chúng tôi cùng ngồi bệt xuống thềm mộ. Mưa vẫn lất phất bay. Cụ kể tiếp, tuấn mã chết được chôn cất xong thì ngay trong đêm ấy và nhiều đêm về sau, người trong làng thường nghe thấy tiếng vó ngựa. Cũng từ đó, công việc làm ăn của bà con vô cùng thuận lợi.
Nhiều người tin rằng, chính vị quan nhân từ ngồi trên lưng con ngựa trung nghĩa đã 'phù hộ' cho bà con làm ăn suôn sẻ.
Bà Loan đứng trước ngôi nhà cổ bà đang ở. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. |
'Câu chuyện chỉ có thế. Anh nên đến nhà con cháu ông Nho để tìm hiểu thêm', ông cụ nói với chúng tôi.
Tạm biệt ông cụ, chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Loan (76 tuổi) là cháu gọi ông Nho là ông sơ và được bà niềm nở tiếp đón.
Hiện bà Loan cùng chồng ngụ trong ngôi nhà cổ xưa duy nhất còn sót lại ở vùng này. Bà cho biết, ngôi nhà được xây dựng vào giữa thế kỷ 19. Đến đời ông nội bà, nhà xuống cấp nên được tu bổ lại vào năm 1934.
Chúng tôi dạo quanh ngôi nhà. Nhà vẫn còn những đường nét cổ xưa. Trong nhà bày biện nhiều vật dụng cổ. Chúng tôi chỉ mong sao bà và thế hệ kế tiếp giữ được hình ảnh kiến trúc xưa như một kỷ niệm của dòng họ, nét văn hóa người Việt của trong thời kỳ Pháp thuộc.
Bà Loan thừa nhận, mặc dù mất đã lâu nhưng đến nay những giai thoại về ông sơ của bà cùng con ngựa yêu quí vẫn được người đời nhắc nhở. 'Tất cả cũng chỉ là truyền khẩu nên đôi lúc có những điều hơi quá. Nhưng thôi, dẫu sao cũng là những giai thoại đẹp về dòng họ mình', bà nói.
Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Phan Minh Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Tịnh cho biết, ngôi nhà mà bà Loan đang ở, mộ vợ chồng ông Nho và con ngựa đều là nhà cổ và mộ cổ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đề xuất nào để công nhận là di tích.
Đối với huyền thoại về con ngựa, ông cho rằng, đó chỉ là tin đồn. Mà tin đồn thì khó có thể kiểm chứng.
Trần Chánh Nghĩa
Vì sao tàu thuyền mất tích bí ẩn ở tam giác quỷ Bermuda?
Tam giác quỷ Bermuda đã làm dấy lên nhiều lý thuyết âm mưu sau khi ít nhất 50 tàu thuyền và 20 chiếc máy bay ... |
Bí ẩn vụ cướp ngân hàng, nổ bom thủ tiêu đồng phạm tại Mỹ
Khi nghi phạm cướp ngân hàng vừa bị cảnh sát bắt, quả bom hắn đeo trên cổ lập tức được kích nổ từ xa. |
Ngôi làng kinh dị xảy ra hàng trăm vụ hỏa hoạn bí ẩn
Người dân ở ngôi làng Canneto di Caronia trên đảo Sicily không khỏi bàng hoàng khi liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn ... |
Ngày đăng: 16:57 | 09/08/2019
/ vietnamnet.vn