"Câu chuyện của Hải An nói với chúng ta rằng, ai cũng có thể làm được những điều tử tế, ngay cả khi chúng ta đã ra đi. Chúng ta có thể hiện hữu trong cuộc đời lần thứ 2", ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép mô tạng xúc động nói.
"Con đã sống một cuộc đời trọn vẹn"
Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, bé Hải An là trường hợp rất đặc biệt, mới 7 tuổi 3 tháng nhưng không may bị bệnh nặng. Trong lúc đồng hành cùng con trị bệnh, mẹ của Hải An đã nói chuyện với con gái về việc hiến mô tạng cho y học.
Dù nhỏ tuổi nhưng có lẽ, Hải An đã thấm đẫm hình ảnh điều trị của các bạn nhỏ, đồng cảm với mẹ, đồng ý hiến mô tạng.
Trong giây phút cuối cùng, mẹ Hải An đã gọi điện đến trung tâm xin hiến tạng của con, nhưng tiếc thay, qua kiểm tra, con không không đủ các điều kiện của pháp luật, hiến mô tạng khi qua đời.
"Mặc dù người mẹ có tâm nguyện trái tim con được đập trong lồng ngực của bạn nhỏ nào đó, tuy nhiên, vì điều kiện không phù hợp, nên sau khi con qua đời đã hiến tặng giác mạc.
Chúng tôi đã kiểm tra các thông tin, thủ tục, phối hợp với Ngân hàng Mắt Trung ương, đến tận nhà tiếp nhận 2 giác mạc của bé. Khi nhìn hình ảnh người mẹ ôm con vào lòng, nói: “Con hãy tặng giác mạc lại cho hai người bạn, mẹ tự hào về con!”, cảm xúc thật đặc biệt. Một hình ảnh trọn vẹn của tình mẫu tử, tình yêu thương..." - Ông Phúc kể.
Hải An ra đi chắc chắn là nỗi tiếc thương nhưng xen vào đó là sự tự hào rất lớn của gia đình, xã hội. Con đã làm được một điều phi thường, con đã sống 1 cuộc đời trọn vẹn, ra đi một cách bình an.
Khi ra đi, Hải An đã kịp để lại món quà vô giá cho cuộc đời. Câu chuyện của Hải An nói với chúng ta rằng, ai cũng có thể làm được những điều tử tế, ngay cả khi chúng ta đã ra đi. Chúng ta có thể hiện hữu trong cuộc đời lần thứ 2.
"Điều này giúp chúng tôi nỗ lực hơn trong thời gian tới. Chắc chắn chúng tôi sẽ trình với lãnh đạo Bộ Y tế, Chính phủ, Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hiến ghép mô bộ phân cơ thể người để điều chỉnh độ tuổi tiếp nhận đối với những trường hợp chết não, có thể không nhất thiết trên 18 tuổi, nếu như người đó trước khi qua đời có tâm nguyện rõ ràng được hiến tặng mô tạng, được gia đình xác quyết.
Chúng tôi mong muốn hình ảnh Hải An sẽ sống mãi, lan tỏa trong cộng đồng, đem đến nguồn cảm hứng, niềm vui, sự tự hào to lớn cho cộng đồng.
"Hải An đang nhìn chúng ta bằng ánh mắt an vui"
Khi PV hỏi, câu chuyện của Hải An xứng đáng được Bộ Y tế vinh danh, vị Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép mô tạng nói, ngày hôm nay, với sự có mặt của những người thân yêu Hải An, cơ quan báo chí, sự quan tâm của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến – với tư cách một người mẹ, tư lệnh ngành, Chủ tịch Hội vận động hiến tạng đã là một sự trân trọng, vinh danh vô cùng to lớn.
" Hải An vẫn đang hiện hữu, sống mãi trong tình cảm của chúng ta. Ở đâu đó, Hải An đang nhìn chúng ta bằng ánh mắt an vui. Tôi tin chắc rằng, ở đây chúng ta không chỉ thương tiếc con mà còn tự hào về con", ông Phúc cho hay.
Cũng theo ông Phúc: "Mỗi câu chuyện, mỗi trường hợp qua đời hiến mô tạng là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Rất nhiều người gọi điện đến trung tâm, có những cuộc gọi lúc nửa đêm, gần sáng, nói rằng mẹ tôi, chồng tôi, con tôi đã mất, mong muốn để lại một phần cơ thể, cứu sống cho đồng loại... tất cả những trường hợp đó, chúng tôi vô cùng xúc động và trân trọng.
Cùng với đội ngũ cán bộ y tế trong ngành, chúng tôi cố gắng hết sức tiếp nhận những trường hợp hiến tạng đó, song không phải trường hợp nào cũng đủ điều kiện hiến mô.
Hơn 1 năm trước, một người mẹ gọi điện đến trung tâm, chia sẻ, con của chị bị tai nạn giao thông, bệnh viện trả về, muốn hiến tạng. Sau khi tìm hiểu, được biết nạn nhân rơi vào trường hợp chết thực vật, không phải chết não nên không tiếp nhận được.
Cách đây không lâu, con trai duy nhất của một người phụ nữ khác bị tai nạn, muốn hiến tạng. Và bệnh nhân chưa phải rơi vào trường hợp chết não, còn một phần nghìn cơ hội để cứu sống. Chúng tôi tiếp tục động viên người mẹ cố gắng kiên trì, đồng hành cùng con giành giật sự sống.
Tất cả những câu chuyện đó, chúng tôi rất trân trọng. Nếu việc này này được nhân lên, được lan tỏa sẽ góp phần tạo ra một dòng chảy văn hóa mới - dòng chảy văn hóa tận hiến. Như một dòng chảy văn hóa tốt đẹp cho người dân Việt, trên nền tảng đạo lý uống nước nhớ nguồn, bầu ơi thương lấy bí cùng.
Bé 7 tuổi HN hiến giác mạc: ‘Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé’
“Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé!", người mẹ nói và đặt nụ hôn lên trán cô con gái 7 tuổi đang ngủ ... |
Bé 7 tuổi hiến giác mạc: Thiên thần đã vỗ cánh về trời
Như một cơ duyên, trước ngày 27.2, nhiều thầy thuốc ở Bệnh viện Mắt Trung ương và cộng đồng đã rơi nước mắt trước câu ... |
Ngày đăng: 08:30 | 25/02/2018
/ https://laodong.vn