“Việc sử dụng thi trắc nghiệm đã bộc lộ nhiều điểm yếu. Lẽ ra nên chấm thi tập trung thì Bộ GDĐT lại phân ra cho từng địa phương chấm. Đây là cơ hội để địa phương mắc bệnh thành tích cố tình làm sai lệch kết quả“, TS. Lê Trường Tùng nhận định.
Chia sẻ với Dân Việt ngày 17.7 xung quanh sự cố gian lận thi cử ở Hà Giang, TS. Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng, thế giới vẫn sử dụng hình thức thi trắc nghiệm khá nhiều, tự luận hay trắc nghiệm đều có cái hay cái dở riêng. Tuy nhiên, TS Tùng cho rằng: “Giả sử nếu sau này Bộ GD-ĐT vẫn thi trắc nghiệm thì cần phải có sự thay đổi để kết quả, có thể phản ánh sự trung thực của thí sinh, tránh sự gian lận trong quá trình thi cử”.
Sở GD-ĐT Hà Giang sáng đèn cả đêm để thực hiện việc thanh tra lại nghi vấn gian lận thi cử (Ảnh: Soha)
Điểm yếu đầu tiên, theo TS Tùng là việc trong chấm thi. Theo ông Tùng: Thi trắc nghiệm có vẻ là ổn, bởi đề thi khó việc quay cóp không diễn ra, mã đề thi nhiều… nhưng việc chấm thi có nhiều vấn đề. Lẽ ra nên chấm thi tập trung thì Bộ lại phân ra cho từng địa phương chấm. Đây là cơ hội để địa phương mắc bệnh thành tích cố tình làm sai lệch kết quả.
“Trước đây có thể việc chấm thi tự luận sẽ rất vất vả, nhưng nay với hình thức trắc nghiệm việc chấm thi rất đơn giản. Chỉ cần tập trung bài thi lại 1 chỗ bảo mật thông tin, có an ninh canh giữ thì việc chấm thi sẽ thực sự khách quan. Nếu làm được như vậy, địa phương sẽ rất khó can thiệp vào kết quả.
Thứ hai, việc thi cốt để đánh giá chuẩn năng lực của người học thì việc thi vẫn còn để yếu tố may rủi vì thi trắc nghiệm. Nhiều thí sinh đánh hú họa, đánh bừa vẫn ăn may. Thế mới có chuyện một em học khá lại có điểm cao hơn em học giỏi. Dù có chuyện này chúng ta vẫn không thể nói được gì, chúng ta không biết đó là trường hợp may rủi hay là tiêu cực.
Do vậy, theo tôi cần phải có cơ chế khác trong việc chấm điểm. Ví dụ, nếu đánh đúng thí sinh được 1 điểm, nhưng đánh sai thí sinh sẽ bị trừ đi 0,25 điểm để tránh sự may rủi. Điều này sẽ làm thí sinh không thể đánh bừa, nhằm tính bài may rủi như vậy chúng ta có thể đánh giá đúng năng lực, đồng thời mang tính giáo dục, yêu cầu mỗi thí sinh phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình", TS Tùng nói.
Trước ý kiến nói có nhiều trường ĐH nghi ngại về việc sử dụng kết quả từ kỳ thi THPT để xét vào đại học, thầy Tùng cho rằng: "Bộ GD-ĐT chẳng ép trường nào phải dùng kết quả đó để xét tuyển ĐH cả mà đấy là việc của các trường. Các trường thích thì dùng, mà dùng thì đừng kêu. Bởi hiện nay Bộ GD-ĐT đã thực hiện lộ trình tự chủ trong các trường ĐH, các trường được quyền tự chủ tuyển sinh, do vậy các trường có thể xem kết quả này như một kết quả để tham khảo và có thể dùng có thể không dùng, có thể kết hợp với các phần thi khác của các trường để tuyển sinh.
Quan điểm của Bộ là về mặt nguyên tắc, tuyển sinh ĐH là việc của các trường ĐH, chỉ có các trường ĐH mới có thể trả lời chính xác nhất chiến lược tuyển sinh của mình cần những thí sinh như thế nào, còn Bộ chỉ quan tâm tới xét tốt nghiệp, thi tốt nghiệp. Về mặt bản chất, thi ĐH là trường phải chọn những thí sinh có tố chất phù hợp với những ngành nghề các em sẽ học, sẽ làm việc sau này".
TS Tùng cho rằng, Việt Nam có 1 triệu thí sinh dự thi, mỗi thí sinh thi 6 môn, cho nên sẽ có khoảng 6 triệu bài thi. "Nếu Bộ có những chuyên gia xử lý dữ liệu, có thể soi ra những bất thường và tìm hướng xử lý. Ngoài Hà Giang có thể sẽ có thêm một số điểm khác nữa, cần phải xử lý", ông Tùng nói thêm.
Sai phạm thi ở Hà Giang: Vị thành tích mà không thực lực sinh ra dối trá
Cần xử lý nghiêm những người liên quan đến việc nâng điểm ở Hà Giang, để ít nhất để không làm đổ vỡ thêm nữa ... |
Gian lận thi cử ở Hà Giang: Những kẽ hở giật mình
Sau khi Bộ GDĐT chính thức công bố sai phạm về việc nâng điểm thi THPT quốc gia một cách “trắng trợn” tại Hà Giang, ... |
Gian lận thi cử Hà Giang: Phát hiện nhiều tin nhắn nhờ sửa điểm thi
Cán bộ thuộc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang đã mở khóa niêm phong, rút các bài thi từ Hội đồng thi Trường THPT chuyên Hà ... |
Ngày đăng: 22:00 | 17/07/2018
/ Dân Việt