Bão Nakri dự kiến đi vào các tỉnh Nam Trung Bộ khuya mai với sức gió tối đa 102 km/h (cấp 10), gây mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét.
Tâm bão ở cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 110 km về phía Bắc với sức gió tối đa 135 km/h (cấp 12), giật cấp 15, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định lúc 10h ngày 9/11.
Ngày và đêm nay, bão chủ yếu đi theo hướng Tây với tốc độ 10-15 km/h. Sáng 10/11 tâm bão cách bờ biển Quảng Ngãi - Khánh Hòa khoảng 200 km về phía Đông với sức gió mạnh nhất giảm còn 115 km/h (cấp 11), giật cấp 14.
Sau đó, bão giữ nguyên tốc độ và di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc rồi đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ đêm với sức gió tối đa 102 km/h (cấp 10), giật cấp 12, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đường đi của bão Nakri theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 10h ngày 9/11. Ảnh: NCHMF. |
Đến 10h ngày 11/11, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh Tây Nguyên với sức gió mạnh nhất còn 50 km/h (cấp 6), giật cấp 9, rồi suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Bắc Campuchia.
Như vậy, khoảng khuya 10/11 (chủ nhật), bão Nakri sẽ đổ bộ vào khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ với tâm là Phú Yên - Bình Định. Cơ quan khí tượng nhận định, bão Nakri bị tác động bởi 4 cơn bão nhiệt đới khác nhau nên cường độ và hướng đi của bão liên tục thay đổi, di chuyển từ Tây sang Đông rồi vòng lại đất liền.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản, Hong Kong cũng có chung nhận định về hướng đi của cơn bão nhưng có thời gian đổ bộ khác nhau chút ít. Bão nhiều khả năng đổ bộ vào vùng biển Bình Định - Phú Yên rạng sáng 11/11. Khi di chuyển lên các tỉnh Tây Nguyên, sức gió gần tâm bão khoảng 75 km/h.
Đài Hải quân Mỹ dự báo, bão đổ bộ vào vùng biển Khánh Hòa - Quảng Ngãi khoảng 1h sáng 11/11 với sức gió 92 km/h (cấp 9), sau đó di chuyển hướng Tây Tây Bắc lên các tỉnh Tây Nguyên rồi suy yếu thành áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão Nakri, đêm nay và ngày mai các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to. Trong đó, tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đăk Nông, Lâm Đồng 100-200 mm; Bình Định đến Khánh Hòa 200-350 mm, một số nơi trên 400 mm; Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk 150-250 mm.
Cũng trong khoảng thời gian này, một đợt lũ sẽ xuất hiện ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị ở các địa phương; riêng ở Quảng Ngãi, Bình Định có nguy cơ bị ngập lụt sâu, diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, khu vực giữa biển Đông (gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12, giật cấp 15. Sóng biển cao từ 7-8 m; biển động dữ dội. Khu vực bắc biển Đông (gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu tất cả đơn vị phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn kết hợp với các bộ ngành phải chuẩn bị ứng phó khi bão đổ bộ. Các tỉnh, thành dựa vào tình hình thực tế để lựa chọn phương án cấm biển và sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trên biển.
Nakri được dự báo là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm trên Biển Đông. 5 cơn bão trước đó có sức gió cấp 9 trở xuống. Bão Matmo (số 5) đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên tối 30/10 gây thiệt hại nặng nhất. Với sức gió mạnh nhất 90 km/h (cấp 9), bão đã quật ngã hàng nghìn cây xanh, nhiều nhà bị sập, một triệu hộ dân mất điện...
Hữu Nguyên - Phạm Linh
Ngày đăng: 15:55 | 09/11/2019
/ vnexpress.net