Việc “cắt bỏ” hệ đào tạo tại chức, chính quy trên các tấm bằng sẽ không thể xóa đi định kiến phổ biến về sự yếu kém của chất lượng giáo dục thường xuyên.

Vừa rồi, có hai câu chuyện liên quan đến bằng cấp đáng chú ý. Một là thông tin tỉnh Quảng Ngãi loại khỏi quy hoạch tất cả những người sinh từ 1976 tới nay chưa có bằng đại học chính quy. Hai là sự thay đổi trong quy định về hình thức đạo tạo cũng như văn bằng của bậc giáo dục đại học ở dự thảo sửa đổi bổ sung luật Giáo dục đại học.

bang dh chinh quy tai chuc khong nen tam thuong hoa bang cap

Liệu việc hợp nhất bằng đại học có tạo điều kiện cho những người chưa xứng đáng lọt vào bộ máy công quyền? Ảnh minh họa: Internet.

Trước hết, hãy cùng bàn về tiêu chuẩn được bổ nhiệm chức vụ cao hơn mà tỉnh Quảng Ngãi đề ra.

Theo Quyết định số 61/2017/QĐ-UBND ban hành ngày 15/9 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó phòng được, người được bổ nhiệm "phải có trình độ đại học trở lên theo chuyên ngành, chuyên môn phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí, chức danh bổ nhiệm", đồng thời:

-Trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở ban ngành, sinh từ năm 1965 đến 1975 tốt nghiệp đại học hệ chính quy. Trường hợp tốt nghiệp đại học không chính quy thì phải có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội.

-Các trường hợp sinh từ sau năm 1975 trở đi phải tốt nghiệp đại học chính quy.

Giải thích về tiêu chuẩn này trên báo Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Dụng - Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi khẳng định việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ theo quy định kể trên “có thể chặn được tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm con ông cháu cha (chỉ những người chưa xứng đáng) lọt vào bộ máy công quyền.”

Bản thân ông Dụng cũng đã thử đi học lớp đại học tại chức để đưa ra so sánh và kết luận rằng “sinh viên được đào tạo ở hai hệ đào tạo này khác nhau một trời một vực.”

Trước Quảng Ngãi, hàng loạt các tỉnh như Quảng Nam, Hà Nam, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Bình... cũng nói không với hệ tại chức.

Trong khi đó, nếu dự thảo luật Giáo dục đại học sửa đổi được thông qua, tên loại hình đào tạo (chính quy/tại chức) sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện tại nữa. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 6, các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung.

Giải thích về sự thay đổi này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học cho biết tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra và đây sẽ là sự khẳng định với xã hội về chất lượng đào tạo của trường.

Nếu như việc đưa ra tiêu chuẩn phải sở hữu bằng tốt nghiệp đại học chính quy tại một số địa phương cho thấy một vấn đề tồn tại bấy lâu nay, đó là sự phân biệt “tại chức” và “chính quy” trong xã hội; thì việc “cắt bỏ” hệ đào tạo tại chức, chính quy trên các tấm bằng, theo tôi là một giải pháp mơ hồ, “nhảy cóc”.

Câu “dốt như chuyên tu – ngu như tại chức” đã phần nào nói lên định kiến phổ biến về sự yếu kém của chất lượng giáo dục thường xuyên mà cụ thể là những “sản phẩm” ra lò từ hệ đào tạo này.

Bởi vậy, muốn xóa đi định kiến ấy, chỉ có một cách duy nhất là đảm bảo người được cấp bằng, dù tại chức hay chính quy cũng phải có đủ kỹ năng cần thiết để xử lý công việc chuyên môn. Làm được điều này thì trường đại học tự khắc khẳng định được chất lượng đào tạo, khẳng định đầu ra, giáo viên và chương trình của mình đạt “chuẩn” – cái chuẩn mà thị trường lao động chờ mong.

Còn ở thời điểm này, khi các hệ đào tạo vẫn tuyển sinh riêng, thi tốt nghiệp riêng và sự quan tâm đến chất lượng đào tạo, ý thức “cẩn thận khi cấp các văn bằng” của các trường mới hiện rõ trong… hy vọng của bộ GD&ĐT thì bằng cấp vẫn nên phản ánh sự cố gắng, công sức của cá nhân trong một giai đoạn cụ thể.

Chưa cần nhắc đến những câu chuyện trà dư tửu hậu gây bức xúc xoay quanh sự khác biệt giữa hai loại hình đào tạo, điểm dễ thấy nhất là, sinh viên theo học hệ chính quy phải mất nhiều thời gian hơn người theo học hệ tại chức. Ta không nên tầm thường hóa giá trị, trộn lẫn vàng thau và từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp đăng ký học tại chức chỉ để lấy bằng, lên chức, lên lương.

Và điều quan trọng hơn cả, trước khi mơ đến một tương lai bổ nhiệm, tuyển dụng không phụ thuộc vào những tấm bằng, ta cần đảm bảo không để xảy ra tình trạng bằng cấp chịu thua bằng… lòng cái đã!

Một số địa phương từng nói không với hệ tại chức

- Ngày 3/12/2010, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản gửi các sở, ban ngành, quận huyện chỉ đạo không tiếp nhận SV tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước.

- Ngày 9/5/2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy định thi tuyển công chức của tỉnh phải là người có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy trở lên.

- Tháng 9/2011, hàng chục giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh tiểu học ở Nam Định phải nghỉ dạy vì chỉ có bằng tại chức. Họ không phải là những giáo viên vừa tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng mà từng giảng dạy nhiều năm. Có giáo viên đã có thâm niên trên 10 năm dạy học.

- Tháng 10/2011, tỉnh Hải Dương thông báo chỉ tuyển dụng những người có bằng ĐH chính quy, dù là học dân lập hay công lập đều được nhưng không tuyển tại chức.

- Tháng 8/2012, sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam thông báo chỉ tuyển ứng viên tốt nghiệp ở các trường công lập có uy tín về đào tạo giáo viên, bằng loại khá trở lên. Không hợp đồng những người tốt nghiệp đại học tại chức hoặc đại học chính quy theo các hình thức liên thông, liên kết, từ xa...

- Tháng 8/2012, tỉnh Quảng Nam thông báo tuyển gần 600 cán bộ công chức nhưng yêu cầu không tuyển ứng viên có bằng đại học tại chức.

- Ngày 29/8/2012, trên cổng Thông tin điện tử của tỉnh Nam Định, UBND tỉnh thông báo tuyển dụng công chức phải là người được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn. Năm nay tỉnh có 184 chỉ tiêu, dự kiến thi tuyển vào trung tuần tháng 11/2012.

- Ngày 3/9/2012, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quyết định quy định chính sách sử dụng con em Quảng Bình tốt nghiệp đại học, có hiệu lực đến ngày 31/12/2015. Theo đó, không xem bằng tốt nghiệp hệ tại chức để tuyển dụng vào các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

bang dh chinh quy tai chuc khong nen tam thuong hoa bang cap Bằng chính quy và tại chức: Kiểm định chất lượng chưa nghiêm, đừng đổ tại văn bằng

Những tranh cãi về việc không phân biệt bằng chính quy và tại chức vẫn chưa dứt. Tại sao người dân lại có sự kỳ ...

bang dh chinh quy tai chuc khong nen tam thuong hoa bang cap Bộ GDĐT lên tiếng về việc không phân biệt bằng chính quy và tại chức

Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) đã có ý kiến chính thức về việc hai hình thức đào tạo chính quy và ...

Ngày đăng: 14:00 | 13/12/2017

/ Trương Chi/nguoiduatin.vn