Vào những năm 80 của thế kỷ 20, tại đất Cảng Hải Phòng, mỗi khi nhắc tới những băng, ổ nhóm cướp của, sát hại dân lành khét tiếng, nhiều người vẫn còn rùng mình khi nhớ lại 4 anh em họ Phạm ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên do Phạm Văn Động, sinh 1965 cầm đầu. Cả 3 đều tự trang bị súng, đạn, gặp đâu cướp đó và sẵn sàng nổ súng dằn mặt ai cản đường.
Lúc đầu với giấc mộng đổi đời, vượt biên sang Hồng Kông, châu Âu, anh em Phạm Văn Động lập băng nhóm để đi cướp...
Đứng thứ 7 trong gia đình 11 người con, khi đến tuổi trưởng thành, Phạm Văn Động cũng lên đường nhập ngũ như những trang lứa thanh niên khác trong thôn. Vốn sinh ra ở miền quê sông nước, Động rất giỏi bơi lội nên khi vào bộ đội hắn được sắp xếp đào tạo thành lính đặc công.
Sau một khóa huấn luyện khắt khe, đáng lẽ Động đã trở thành người chiến sỹ tinh nhuệ, thiện chiến nhưng với bản tính côn đồ, thích nói chuyện bằng nắm đấm, Động lại dùng những gì được quân đội trang bị để gây sự với đồng đội. Vì thế, hắn nhanh chóng bị tống cổ khỏi quân ngũ, trả về địa phương. Có chút võ, Động là “niềm tự hào” của mấy anh em trong nhà. Hắn giao du với đám thanh niên hư hỏng, kết thành nhóm đi đánh nhau, cướp bóc. Dần dần, Phạm Văn Động đã thành ác mộng với tất cả mọi người trong khu vực.
Ngày đó, ở Hải Phòng, nhất là huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy nổi lên phong trào vượt biên trái phép sang Hồng Kông, các nước châu Âu. Như bao trai làng, anh em Động khao khát trốn đi nước ngoài với giấc mơ đổi đời. Nhưng nhà hắn vốn nghèo lại đông anh em, ăn bữa trước đã phải lo bữa sau thì đào đâu ra tiền. Để biến giấc mơ thành hiện thực, 4 anh em chúng lập băng nhóm để cướp.
Ảnh minh họa
Băng của chúng gồm thành viên chủ chốt là 4 anh em ruột: Phạm Văn Động, Phạm Văn Đông, Phạm Văn Hoạt, Phạm Văn Bi và người em họ Phạm Văn Tú. Cả 5 kẻ đều là kẻ bất trị, thích xưng bá xưng hùng. Trong đó, táo tợn, hung hãn nhất phải kể đến Phạm Văn Hoạt là anh trai của Động, con thứ 6 trong gia đình, từng bị đi tù về tội cướp tài sản. Ngày Động còn ở quân ngũ, Hoạt đã kịp tạo được tiếng vang khắp vùng. Dáng người mảnh khảnh, thư sinh nhưng hắn một khi đã ra tay thì rất lạnh lùng, tàn khốc.
Phạm Văn Bi, sinh 1948, là anh thứ hai trong gia đình. Nguyên công nhân bốc xếp ở Cảng Hải Phòng nhưng do dính vào một số vụ ẩu đả, Bi bị cảnh cáo và bỏ việc về nhập hội cùng anh em. Hắn bị chính quyền nhắc nhở nhiều lần về tội trộm cắp gà vịt. Sau chuyển luôn từ trộm cắp sang cướp bóc.
Ban đầu Phạm Văn Đông, người em trai ngay sau Động chưa ra nhập hội. Nhưng sau vài lần làm “diễn viên đóng thế” bất đắc dĩ cho Động thoát thân khỏi lực lượng chức năng, lại nghe anh em rủ rê, hắn vào nhóm luôn. Qua vài lần “cọ sát thực tế”, Đông trở thành kẻ cướp máu lạnh không kém người anh Phạm Văn Động.
Là em họ, Phạm Văn Tú rất thân với anh em nhà Động. Thấy các anh mình lập băng cướp, lập tức hắn tham gia ngay. Vốn làm nghề thuyền chài, Tú rất sành sỏi địa bàn khu vực Thủy Nguyên và vùng xung quanh. Mỗi lần đánh quả lớn, Tú chính là hoa tiêu, giúp cả bọn chọn điểm và rút nhanh nhất có thể.
Thời đó, chiến tranh mới kết thúc, các kho vũ khí được đặt rải rác tại Hải Phòng, Quảng Ninh.
Do công việc bề bộn, thiếu người quản lý dẫn đến khâu trông coi khá lỏng lẻo. Phạm Văn Động nhân cơ hội đó đã cùng đồng bọn đột nhập, trộm súng, lựu đạn. Sau này khi đã kiếm được kha khá, chúng vung tiền trang bị thêm. Nhờ đó, tên nào cũng kè kè bên mình hàng “nóng”, sẵn sàng gây án.
Sắm được lượng vũ khí lớn, lại sẵn bản tính hung ác, coi trời bằng vung, chỉ cần không vừa ý ai là cả bọn vác súng đi “hỏi tội” hoặc thậm chí ném cả lựu đạn mặc cho hậu quả tàn khốc xảy ra. Tàu bè qua lại khu vực chúng “quản lý”, nhận được tín hiệu, nếu không dừng lại, chúng sẽ nổ súng dằn mặt, ra tay cướp luôn toàn bộ tài sản không cần biết tàu đó của ai.
Là anh em, lớn lên cạnh nhau từ tấm bé, 5 tên vô đạo cùng hợp cạ, chỉ cần một cái nhìn, gật đầu chúng cũng hiểu đứa kia cần gì. Cứ vậy băng nhóm Phạm Văn Động như những ác thú sông nước, tha hồ tự tung tự tác. Nhờ sự ăn ý, việc làm ăn của 5 kẻ này vô cùng thuận lợi, vẫy vùng cả một vùng, không coi chính quyền địa phương ra gì. Sự manh động của chúng làm dân trong vùng không ai dám lại gần, cứ nhác thấy bóng của 5 thằng là lập tức tránh xa.
Lâu dần băng cướp họ Phạm này quên luôn ý định vượt biên ban đầu, quyết ở lại, mở mang thanh thế. Điều này đã thực sự trở thành nỗi bất an lớn cho xã hội, nhất là nhân dân khu vực Thủy Nguyên và các vùng lân cận…
(còn nữa)
Thâm nhập ‘thị trường trai bao’: Đặt hàng qua tin nhắn (kỳ 1) Để có 1 “mỹ nam” ngoan ngoãn, lịch sự “phục vụ”, mỗi quý bà sẽ phải trả từ 2 đến 4 triệu đồng chưa kể ... |
Vụ sát hại 18 phu vàng (Kỳ 1): Người sống sót duy nhất hãi hùng kể lại Người sống sót duy nhất trong vụ 18 phu vàng bị sát hại dã man ở Quảng Nam vẫn sợ hãi khi kể lại. |
Ngày đăng: 17:00 | 13/12/2017
/ Dân Việt