Lương thấp, môi trường làm việc quá áp lực, nhiều vụ bạo hành gần đây thậm chí vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương đang diễn ra… là những nguyên nhân khiến cho lực lượng bác sĩ cảm thấy tâm tư và bất an.
Bác sĩ phẫu thuật bệnh viện công chỉ được hưởng mức thù lao rất thấp khoảng 250.000 đồng/ca mổ. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Chưa có thống kê chính thức, nhưng Bộ Y tế thừa nhận là gần đây có làn sóng bác sĩ bệnh viện công ồ ạt chạy sang làm ở bệnh viện tư. Điển hình, từ đầu năm 2017 đến tháng 3.2018, 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đã ghi nhận tổng cộng 125 bác sĩ tại các bệnh viện công xin nghỉ việc đã dấy lên nỗi lo ngại về “chảy máu chất xám” ở các đơn vị y tế công lập.
Áp lực cao nhưng lương thấp
Một bác sĩ đã có thâm niên công tác 20 năm tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội), nơi anh đánh giá là có môi trường làm việc tốt, tình cảm nhưng chế độ đãi ngộ không xứng đáng với sức lao động BS bỏ ra, nên anh đã rời đi.
“Lương thấp lắm, tính theo hệ số, thâm niên... cộng mãi vào được khoảng tầm 5-6 triệu đồng, không đủ để tôi chi trả cho các con đi học. Hiện tại, sau 3-4 năm tôi làm việc ở bệnh viện tư nổi tiếng ở Hà Nội thì mức lương của tôi khoảng vài chục triệu đồng một tháng, đủ có một cuộc sống đầy đủ” - bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng L.T.C chia sẻ với báo Lao Động.
Theo bác sĩ C, về nguyên tắc, bệnh viện tư yêu cầu các bác sĩ không được làm thêm và dành toàn bộ thời gian, tâm sức cho công việc tại bệnh viện.
“Ở viện cũ, ngoài tiền lương, chế độ, tiền mổ lúc đó khoảng 15 nghìn đồng/ca. Bác sĩ phải ra ngoài làm thêm rất nhiều, cứ lao vào kiểm tiền, không biết cuộc sống như thế nào” - bác sĩ C nói.
Bác sĩ Đ.V.S - người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện công và bệnh viện tư - tại địa bàn tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Từ khi ra bệnh viện tư tôi thấy công việc thoải mái hơn, tập trung vào chuyên môn nhiều hơn khi không còn gặp phải các “vấn đề” khó khăn tại bệnh viện công”.
Theo bác sĩ S. một nguyên nhân lớn là do các bác sĩ nhận thấy làm việc tại bệnh viện Nhà nước lương thấp lại phải “bon chen” nhiều, nên chuyển ra bệnh viện tư nhân được trả lương cao gấp 3 lần.
Bác sĩ S. là một trong số 22 bác sĩ ở Đồng Nai nghỉ việc trong 3 tháng qua. Tại địa phương này, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 108 bác sĩ, dược sĩ nghỉ việc tại các cơ sở y tế trực thuộc sở; trong đó có 7 bác sĩ chuyên khoa 1 (CKI), 18 bác sĩ chuyên khoa 2 (CKII), 4 thạc sĩ bác sĩ, 73 bác sĩ.
BS Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM chia sẻ, năm vừa qua có 23 cán bộ, công nhân viên của Trung tâm xin nghỉ việc do chế độ lương thấp (trong đó có 6 bác sĩ, 1 y sĩ, 6 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên, 3 lái xe, 1 bảo vệ). Người có lương thấp nhất khoảng 1,6 triệu đồng/tháng, bác sĩ từ 4-6 triệu đồng/tháng. Hiện Trung tâm chỉ còn 16 bác sĩ, 60 điều dưỡng, 15 dược sĩ, 12 y sĩ, 22 lái xe.
Tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, năm 2017 thu nhập trung bình đối với các cán bộ viên chức toàn bệnh viện khoảng 6,9 triệu đồng/tháng, tăng 600.000 đồng so với năm 2016. Toàn bệnh viện có khoảng 420 bác sĩ, trong năm 2017 có 4 bác sĩ đã bỏ việc để chuyển sang bệnh viện tư làm. Mặc dù con số này chỉ chiếm khoảng 1% nhưng đã gây trở ngại trong công tác khám chữa bệnh của bệnh viện.
TS- BSCK2 Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc BVUB - cho biết: “Bác sĩ bỏ làm chủ yếu là bác sĩ có tay nghề, kinh nghiệm hơn chục năm công tác… các bác sĩ này đột ngột bỏ việc, thì khó kiếm được đội ngũ bác sĩ khác thay thế. Đối với ngành ung thư, để đào tạo một bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 phải mất hơn chục năm… Tuy nhiên, đó là quyết định cá nhân khó có thể giữ chân họ”.
Phải có cơ chế đặc biệt
Đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Y tế cho hay: “Làn sóng bác sĩ “nhảy việc” từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, theo tôi không gọi là chảy máu chất xám. Đó là dịch chuyển nhân lực y tế từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ khu vực công lập sang khu vực ngoài công lập mà thôi.
Tuy nhiên nếu bác sĩ tại cơ sở y tế công tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã được đào tạo bài bản rồi mà họ lại bỏ đi về TP.Hồ Chí Minh thì quá là đáng ngại.
GS-TS Trịnh Đình Hải - GĐ Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư - cho biết: “Mới đây, có một trường hợp BS chuyển đi mà tôi rất buồn. Đó là Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ của BV. Lý do là vì làm trong nhà nước không có cơ chế chi và không có cơ chế quảng cáo, nên không thể cạnh tranh được với bên ngoài.
Vì trong BV mình không thu được giá cao, không khuyến khích được tài năng. Mình mà thu giá cao là bị phạt. Chỉ được chênh lệch 10%, BS làm được 1 ca thẩm mỹ vùng mặt 10 triệu đồng với 20 triệu đồng nhưng xảy ra trục trặc bác sĩ phải đền hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ.
Bây giờ, BV công chỉ trả chênh lệch cho BS 10% thì cả 10 năm, có khi cả 100 năm cũng không đủ trả một ca trục trặc mà bác sĩ phải gánh”.
GS Hải phân tích: Ví dụ như vậy để thấy bệnh viện công khó thực sự. Nếu giao cho tự chủ thực sự, thì làm sao bệnh nhân hài lòng là được, những người tài năng, họ làm hàng nghìn ca cũng sẽ có 1, 2 ca gặp trục trặc. Mà làm thẩm mỹ này phức tạp lắm, không có trọng tài nào cả.
Chi cho anh em làm, một tháng làm 500 triệu đồng thì phải chi cho họ để họ làm, đằng này BV công không có một cơ chế chi nào cả, thậm chí các đơn vị tư họ chi hàng tỉ để quảng cáo trên các kênh mà BV công thì không thể làm như thế được. Những trường hợp đó thì tôi rất bế tắc, đành phải dứt áo cho người ta ra đi thôi.
Theo GS Hải, phải giữ chân bác sĩ bằng cơ chế đặc biệt. Ví dụ năm 2017, chúng tôi cử khoảng 300 lượt bác sĩ ra nước ngoài học tập, nâng cao trình độ. 4 tháng đầu năm, cử khoảng trên 100 lượt bác sĩ, cứ chỗ nào có kỹ thuật cao là cử bác sĩ đi học. Hoặc chúng tôi mời họ đến viện.
Theo GS, thu nhập của BS tại bệnh viện RHM T.Ư hiện nay trung bình khoảng hơn 30 triệu đồng/tháng là khá phổ biến. Còn có những trường hợp đặc biệt thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng.
Theo ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế, hiện nay toàn ngành y tế có khoảng 70.000 bác sĩ chưa kể lực lượng bác sĩ trong ngành quân đội, công an và bác sĩ ngoài công lập. Tuy nhiên, ngành y tế chưa có thống kê cụ thể và toàn diện về tình trạng bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư.
Giải quyết “gốc rễ” của vấn đề
Trong Cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế (HPG) đầu tiên năm 2018 với chủ đề: Cơ chế tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt ra những vấn đề nan giải cần giải quyết: “Ngành y tế cần đầu tư quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế. Trong đề án cải cách tiền lương lần này, tôi là thành viên ban chỉ đạo nhà nước về đề án, thậm chí đã có lúc tôi đề xuất ngành y tế được hưởng mức lương ngang lực lượng vũ trang, quốc phòng. Vì đấy là ngành trực tiếp chăm sóc sức khỏe con người.
“Trong cải cách chính sách tiền lương, hệ thống tham mưu đang chia ra 4 bậc lương, thì theo tôi bậc lương cho chuyên môn và nghiệp vụ thì ngành giáo dục và ngành y tế phải là bậc cao nhất. Từ những vấn đề trên cần quán triệt quan điểm y tế cơ sở phải là nền tảng” - ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất.
THẢO ANH
Lương 6 triệu đồng không thể giữ bác sĩ giỏi
Nhiều địa phương có tình trạng bác sĩ bỏ bệnh viện công đi làm cho tư nhân, không có chuyện gì mới, mà chỉ ngày ... |
Vụ bác sĩ Hoàng Công Lương: Chết người mới lập biên bản giao thiết bị
Bị cáo Trần Văn Sơn khai sau khi xảy ra sự cố khiến nhiều bệnh nhân chạy thận tử vong, anh ta mới lập biên ... |
Vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: Lời khai của các bị cáo tại tòa
Trong buổi sáng nay (16/5), HĐXX tập trung xét hỏi những người liên quan đang công tác tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ... |
Ngày đăng: 10:54 | 18/05/2018
/ https://laodong.vn