Đối với Hanhan, 8 tuổi, nghỉ hè không phải thời gian thư giãn và vui chơi mà chỉ là một chuỗi các hoạt động học tập khác.

Lớp học trà đạo dành cho trẻ tiểu học ở thành phố Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc, tháng 7/2017. Ảnh: Xinhua.

Từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 8, mẹ của Hanhan, bé gái ở tỉnh Sơn Đông, miền bắc Trung Quốc, đã sắp xếp cho con 11 khóa học hè, bao gồm múa, piano, tiếng Anh.

"Những khóa học này giúp Hanhan phát triển cả về đạo đức lẫn học tập, chúng khiến mùa hè của con gái tôi có ý nghĩa", người mẹ giấu tên nói hôm 16/8.

Nhưng Hanhan không đánh giá cao nỗ lực của mẹ, cô bé mệt mỏi vì phải học quá nhiều.

"Cháu phải học một tới hai buổi mỗi ngày", Hanhan nói. "Cháu không có thời gian nghỉ ngơi. Cháu không thích nghỉ hè vì nghỉ hè còn mệt hơn đi học".

Hanhan là một trong số hàng nghìn trẻ em Trung Quốc phải tham gia các khóa học hè với nhiều nội dung khác nhau, dù muốn hay không.

Tại Thâm Quyến, một trong 4 thành phố hàng đầu ở Trung Quốc ngoài Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, khảo sát tuần trước của Xinhua, gần 90% học sinh tiểu học và trung học đăng ký ít nhất một khóa học hè.

Dù đa số các khóa học là nghệ thuật và thể thao, nhưng cũng có nhiều khóa nhằm bổ sung cho chương trình giáo dục bắt buộc như ngữ văn, toán, tiếng Anh, vật lý. Cứ ba em học sinh thì một em tham gia hơn ba khóa học hè.

Một số em coi học hè là cách đi tắt đón đầu cho năm học mới. Zhang Hang sẽ lên cấp hai vào tháng tới, rất vui vì học hè giúp cậu chuẩn bị cho việc học ở trường.

"Cháu đã chơi rất vui suốt tháng 7. Giờ cháu muốn học gì đó, vì vậy cháu chọn toán và vật lý. Cháu rất mừng vì bố mẹ ủng hộ", Hang nói.

Nhưng đối với Yuan Yuan, học sinh tiểu học, cậu bé không có quyền quyết định. Yuan bị bố mẹ ép học ngữ văn và toán dù cậu không thích. "Nếu được chọn, cháu sẽ học khóa lập trình và lắp Lego", Yuan nói.

Các nhà quan sát cho hay thị trường gia sư ngoại khóa đang bùng nổ ở Trung Quốc phản ánh sự lo lắng của các bậc phụ huynh bị áp lực bởi hệ thống giáo dục, đồng thời cho thấy nguy cơ gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Wu Xifu, hiệu trưởng trường thực nghiệm Khoa học và Nghệ thuật Nam Sơn ở Thâm Quyến, cho hay tỷ lệ đỗ đại học thấp khiến nhu cầu học hè bùng nổ.

"Chương trình giáo dục bắt buộc tại Trung Quốc không thể cung cấp cho học sinh trải nghiệm học tập đa dạng và phù hợp. Một số học sinh không theo kịp chương trình giảng dạy trong khi số khác lại thấy học ở trường không đủ, đó là lý do học ngoại khóa được hoan nghênh", Wu nói.

Năm 2017, 9,4 triệu học sinh tham gia thi đại học ở Trung Quốc và 7 triệu em đỗ cao đẳng hoặc đại học. Nhưng tỷ lệ sinh viễn đỗ vào các trường đại học trọng điểm của đất nước dao động từ 9,48% tới 30,5% ở các tỉnh, thấp nhất là tỉnh Hà Nam và Thiểm Tây với mức dưới 10%.

Lớp học thư pháp của trẻ em ở Bắc Kinh vào tháng 7/2018. Ảnh: China News.

Yang Jian, giáo viên trường tiểu học thực nghiệm Thâm Quyến, kêu gọi các bậc cha mẹ hãy dành nhiều nỗ lực hơn để nuôi dưỡng hạnh phúc và lòng tự tin cho con trẻ, thay vì tập trung vào thành tích thi cử của con.

"Phụ huynh thông minh cần kiên nhẫn và có tầm nhìn dài hạn về sự phát triển của con cái. Thực tế, cảm giác hạnh phúc quan trọng hơn là thành tích học tập", Yang nói.

Học hè cũng góp phần gia tăng khoảng cách giàu nghèo, theo báo cáo của các nhà nghiên cứu ở Baltimore, Mỹ, trích trên The Economist tuần trước. Báo cáo lưu ý rằng trẻ em sẽ quên phần lớn những gì được dạy trong năm trước kỳ nghỉ hè kéo dài. Những em gia đình có hoàn cảnh khó khăn có xu hướng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, còn trẻ em trong gia đình giàu có thường có xu hướng tham gia khóa học hè.

"Nghiên cứu cho thấy học hè có thể quyết định 2/3 khoảng cách thành tích giữa trẻ nhà giàu và trẻ nhà nghèo trong độ tuổi 14-15", trích báo cáo.

Khóc hết nước mắt với Lan - Lâm 'Những cô gái trong thành phố'
Mai Phương Thúy tiết lộ đã khóc hết nước mắt cho mối tình năm 21 tuổi
Cưới chồng giàu có nhưng tôi khóc hết nước mắt và quỳ gối xin ly hôn

Ngày đăng: 16:48 | 19/08/2019

/ vnexpress.net