Phe cấp tiến Mỹ đòi Biden quyết liệt hơn với Israel, trong khi nỗi lo khủng bố, di cư buộc châu Âu gây sức ép để Tel Aviv ngừng giao tranh với Hamas.

Giới chức Mỹ hôm 19/5 cho biết Tổng thống Joe Biden đã trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cuộc điện đàm thứ hai giữa họ trong ba ngày, nhằm bày tỏ "mong muốn xuống thang đáng kể vào hôm nay, trên lộ trình dẫn đến lệnh ngừng bắn", đề cập đến xung đột đang diễn ra giữa Israel và dân quân Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007.

Tại châu Âu, Pháp và Đức, hai đồng minh thân thiết của Israel, cũng tăng cường hành động sau nhiều ngày không gây áp lực lên Netanyahu. Các nhà ngoại giao Pháp nỗ lực vận động Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết mà họ đề xuất, kêu gọi các bên ngừng tấn công, cho phép tự do tiếp cận nhân đạo tại Gaza. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng hy vọng đến Israel vào hôm nay để hội đàm với cả phía Israel và Palestine.

Áp lực buộc phương Tây cứng rắn với Israel
Một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine tại Berlin, Đức, tuần trước. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, không có đồng minh nào của Israel công khai lên án những đòn không kích của nước này vào Gaza. Mỹ thậm chí ba lần trong một tuần ngăn Hội đồng Bảo an ra tuyên bố chung kêu gọi ngừng tình trạng bạo lực giữa Israel và Palestine.

Đối với Biden, cách tiếp cận với Israel, đồng minh thân cận nhất tại Trung Đông của Mỹ, đã trở thành thử thách cân bằng đầy khó khăn. Giữa lúc ông chủ Nhà Trắng tìm cách hàn gắn lại với Liên Hợp Quốc sau giai đoạn đầy xích mích dưới thời Donald Trump, sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel được cho là rào cản lớn.

Bên cạnh đó, các nghị sĩ Dân chủ thuộc phe cấp tiến phản ứng ngày càng dữ dội trước hành động của Israel và thúc đẩy Biden cứng rắn hơn với Netanyahu, trong bối cảnh quá nhiều dân thường thiệt mạng tại Gaza.

Rashida Tlaib, hạ nghị sĩ Dân chủ bang Michigan, hôm 18/5 chất vấn Biden khi Tổng thống Mỹ đến thăm một nhà máy, kêu gọi ông giải quyết tình trạng bạo lực leo thang và bảo vệ mạng sống của người dân Palestine. Debbie Dingell, một hạ nghị sĩ Dân chủ khác, cho biết việc Thủ tướng Netanyahu từ chối đàm phán ngừng bắn với Hamas khiến phe Dân chủ khó bảo vệ hành động của Israel hơn.

Một số người đánh giá cuộc điện đàm hôm 19/5 giữa Biden và Netanyahu là động thái xoa dịu cử tri trong nước của Tổng thống Mỹ.

"Phe Dân chủ đang thúc giục Biden cứng rắn hơn và đây là cơ hội để ông ấy chứng minh rằng mình đang làm vậy", Jonathan Schanzer, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ, một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington, nhận định.

Tuy nhiên, Schanzer đánh giá Netanyahu "không muốn tạo ấn tượng rằng ông đã được yêu cầu chấm dứt xung đột, trước khi đến thời điểm thích hợp để ra quyết định này".

Đối với các quốc gia châu Âu, áp lực ngày càng tăng trong việc thúc đẩy ngừng bắn cũng phần nào dựa trên những tính toán chính trị. Theo các bình luận viên của NYTimes, châu Âu lo ngại một sự cố hoặc quyết định không lường trước tại Gaza có thể dẫn đến một cuộc chiến trên bộ như năm 2014, hoặc sự can thiệp của nhóm dân quân Hezbollah từ Lebanon như năm 2006.

Ngoài ra, họ còn nhận thức được về những căng thẳng nội bộ đã làm phức tạp truyền thống ủng hộ Israel của Liên minh châu Âu (EU). Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 đã đưa hơn một triệu người di cư Hồi giáo đến châu Âu, bao gồm những người mang quan điểm chống Israel mạnh mẽ.

Tại Pháp và Đức, hai quốc gia có ảnh hưởng nhất EU, những cuộc tuần hành ủng hộ Palestine đôi khi biến thành biểu tình chống Israel, dẫn đến các vụ tấn công vào giáo đường Do Thái. Giới chức lo ngại những cuộc biểu tình như vậy và bạo lực nội bộ sẽ khiến cuộc xung đột kéo dài trầm trọng thêm.

Pháp đang trong tình trạng báo động vì các hành vi khủng bố Hồi giáo, thường từ những người theo đạo Hồi sinh ra tại nước này phẫn nộ với các diễn biến tại Trung Đông. Đức, nơi chào đón một triệu dân di cư hồi năm 2015, chủ yếu là người Hồi giáo, cũng đang phải chật vật kiềm chế cơn giận dữ đối với Israel.

Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng vấn đề ngày càng khó giải quyết từ sau khi Trump xuất hiện, dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa dân túy cánh hữu tại châu Âu, với quan điểm chống nhập cư và thường cũng bài Hồi giáo, đồng thời ủng hộ Israel mạnh mẽ.

Điều này được thể hiện rõ ràng qua sự vươn lên của đảng cực hữu do bà Marine Le Pen lãnh đạo tại Pháp, cùng đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Nổi bật trong số những nước châu Âu ủng hộ Israel là Hungary và Áo, cùng với một nhóm bao gồm các quan chức chủ chốt tại Ba Lan, Czech và Slovenia, khiến EU ngày càng chia rẽ hơn về vấn đề Israel - Palestine.

"Trump không chỉ thúc đẩy chính trị cánh hữu ở châu Âu, mà còn tạo ra mối liên kết mới giữa các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc - sắc tộc có xu hướng ủng hộ Israel", Hugh Lovatt, chuyên gia tại tổ chức Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, đánh giá.

Julien Barnes-Dacey, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi của tổ chức này, cho biết khi xung đột Israel - Hamas mới nổ ra, Mỹ và châu Âu "phần lớn thông cảm với Israel và sẵn sàng nới cho họ một chút không gian để thực hiện tham vọng quân sự".

"Nhưng khi dư luận bắt đầu quay lưng với Israel, các chính phủ châu Âu buộc phải phản ứng chủ động hơn và nhận thức rõ ràng rằng tình trạng này không thể tiếp diễn", Barnes-Dacey nhận định.

Đây được cho là một phần động lực thúc đẩy Pháp, nước đang tích cực làm trung gian hòa giải và kêu gọi chính quyền Biden gây áp lực lên Israel, nhằm ngăn chặn bạo lực tại Gaza trước khi xung đột trở nên tồi tệ hơn.

Trong khi đó, Biden cũng đối mặt áp lực ngày càng lớn từ phe cấp tiến trong nội bộ đảng Dân chủ. Một quan chức Pháp giấu tên cho rằng theo một cách nào đó, họ muốn tạo ra con đường cho Mỹ để giải quyết vấn đề.

Sự ủng hộ truyền thống của Đức dành cho Israel, cũng như lòng kiên nhẫn với các chiến dịch quân sự của nước này, dường như cũng suy yếu. Sau khi trao đổi với Thủ tướng Netanyahu hôm 17/5, mặc dù "lên án mạnh mẽ những vụ phóng rocket liên tiếp từ Gaza vào Israel", Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn bày tỏ hy vọng giao tranh giữa Israel và Hamas kết thúc "càng sớm càng tốt", khi quá nhiều dân thường đã thiệt mạng "ở cả hai phía".

Tuy nhiên, chuyên gia Barnes-Dacey đánh giá các nước châu Âu hiểu rằng Tel Aviv thực sự chỉ chú ý đến Washington. "Chừng nào Israel vẫn tin rằng họ được Mỹ chống lưng, họ sẽ không bận tâm đến những gì châu Âu đang làm", ông nói.

Ánh Ngọc (Theo NY Times)

Israel phớt lờ cảnh báo của Mỹ, quyết đánh Hamas Israel phớt lờ cảnh báo của Mỹ, quyết đánh Hamas
Phần tử cực đoan Israel tấn công người Palestine Phần tử cực đoan Israel tấn công người Palestine
Ông Netanyahu bác kêu gọi giảm leo thang của Biden, tuyên bố tiếp tục tấn công Ông Netanyahu bác kêu gọi giảm leo thang của Biden, tuyên bố tiếp tục tấn công

Ngày đăng: 14:25 | 20/05/2021

/ vnexpress.net