Ngoại trưởng ba nước Anh, Pháp, Đức sẽ họp bàn về căng thẳng leo thang gần đây tại Hong Kong bên lề hội nghị ngoại trưởng NATO.
"Ngoại trưởng sẽ sử dụng chuyến thăm để gặp riêng Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Dria và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhằm thảo luận về những thách thức chính sách đối ngoại chung, bao gồm sự leo thang của biểu tình Hong Kong", Văn phòng Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 19/11 thông báo.
Những người ủng hộ biểu tình Hong Kong ở Anh nói rằng Raab nên sử dụng các cuộc họp với những người đồng cấp Pháp, Đức tại Brussels, Bỉ bên lề hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay để thảo luận về tình huống tị nạn và thúc đẩy các cuộc điều tra độc lập về tình hình căng thẳng gia tăng tại Hong Kong.
Các cuộc gặp của Raab diễn ra hai ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi chính quyền Hong Kong không trì hoãn bầu cử hội đồng quận được lên kế hoạch vào ngày 24/11.
Người biểu tình Hong Kong bị cảnh sát khống chế bên ngoài Đại học Bách khoa tối 19/11. Ảnh: SCMP. |
"Dominic Raab nên sát cánh với các đối tác Pháp và Đức để kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về các cuộc biểu tình vì đây là con đường khả thi duy nhất cho một giải pháp chính trị", Johnny Patterson, giám đốc Hong Kong Watch, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh, cho biết.
Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc đại lục từ ngày 1/7/1997, nhưng vẫn được phép duy trì hệ thống luật pháp, tư pháp riêng theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ". Anh nhiều lần bày tỏ lo ngại về biểu tình Hong Kong và kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ các cam kết trong Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984 về phương án quản lý đặc khu.
Tuy nhiên, Bắc Kinh hồi năm 2017 cho biết Tuyên bố chung Trung - Anh là "tài liệu của quá khứ" và không còn nhiều giá trị thực tế, đồng thời nhiều lần yêu cầu Anh không can thiệp vào Hong Kong bởi đây là việc nội bộ của Trung Quốc.
Đức đã cấp tị nạn cho hai nhà hoạt động Hong Kong dù nước này không liên quan đến các cuộc biểu tình bùng phát hồi tháng 6 tại đặc khu này để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa người phạm tội tới xét xử tại những khu vực Hong Kong chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Hong Kong sau đó rút dự luật. Ngoại trưởng Đức hồi tháng 9 bị Trung Quốc chỉ trích vì gặp Joshua Wong, thủ lĩnh phong trào biểu tình "ô dù" ở Hong Kong.
Căng thẳng leo thang tại Hong Kong từ đầu tuần trước khi người biểu tình chiếm đóng các trường đại học, sau đó tập trung trong Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) từ ngày 17/11. Cảnh sát triển khai lực lượng vây bên ngoài trường suốt hơn ba ngày qua và sử dụng đạn cao su, hơi cay, vòi rồng để ngăn cản những người trốn ra ngoài mà không giao nộp mình.
Cảnh át trưởng Kwok Ka-chuen hôm qua cho biết 1.100 người bị bắt và khoảng 60-100 người vẫn còn trong PolyU sau ba ngày căng thẳng. Phần lớn họ bị bắt vì tội bạo loạn, có thể chịu mức án tối đa 10 năm tù. Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam kêu gọi người biểu tình chấm dứt sử dụng bạo lực để các cuộc bầu cử hội đồng quận diễn ra "kịp thời và công bằng".
Thượng viện Mỹ hôm 19/11 thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, nhằm bảo vệ quyền con người tại Hong Kong trong bối cảnh các vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình chưa có dấu hiệu chấm dứt. Trung Quốc phản ứng giận dữ trước động thái này và đã triệu tập quyền đại sứ Mỹ tại Trung Quốc để phản đối, yêu cầu Mỹ thực hiện các biện pháp để dự luật không trở thành luật.
Huyền Lê (Theo SCMP)
Ngày đăng: 16:33 | 20/11/2019
/ vnexpress.net