Mỹ đã nhắm vào một số gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, từ công ty viễn thông Huawei, hai ứng dụng Tiktok và Wechat thuộc công ty ByteDance và Tencent. Theo các nhà phân tích, Alibaba, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới và là gã khổng lồ Internet, rất có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo của Mỹ.

Vụ việc mới nhất trong loạt hành động chống lại các công ty Trung Quốc mà Washington thực hiện nhằm “hạ bệ” sức mạnh công nghệ đang lên của Bắc Kinh đã làm hằn sâu căng thẳng song phương, khiến các quốc gia và doanh nghiệp toàn cầu bị cuốn vào trận chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, buộc họ phải lựa chọn một phe để sống sót.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà sáng lập Alibaba Jack Ma trong một cuộc gặp hồi đầu năm 2017. (Ảnh: Reuters)

“Chúng ta đang ở trong một sự thay đổi mô hình và tình hình địa chính trị sẽ trải qua sự thay đổi mang tính lịch sử”, Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, đồng thời là giảng viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

Theo ông Capri, các quan chức Washington đang đưa ra "nhiều cáo buộc" chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc, một "dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump đang thực sự tìm cách tách rời" ngành công nghiệp công nghệ.

Sau khi bị Washington loại bỏ khỏi thị trường công nghệ Mỹ, ByteDance hoặc Huawei đều bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Alibaba cho đến nay vẫn chưa gặt hái được nhiều thành quả khi mở rộng sang thị trường phương Tây. “Tuy nhiên, thực tế Alibaba đã là một nhà vô địch công nghệ ở Trung Quốc, lý do này đã đủ để Washington đưa nó vào tầm ngắm”, chuyên gia Capri nhận định.

Alibaba hiện vẫn chưa bị đe dọa bởi các biện pháp trừng phạt tương tự như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất hoặc áp dụng đối với các công ty công nghệ Trung Quốc khác. Vào hồi tháng 4 vừa qua, ông Trump thậm chí đã thân mật gọi Jack Ma – nhà sáng lập Alibaba là "một người bạn của tôi" sau khi tỷ phú Trung Quốc nói sẽ quyên góp vật tư để chống lại đại dịch COVID-19.

Tuy vậy, Alibaba cũng đang được các quan chức Mỹ “để ý đến”. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề cập đến Alibaba khi ông thúc giục các công ty Mỹ loại bỏ công nghệ "không đáng tin cậy" có nguồn gốc từ Trung Quốc ra khỏi mạng kỹ thuật số của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.

Hiện tại, Alibaba đang sở hữu riêng cho mình nền tảng thương mại điện tử phổ biến rộng rãi, chủ yếu tại thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Công ty này cũng đứng sau Alipay, một trong những ứng dụng thanh toán hàng đầu tại Trung Quốc, bên cạnh WeChat Pay của Tencent.

Bất kỳ hành động nào của Washington hầu như sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và bán lẻ của công ty tại Trung Quốc, nơi vốn chiếm gần 80% trong tổng doanh thu hàng năm 509,7 tỷ NDT (73,5 tỷ USD) của Alibaba. Doanh thu bán buôn và bán lẻ quốc tế chiếm 7% tổng doanh thu của công ty, trong khi lệnh trừng phạt nhắm vào dịch vụ đám mây cũng sẽ chỉ khiến Alibaba chịu ảnh hưởng “ở mức tối thiểu” vì nó chỉ tương đương chưa đầy 10% tổng doanh thu của công ty, theo CNN.

Tuy nhiên, trong sắc lệnh hành pháp được ban hành vào tuần trước đối với Wechat cho thấy Washington có thể đang chuẩn bị “tung lưới” ở một quy mô rộng hơn. Theo Dan Wang, một chuyên gia công nghệ tại hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics có trụ sở ở Bắc Kinh, lệnh cấm WeChat có thể ngăn cản tất cả người dân Mỹ và các công ty Mỹ làm việc với bất kỳ thứ gì liên quan đến ứng dụng của Trung Quốc, và điều này có thể loại bỏ WeChat khỏi tất cả các nền tảng công nghệ của Mỹ - một động thái khiến Tencent sẽ không thể tiếp cận với các phần mềm và thiết bị trung gian cần thiết để vận hành WeChat tại Mỹ.

"Nếu phía Mỹ làm điều tương tự như vậy với Alibaba, đó cũng sẽ là một cú đánh khá lớn. Alibaba có các hoạt động đám mây rất lớn ở Trung Quốc và các phần mềm và thiết bị trung gian của Mỹ đóng vai trò nhất định giúp duy trì các hoạt động này", chuyên gia Wang nhận định.

Và mặc dù Alibaba không thu được nhiều doanh thu từ Mỹ, quốc gia này vẫn là một thị trường quan trọng. Năm ngoái, công ty này đã mở cửa kinh doanh thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ và lần đầu tiên tung ra phiên bản tiếng Anh đối với nền tảng thương mại Tmall, đồng thời đặt mục tiêu tìm cách tăng gấp đôi số lượng, lên 40.000, các thương hiệu nước ngoài hoạt động trên Tmall trong ba năm. Rất nhiều công ty lớn của Mỹ đã bán hàng trên Tmall, như Apple, Nike hay Johnson & Johnson….

Thế nhưng, các công ty Mỹ cũng có thể phải chịu tổn thất từ những hạn chế mới được áp dụng đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Ví dụ, nếu Washington buộc Apple xóa các ứng dụng "không đáng tin cậy" được phát triển bởi ByteDance, Alibaba và đặc biệt là Tencent khỏi cửa hàng App Store của họ ở Trung Quốc, iPhone sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn rất nhiều đối với những người mua tại thị trường Trung Quốc. Đơn cử như WeChat, ứng dụng này gần như đã trở thành một công cụ phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của hàng trăm triệu người Trung Quốc, từ đặt xe taxi, thanh toán hàng hóa, nhắn tin cho bạn bè và gia đình, đăng ảnh, đặt đồ ăn và hơn thế nữa.

"Nếu Apple dỡ bỏ WeChat khỏi kho ứng dụng của mình, đây sẽ là một tình huống khác biệt", người sáng lập công ty quản lý đầu tư Red Gate là Chingxiao Shao cảnh báo. "Lúc đó, thiệt hại cho Apple sẽ lớn hơn nhiều so với thiệt hại mà Tencent phải gánh chịu".

Cao Trung (Theo CNN)

Alibaba sắp lập kỷ lục ngày mua sắm Lễ độc thân Alibaba sắp lập kỷ lục ngày mua sắm Lễ độc thân

Hơn 16 tỷ USD hàng hóa giao dịch trên các nền tảng của Alibaba chỉ trong chưa đầy 90 phút Lễ độc thân, bằng nửa ...

Bên trong khách sạn do robot vận hành của Alibaba Bên trong khách sạn do robot vận hành của Alibaba

Khách sạn FlyZoo ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại của Alibaba tại Hàng Châu, Trung Quốc có giá thuê trung bình 4,7 triệu đồng/đêm.

Ngày đăng: 07:31 | 14/08/2020

/ cand.com.vn