Các chuyên gia cho rằng, nếu chọn tính điện một giá, hộ dùng ít có thể phải chịu tiền điện cao hơn trước đây, trong khi dùng nhiều lại được giảm.
Gõ cụm từ “hóa đơn tiền điện tăng sốc” trên Google có 10 trang kết quả tìm kiếm. Nếu không tính thời gian, có tới gần 14.900.000 kết quả tìm kiếm về tiền điện trong 0,27 giây. Đủ để thấy vấn đề tiền điện “nóng” thế nào.
Đối với những gia đình kêu than tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba, ngành điện giải thích do “trời nóng”, “dùng điều hoà nhiều”. Tuy nhiên, ngay trong câu chuyện “hoá đơn tiền điện tăng sốc”, nhiều người đã nhìn thấy được sự bất cập trong câu chuyện tính tiền điện theo bậc thang.
Đó là sự bất cập về khoảng cách giữa các bậc về giá tiền (chênh lệch rất lớn) - trong khi chênh lệch về chỉ số điện tiêu thụ lại rất nhỏ. Với khoảng cách chênh lệch chỉ số tiêu thụ điện giữa các bậc thang ngắn như hiện nay, hầu hết các hộ gia đình đều đang bị tính giá điện cao. Chính vì vậy, số điện mà đa phần hộ gia đình dùng sẽ không dừng lại ở bậc 1 và 2 như trước đây, bởi bậc này chỉ “thỏa mãn” nhu cầu thắp sáng và chạy quạt điện.
Và đó là lý do Bộ Công Thương đang xem xét phương án một giá điện, bên cạnh kịch bản rút gọn biểu giá bán lẻ 6 bậc xuống 5 bậc thang khi sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Theo đó, nếu được áp dụng sẽ có song song 2 biểu giá bán lẻ, người dân có thể chọn dùng điện đồng giá hoặc biểu luỹ tiến bậc thang.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết - đơn giá trong trường hợp này sẽ được xây dựng dựa trên giá điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Trường hợp người tiêu dùng chọn phương án giá điện nào thì sẽ được ngành điện áp dụng phương án đó cho tới khi có biểu giá mới.
Mức giá của phương án một giá đang được cân nhắc, nhưng chắc chắn sẽ cao hơn giá điện bình quân hiện nay là 1.864,44 đồngg/kWh. Bộ tính toán, giá điện bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh. Theo phương án này, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) tiền điện phải trả giảm từ 8.000 đến 330.000 đồng/hộ/tháng.
Không thể phủ nhận, việc tính điện một giá sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản hơn theo đúng tiêu chí dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu và sẽ không còn những thắc mắc liên quan đến hóa đơn tiền điện tăng vọt như thời gian qua. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực đó, phương án này cũng sẽ kéo theo nhiều bất cập khác.
Trao đổi với Lao Động, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng nếu áp dụng “một giá điện là khó khả thi với cơ cấu nguồn điện đang thiếu hiện nay ở Việt Nam".
Theo ông Sơn, hiện nay chi phí điện năng đầu vào ổn định, chi phí đầu ra được khống chế bởi biểu giá điện bậc thang. Khi chia biểu giá bậc thang sẽ có sự chia sẻ giữa các bậc thang khác nhau. Nghĩa là người sử dụng càng nhiều điện sẽ phải có trách nhiệm trả tiền nhiều hơn, vì điện năng là nguồn nguyên liệu hữu hạn, chính sách của Chính phủ từ trước đến nay phải tiết kiệm tài nguyên này. Chính vì vậy, không thể nào vì những thói quen tiêu dùng mà lãng phí điện.
Còn khi chuyển sang giá điện 1 bậc, câu hỏi quan trọng nhất đặt ra là mức giá là bao nhiêu? Theo tính toán của Bộ Công Thương, mức giá đề xuất một giá điện ở ngưỡng nằm giữa bậc giá 3 và 4. Song nếu để mức giá này, những người ở mức thu nhập thấp họ sẽ phải trả nhiều hơn so với những người thu nhập cao thì liệu công bằng xã hội có đảm bảo hay không. Ngược lại, nếu chúng ta để ở mức giá thấp quá thì mục tiêu tiết kiệm điện có đặt ra được nữa hay không.
“Nếu mức giá trung bình dưới 1.800 đồng hiện nay thì tôi sẽ bật điều hoà cả ngày, điều này chắc chắn luôn. Bởi, tôi không có lý do gì để tắt điều hoà, tắt các thiết bị điện khi giá điện rẻ tới mức mà có thể chi trả được. Còn nếu đặt mức giá 1 bậc ở mức quá cao (mức 4 hoặc 5 hiện tại) thì vai trò của điện 1 giá không còn nữa, bởi đằng nào chúng ta cũng phải trả ở ngưỡng đó thôi.
Cá nhân tôi nghĩ câu chuyện 1 biểu giá chỉ là đề xuất để chúng ta cân nhắc, còn chắc chắn khi tính toán Bộ Công Thương sẽ thấy phát sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết, như vấn đề cân bằng chi phí, tác động trong thói quen tiêu dùng, tiết kiệm điện, nhất là khi chúng ta hướng đến thị trường hoá, mở cửa, nhập khẩu nhiều hơn năng lượng”, ông Sơn nói.
Ông Sơn dẫn giải ở Singapore hiện đang áp dụng một giá nhưng với giá bán lẻ rất cao, trên 24 cent một kWh, hay một số bang của Australia đang áp giá 30 cent một kWh (tương đương 4.000 đồng một kWh).
Theo chuyên gia này, giá điện đầu ra được tính toán dựa trên cơ sở giá đầu vào và các chi phí vận hành, quản lý hệ thống. Chính phủ đang khống chế giá đầu ra để đảm bảo an sinh xã hội và các mục tiêu phát triển kinh tế. Và như vậy, một giá điện sẽ khó giúp ngành điện phát triển bền vững, đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội.
Còn theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc xây dựng biểu đồ giá điện phải đảm bảo các nguyên tắc: đảm bảo an sinh xã hội; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm... Chính vì vậy, chúng ta không thể xây dựng biểu đồ giá điện chỉ có 1 bậc mà phải xây dựng luỹ tiến nhiều bậc, để người nào dùng điện nhiều thì sẽ phải trả nhiều tiền.
Trên thế giới, các nước xây dựng biểu đồ giá điện khác nhau, có nơi 3 bậc, có nơi 8 bậc. Song dù xây dựng biểu đồ bao nhiêu bậc thì cũng cần đảm bảo doanh số bán điện chia cho sản lượng điện phải bằng giá điện bình quân. Hiện nay, giá điện bình quân của Việt Nam đang là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), giá này đã được điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20.3.2019.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá nêu quan điểm: Xét về mặt kinh tế, áp dụng 1 giá điện trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, cung không đủ cầu... sẽ khó tạo ra động lực để thực hiện tốt chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm, hiệu quả và cũng sẽ không thực hiện được chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách theo quy định của Luật điện lực.
Đặc biệt là khi thực hiện một giá sẽ phải kéo các mức giá hiện ở các bậc thang có giá thấp hơn giá bình quân tăng lên bằng mức giá bình quân, đồng thời cũng phải kéo các mức giá có giá cao hơn giá bình quân xuống bằng mức giá bình quân.
Cụ thể có khoảng 18,6 triệu hộ (chiếm 73,5% tổng số hộ dùng điện sinh hoạt), tiêu thụ 200kWh/tháng trở xuống (với sản lượng điện tiêu thụ chiếm 42,3% tổng lượng điện tiêu thụ) sẽ phải trả tiền điện tăng thêm từ 1,98-13% (từ 7.400 đồng - 19.000 đồng /hộ/tháng - giá chưa tính VAT) so với trả tiền điện theo giá bậc thang.
Ngược lại, có 6,75 triệu hộ còn lại (chiếm 26,6% tổng số hộ dùng điện, tiêu thụ 57,6% tổng sản lượng điện) sử dụng từ 201 kWh/ tháng trở lên sẽ được giảm tiền điện từ 0,8 - 28,79% (từ 56.500 đồng - 767.200 đồng trong dãy từ 201-1.000kWh/hộ/tháng).
Bình luận về phương án một giá điện, ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý sẽ tính toán để đưa ra phương án hợp lý trên cơ sở giá điện bình quân, và dù với phương án nào, hệ thống kỹ thuật của tập đoàn đều đáp ứng và hỗ trợ. "Quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền ra sao, áp dụng biểu giá nào, chúng tôi sẽ tuân thủ", ông nói.
Nêu ý kiến cá nhân, ông Dũng cho biết "vẫn nên duy trì biểu giá điện bậc thang, vì ít ra chúng ta cũng nên theo con đường của các nước phát triển trên thế giới". Bởi, hiện nhiều quốc gia đang áp dụng biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt theo bậc thang bởi mục tiêu rõ ràng trong tiết kiệm điện, và người sử dụng ít điện được dùng giá thấp hơn. Ngay tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật... họ vẫn duy trì chính sách giá bậc thang để khuyến khích người dân dùng tiết kiệm năng lượng.
Mức độ điện sử dụng bình quân của người dân theo thống kê của EVN đang tăng lên. Năm 2016, bình quân mức dùng điện của hộ tiêu dùng sinh hoạt là 156 kWh một tháng, hiện tăng lên 189 kWh.
"Đời sống người dân cải thiện, họ dùng nhiều thiết bị hơn nên lượng điện sử dụng cũng tăng lên. Cải tiến biểu giá điện theo hướng nào cũng nên duy trì mục tiêu tiết kiệm điện. Bởi điện là nguồn năng lượng không tái tạo, không khuyến khích tiêu dùng", ông cho biết.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch hội Bảo vệ người tiêu dùng, bên cạnh tính tiền điện theo bậc thang như đang áp dụng, Bộ Công Thương mới đây đã đưa thêm phương án tính giá điện 1 bậc. Theo ông Hùng, chúng ta nên áp dụng song song 2 cách tính giá điện: 1 bậc và bậc thang. Từ đó, người tiêu dùng sẽ tự lựa chọn cách tính nào phù hợp với mình.
Là người tham gia giám sát kiểm tra giá thành điện nhiều năm, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, VCCI) cho biết, chính sách giá điện bậc thang có 2 mục đích: Khuyến khích tiết kiệm điện; và phân phối tài sản xã hội - người giàu dùng nhiều trả tiền nhiều, người nghèo dùng ít trả tiền ít.
Tuy nhiên, biểu giá điện bậc thang của Việt Nam hiện nay tính theo tháng, nên hệ quả rất rõ, đó là sự chênh lệch giữa tháng nóng và tháng lạnh, thậm chí là sự chênh lệch giữa tháng dài, tháng ngắn.
Theo ông Đức, ở nhiều nước, họ cũng tính giá điện theo bậc thang nhưng không tính tháng như Việt Nam, mà tính theo năm. "Việc tính như vậy sẽ không có sự chênh lệch lượng tiêu thụ điện giữa tháng nóng và tháng lạnh. Một số quốc gia thuộc khối EU đã áp dụng giá điện bậc thang theo năm như thế này, tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng được", ông Đức nói.
Vị này cho rằng, ngày trước khi người dân ít dùng máy lạnh thì sự khác biệt giữa các tháng không quá lớn, bây giờ do nhu cầu máy lạnh tăng cao, lượng tiêu thụ điện nhiều, nên chênh lệch các tháng là rất lớn.
Ông Đức lưu ý, nếu áp dụng tính giá điện bậc thang theo năm, theo kinh nghiệm của các nước, họ vẫn thu tiền theo tháng (thu tiền tạm tính). Tức là họ dựa vào kết quả của năm trước, tạm tính một con số để người dân đóng một khoản tiền cố định cho 11 tháng; riêng tháng cuối cùng sẽ chốt số và quyết toán, thừa thiếu thì trả lại cho nhau, đảm bảo ngân sách có dòng tiền.
Bán lẻ điện 1 giá: Ai hưởng lợi? |
Công tơ điện tử càng thông minh, người dân càng bớt than về giá điện |
Bỏ tính giá điện luỹ tiến 6 bậc thang: Sẽ không còn hoá đơn điện tăng vọt? |
Ngày đăng: 16:36 | 18/07/2020
/ specials.laodong.vn