Quan chức kinh tế 65 tuổi, người tốt nghiệp Đại học Harvard có thể là nhân vật giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giải quyết núi nợ khủng.
Ảnh: Reuters |
Theo Bloomberg, Lưu Hạc là cố vấn quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nổi tiếng với tư cách là người dẫn dắt chính sách kinh tế trong dàn lãnh đạo Đại lục. Gần đây, ông Lưu có vẻ được chú ý nhiều hơn. Giới phân tích cho hay đây là giai đoạn mà ông trở thành nhân vật có nhiệm vụ ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính trong kinh tế Trung Quốc.
Ông Lưu Hạc |
Lưu Hạc là quan chức 65 tuổi, từng đi qua Cách mạng Văn hóa và theo học tại Đại học Harvard. Ông đã và đang hỗ trợ lèo lái nền kinh tế thứ nhì thế giới bằng nhiều hoạt động lặng lẽ. Hồi tuần trước, có thông tin cho biết ông Lưu, người vừa được bổ nhiệm vào Bộ Chính trị sẽ thế chỗ cho ông Ma Kai, năm nay 71 tuổi và sẽ sớm về hưu, vào vị trí cơ quan điều tiết tài chính Đại lục.
Nhà kinh tế học châu Á Shen Jianguang tại Mizuho Securities Asia ở Hồng Kông cho hay: “Ông Lưu giống như phiên bản Trung Quốc của cả ông Larry Summers và Ben Bernanke (quan chức Mỹ), cộng với chủ tịch hội đồng kinh tế của tổng thống Mỹ. Ông sẽ không chỉ giám sát các thị trường tài chính nói chung, trong đó có việc quản lý chính sách tiền tệ và tài chính, mà còn kiêm nhiệm luôn việc theo dõi chính sách tài khóa và các cải cách có liên quan”.
Ông Shen nhận định ông Lưu là tác giả của nỗ lực cải cách phía cung nhằm giảm tình trạng thừa cung, tăng cường vai trò của các lực lượng thị trường. Chuyên gia này cho rằng nhà kinh tế hàng đầu Đại lục sẽ là nhân vật quan trọng trong việc định hình kế hoạch kinh tế Trung Quốc.
Hiện nợ Đại lục trong cả nền kinh tế đang dần chạm mốc gấp ba lần GDP. Núi nợ Trung Quốc là hỗn hợp phức tạp của nợ hộ gia đình và nợ doanh nghiệp. Đại lục phải giảm bớt việc phụ thuộc vào tín dụng mà không khiến giá trị tài sản lao dốc vì điều này có thể cản trở nền kinh tế.
Hệ thống tài chính Trung Quốc đang dần được đại tu và mở cửa. Tuần trước, nước này bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các ngân hàng trong nước, phát tín hiệu phát triển nền kinh tế thị trường.
Với tư cách là quan chức thân cận của ông Tập, ông Lưu đã và đang giữ ghế giám đốc Phòng quản lý tài chính và kinh tế trung ương Trung Quốc, cơ quan do chính Chủ tịch Trung Quốc đứng đầu. Ông Lưu cũng là Phó chủ tịch Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu Đại lục.
“Rõ ràng là ông Lưu Hạc sẽ nắm quyền lớn trong việc thiết lập chiến lược kinh tế, dù là trên cương vị gì đi nữa. Ông sẽ giải quyết các vấn đề trong hệ thống, song sẽ không đem lại bất cứ cú sốc không cần thiết nào”, tác giả James Stent của quyển Đợt cải cách ngân hàng Trung Quốc: Chuyện chưa kể cho biết.
Ông Lưu theo học Đại học Renmin ở Bắc Kinh vào cuối thập niên 1970, nhận bằng cử nhân kinh tế công nghiệp. Sau đó, ông học kinh doanh tại Đại học Seton Hall ở bang New Jersey (Mỹ) từ năm 1992 đến 1993. Ông bắt đầu theo học Kennedy School of Government của Đại học Harvard một năm sau đó, nhận bằng thạc sĩ quản trị công năm 1995.
Quốc gia gánh núi nợ vì tiền Trung Quốc
Sân bay, cảng biển, đường sắt... do Trung Quốc xây dựng không có lợi nhuận hoặc bỏ trống chỉ khiến quốc gia nhận vốn đầu ... |
Núi nợ Trung Quốc sẽ châm ngòi khủng hoảng tài chính...
Chuyên gia kinh tế nổi tiếng Trung Quốc cảnh báo núi nợ dâng cao của nước này đang ảnh hưởng đến nền kinh tế trong ... |
(https://thanhnien.vn/kinh-doanh/ai-la-nguoi-co-kha-nang-giai-quyet-nui-no-trung-quoc-900512.html)
Ngày đăng: 18:05 | 16/11/2017
/ Theo Thu Thảo/Thanh niên