Vaccine Covivac thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trên 120 người, trong đó 96 người đã tiêm đủ hai liều, còn 24 người chưa tiêm liều hai.

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nghiên cứu viên chính trong thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac, cho biết sẽ tiêm liều hai cho số người còn lại vào ngày 15/5. Khi hoàn thành, người tình nguyện được theo dõi tại khu vực tiêm chủng một ngày, sau đó ra về.

8 ngày sau khi tiêm liều hai, người tình nguyện được mời đến khám và lấy mẫu máu để xét nghiệm, xem vaccine có gây ảnh hưởng chức năng đông máu, gan, thận... Họ cũng được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 14 sau liều hai để đo kháng thể, tiếp tục khám một lần nữa vào 2 tuần sau. Ngày thứ 197 (khoảng 5,5 tháng) và ngày thứ 365 sau liều thứ nhất, tình nguyện viên được mời đến khám lại và lấy mẫu xét nghiệm kháng thể.

Đến khoảng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, nhóm nghiên cứu sẽ dựa trên các kết quả xét nghiệm đã có để phân tích dữ liệu an toàn của vaccine và trình Bộ Y tế. Nếu được thông qua, giai đoạn 2 sẽ được triển khai ngay, dự kiến thực hiện tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

96 người thử nghiệm Covivac tiêm đủ hai liều - VnExpress

Cán bộ Viện IVAC chuẩn bị các hộp vaccine Covivac tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Xuân Ngọc.

Theo phó giáo sư Thiểm, việc thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac gặp khó khăn do đợt bùng phát Covid-19 từ cuối tháng 4. Mỗi đợt tiêm thử có từ 15-30 người, chưa bao gồm cán bộ y tế, số lượng người này khiến công tác tổ chức tiêm chủng khó khăn và vất vả hơn. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng lo ngại tình huống có người thử nghiệm vaccine không may mắc Covid-19 hoặc trở thành F1, F2, phải cách ly, gây ảnh hưởng tới tiến độ và kế hoạch nghiên cứu.

Hiện chưa ghi nhận trường hợp người tình nguyện nào bị ảnh hưởng. Nhóm nghiên cứu mong rằng dịch bệnh sớm được kiểm soát để việc thử nghiệm vaccine thuận lợi hơn.

Covivac là vaccine Covid-19 của Việt Nam, do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển. Vaccine hiện được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một tại Trường Đại học Y Hà Nội. IVAC sử dụng công nghệ tạo vaccine từ phôi trứng gà, là công nghệ sản xuất vaccine cổ điển, đã được viện áp dụng để chế tạo vaccine cúm mùa.

Trước Covivac, vaccine Nanocovax do Nanogen nghiên cứu, phát triển, đã hoàn thành tiêm đủ 2 liều cho 560 người thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai. Hiện nhóm nghiên cứu đang báo cáo kết quả và kế hoạch thử nghiệm giai đoạn ba với Bộ Y tế.

Chi Lê

Bắt đầu tiêm thử nghiệm mũi hai vaccine Covivac Bắt đầu tiêm thử nghiệm mũi hai vaccine Covivac
6 người đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine Covivac 6 người đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine Covivac
Thiếu tình nguyện viên 40-59 tuổi thử nghiệm Covivac Thiếu tình nguyện viên 40-59 tuổi thử nghiệm Covivac

Ngày đăng: 09:00 | 15/05/2021

/ vnexpress.net