Ngày 4/3, từ 4 giờ sáng, giàn bắt đầu thu chân. Trên phòng điều khiển, thấy rõ từng bánh răng quay chậm chạp và tại mỗi cột chân giàn, có một công nhân đứng bên cạnh thùng mỡ to tướng, liên tục bôi mỡ vào từng chiếc răng cưa khổng lồ.

7 ngay voi pv drilling vi ky 2 7 ngày với PV DRILLING VI

Giàn khoan tự nâng PV DRILLING VI là giàn khoan thế hệ mới nhất do PV Drilling đặt Keppel (Singapore) chế tạo, nhưng PV Drilling ...

Các chuyên viên cả ta và Tây mắt như không rời khỏi màn hình theo dõi tốc độ thu chân, đến hơn 5 giờ thì ba chiếc chân cao lênh khênh cùng bộ đế khổng lồ đã được ép gọn vào đáy sàn. Lúc này, giàn khoan đã như chiếc sà lan, nhẹ nhàng lắc lư theo từng nhịp sóng.

Hai chiếc tàu kéo loại nhỏ tới nối cáp và đưa giàn ra cửa biển. Lúc này, trời đã sáng rõ. Khu vực cảng Singapore dày đặc tàu, với mật độ mà nếu có ví “nhiều như lá tre” thì cũng không quá ngoa. Trên đường đi, qua nhiều khu lấn biển đang được thi công dang dở. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy có nơi chưa lấn xong, nhưng cầu cảng thì đã hoàn thành. Hỏi một nhân viên của Keppel, người Singapore đi theo tàu, thì mới hay là ở đây, người ta làm cái gì cũng rất đồng bộ và tiến hành nhiều công đoạn cùng một lúc. Cũng như Keppel chế tạo giàn khoan… Họ có khi chế tạo cơ bản trước, đến khi có khách đặt, chỉ cần thêm nếm, thay đổi chút ít là xong, vì vậy, tiến độ cực kỳ nhanh. Năm 2014, Kepple xuất xưởng tới 21 giàn khoan, đó đúng là con số kỷ lục.

Đến hơn 11giờ thì giàn ra đến cửa biển. Và tại đây, đã có một tàu kéo đại dương chờ sẵn. Việc nối cáp giữa tàu kéo và giàn được tiến hành nhanh chóng. Chỉ mất hơn nửa tiếng, giàn khoan bắt đầu đi ra biển với tốc độ hơn 4 hải lý mỗi giờ.

7 ngay voi pv drilling vi ky 2

Kiểm tra thiết bị trên sàn khoan

Tôi có hỏi chuyên viên di chuyển giàn khoan Đặng Khắc Dương là có thể kéo giàn đi nhanh hơn không, anh giải thích: “Về lý thuyết, giàn có thể được kéo đi với tốc độ 7 hải lý/giờ. Tuy nhiên, vì là giàn mới, cho nên chỉ được kéo với tốc độ an toàn nhất. Hơn nữa, việc đi với tốc độ nào là còn do các hãng bảo hiểm yêu cầu. Mà với họ, an toàn là trên hết, cho nên, họ luôn tâm niệm câu ngạn ngữ của Italia: Đi chậm thì an toàn. An toàn thì đi được xa”.

Trở lại chuyện chế tạo giàn khoan. Tôi hỏi Hà Ngọc Sơn, với một hãng danh tiếng như Keppel thì họ phải luôn luôn làm việc rất đúng tiêu chuẩn, trình độ của họ cũng phải rất cao rồi chứ, tại sao chúng ta vẫn phải giám sát? Anh gật đầu đồng ý và nói cho tôi biết thêm, chính nhà thầu yêu cầu chủ hàng cũng phải có người giám sát. Việc này, giống như khi chúng ta xây dựng một ngôi nhà, mặc dù đã chọn được một nhà thầu ưng ý, có đủ trình độ, năng lực, đã lựa chọn được những vật liệu thiết bị tốt, nhưng vẫn phải giám sát xem họ làm có đúng quy trình không? Để giám sát được mọi công việc thì người giám sát phải thực sự am hiểu yêu cầu kỹ thuật. Chính vì vậy, ở PV Drilling có một đội ngũ giám sát rất giỏi. Đó là những người không những được học hành bài bản, mà còn rất có kinh nghiệm làm việc ở các giàn khoan với nhiều đối tác khác nhau.

Không ai hiểu mình bằng mình. Những người kỹ sư, những người thợ dầu khí này đã làm việc trên biển ở các giàn khoan ở Việt Nam và nước ngoài, của châu Âu và châu Á, làm việc với đủ phong cách Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn... và với rất nhiều loại thiết bị nên họ hiểu hơn ai hết với điều kiện địa chất, điều kiện khoan, thời tiết, khí hậu ở Việt Nam thì phải thay đổi gì cho phù hợp.

Tôi lại hỏi: “Nếu chúng ta yêu cầu thay đổi thiết kế thì nhà chế tạo sẽ thực hiện như thế nào?”. Anh giải thích: “Với giàn này, chúng ta yêu cầu thay đổi rất nhiều, nhưng thay đổi gì thì cũng phải dựa trên một nền tảng cơ bản là thiết kế chuẩn đó. Giống như đối với thiết kế một chiếc ôtô, thiết kế ban đầu là đủ để chiếc xe có thể chạy trên những con đường tiêu chuẩn, trong các điều kiện thời tiết tiêu chuẩn. Nhưng khi vào điều kiện chiếc xe phải sử dụng không theo các tiêu chuẩn đó, thì ta có thể yêu cầu thêm chỗ nọ, chỗ kia để xe có thể chạy êm hơn, phù hợp với mặt đường hoặc thời tiết, khí hậu Việt Nam hơn. Tuy nhiên, mỗi lần yêu cầu thay đổi thì không hề đơn giản, bởi lẽ bên chế tạo có lý lẽ riêng, chúng ta cũng có lý lẽ riêng. Do đó, hai bên phải thương thảo, bàn luận rất kỹ càng. Thêm hoặc bớt một chi tiết là kéo theo sự thay đổi kinh phí và thời gian. Nhưng trong trường hợp chế tạo giàn khoan, tiền bạc chưa phải là vấn đề quan trọng nhất. Điều quan trọng hàng đầu là độ bền, độ an toàn và tin cậy. Nếu như tham rẻ vài ba triệu đô mà mua những thiết bị không đáng tin cậy, đến khi hỏng hóc thì hậu quả thật khôn lường. Một giàn khoan khi đi vào hoạt động, chi phí vận hành được tính theo giờ. Chỉ cần ngừng làm việc một giờ là đã mất đi bao nhiêu tiền, nhưng quan trọng hơn còn là uy tín, danh dự. Một giàn khoan bị hỏng, một vụ tai nạn xảy ra là lập tức các hãng dầu khí trên thế giới đều biết. Và sau đó, khi đội ngũ đó đi đấu thầu các dự án khoan trên thế giới, độ tin cậy và an toàn trong hồ sơ hoạt động sẽ bị đánh giá thấp đi rất nhiều”.

7 ngay voi pv drilling vi ky 2

Hoàng hôn trên biển

Anh nói với tôi rất nhiều về vấn đề an toàn. Thú thực, có những điều tôi cảm thấy vô cùng máy móc. Sau này tôi mới vỡ lẽ ra rằng, khoan trên đất liền đòi hỏi sự an toàn rất cao, nhưng ở ngoài biển thì còn yêu cầu cao hơn rất nhiều - mà giàn khoan thăm dò thì lại càng phức tạp, so với giàn khoan khai thác. Bởi lẽ, khi xảy ra bất cứ sự việc gì, việc ứng cứu, hỗ trợ và giải quyết đều rất phức tạp, nhiêu khê. Một công nhân bị tai nạn lao động ư? Anh ta nghỉ việc, khuyết một vị trí làm việc, nhưng bên cạnh đó còn là phải thuê máy bay đưa người bị tai nạn về đất liền và sau đó là uy tín. Chính vì vậy, PV Drilling đã xây dựng quy chuẩn về công tác an toàn và đánh giá rủi ro cực kỳ chuẩn mực không chỉ ở khu vực châu Á mà còn trên toàn thế giới.

Chiều hôm trước, tôi vào phòng cùng anh em học an toàn. Cách hướng dẫn an toàn ở đây tỉ mỉ vô cùng. Với một anh thợ hàn, trước khi bắt đầu công việc hàn phải được biết rằng, sẽ có những rủi ro gì xảy ra nếu anh ta thao tác sai. Với bất kỳ công việc nào trên giàn khoan, cũng đều được đặt ra những tình huống rủi ro, rủi ro cá nhân có, rủi ro do hoàn cảnh khách quan đem lại cũng có. Trong bất kỳ tình huống nào, người thợ đều phải có những ứng phó kịp thời, nhanh nhất, chính xác nhất.

Trưa Chủ nhật (8-3), toàn giàn tập báo động gồm chữa cháy và thoát hiểm ra xuồng cứu hộ. Tôi là người duy nhất được giàn trưởng Anthony đặc ân không phải rút thẻ, mặc dù khi lên giàn, tôi đã được cấp thẻ có tên tôi. Chiếc thẻ này đã được đặt trong hộp ở xuồng cứu sinh. Khi có lệnh rời giàn, tất cả mọi người phải mặc áo phao ra chỗ xuồng cứu sinh, rồi tự rút thẻ có tên mình. Sau đó, một người kiểm tra lại, nếu còn thẻ tên thì tức là có người vắng mặt. Hóa ra, tuần nào trên giàn cũng tập luyện. Tập xong lại rút kinh nghiệm, hướng dẫn lại cho nhau từ cách mặc áo phao sao cho nhanh nhất, rồi đặt câu hỏi và trả lời, rồi bỏ vào thùng phiếu. Sẽ có người chấm điểm và lựa chọn sau một lần tập một người có câu trả lời tốt nhất để thưởng. Phần thưởng không lớn, chỉ vài trăm ngàn, nhưng đó cũng là một sự ghi nhận.

Tôi nhớ lời ông giàn trưởng Anthony Charles Saunderson khi nói về an toàn rằng: “Mỗi khi các bạn làm một việc gì, hãy nghĩ đến nếu bạn bất cẩn, để xảy ra sự cố thì người thiệt hại đầu tiên sẽ chính là các bạn. Nếu các bạn không chết, không bị tai nạn, thương tật vĩnh viễn thì cũng mất việc. Các bạn hãy nghĩ đến gia đình, vợ con? Làm gì thì cũng hãy nghĩ đến thân mình và gia đình trước hết”.

7 ngay voi pv drilling vi ky 2

Phòng điều khiển giàn khoan

Ông cho biết thêm, ông đã làm việc ở một số giàn của PV Drilling và rất tự hào rằng, PV Drilling là nhà thầu khoan có hệ số an toàn ở mức cao nhất thế giới. Bảy năm qua, trên tất cả các giàn khoan biển của PV Drilling chưa có một vụ tai nạn nào xảy ra. “Các bạn có thể tự hào về kết quả này và mong rằng, các bạn sẽ cố gắng để PV Drilling có thể mãi mãi tự hào PV Drilling là nhà thầu khoan có hệ số an toàn hàng đầu thế giới” - ông khẳng định như vậy.

Trên giàn khoan, có một người xem ra có vẻ “nhàn” hơn cả - đó là ông chuyên viên y tế. Ông là nhân viên của một công ty chuyên cung cấp nhân viên y tế cho các giàn khoan trên toàn thế giới. Nhiệm vụ của ông là theo dõi sức khỏe của toàn thể những người làm việc trên giàn, chữa những bệnh thông thường kiểu hắt hơi, sổ mũi; và khi có tai nạn xảy ra thì phải sơ cứu và bằng mọi cách chuyển người bị nạn tới bệnh viện nhanh nhất.

Tôi có hỏi ông rằng, với những người làm việc trên các giàn khoan, đặc biệt là các giàn khoan thăm dò như của PV Drilling thì bệnh nghề nghiệp thường mắc phải là bệnh gì? Ông cho hay là: Những người làm việc trên các giàn khoan trên biển trước hết là những người đàn ông đích thực. Họ có sức khỏe, bản lĩnh, ý chí. Tuy nhiên, do làm việc lâu năm, họ có thể mắc các bệnh như giảm thính lực do chịu tiếng ồn trong thời gian dài hoặc trầm cảm nhẹ do không chịu nổi áp lực công việc trên giàn khoan. Vì vậy, ông còn có một nhiệm vụ là phải quan sát xem có ai “thường xuyên ngồi lặng lẽ” thì phải quan tâm, chăm sóc người đó nhiều hơn. Nếu như thấy người đó không thay đổi được thì bắt buộc phải thay thế. Ông đã làm việc ở nhiều giàn khoan của PV Drilling và nhận thấy hiện tượng này chưa xảy ra, nhưng cũng vẫn phải luôn luôn để ý.

Cuộc sống trên giàn khoan thật kỳ lạ! Với những người chưa hiểu về nghề dầu khí, họ luôn có ý nghĩ rằng, những người thợ dầu khí là những người giàu có, làm công việc chỉ đơn giản là đưa mũi khoan xuống lòng đất, lòng biển và hút dầu lên để bán. Thậm chí, họ chỉ thấy những người công nhân dầu khí ở trên giàn khoan làm việc 1 tháng là được nghỉ 1 tháng, được ở trong những căn nhà sạch sẽ, tinh tươm, quanh năm điều hòa mát rượi, ăn uống đầy đủ với các loại trứng, thịt, cá, sữa, nước trái cây... Như thế thì sướng quá còn gì. Trong khi người công nhân trên bờ ăn uống thiếu thốn, thì sống như công nhân trên giàn khoan, giàn khai thác thực đúng là… “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Nếu như là người nước ngoài làm trên giàn, họ thường chỉ làm nửa tháng là nghỉ nửa tháng còn lại, còn ở Việt Nam để tiết kiệm thì những người công nhân, kỹ sư làm việc trên giàn khoan làm 1 tháng, rồi mới nghỉ.

7 ngay voi pv drilling vi ky 2

Luyện tập chữa cháy trên giàn khoan

Nhưng sau 7 ngày lênh đênh trên biển cùng giàn PV DRILLING VI, tôi lẩn mẩn tìm hiểu và ngộ ra rằng, công bằng mà nói, đồng lương mà họ được hưởng như hiện nay chưa xứng đáng với sức lực họ bỏ ra.

Bạn đọc hãy tưởng tượng thế này: Một người công nhân làm việc trên giàn khoan khi đi vào hoạt động phải làm việc suốt 30 ngày, không có thứ Bảy, Chủ nhật, không có ngày lễ. Kể cả đêm giao thừa thì cũng chỉ được… 30 phút “chúc mừng năm mới”. Mỗi ngày làm việc theo hai ca. Một ca bắt đầu từ 12 giờ đêm đến 12 giờ trưa. Ca sau từ 12 giờ trưa tới 12 giờ đêm. Họ làm việc 15 ngày ca đêm, rồi lại đổi 15 ngày ca sáng. Trong suốt 30 ngày đó, mỗi ngày họ làm việc 12 tiếng, sau 4 tiếng mới được nghỉ 30 phút. Như vậy, nếu tính thời gian làm việc thì mỗi người công nhân làm việc trên giàn khoan so với công chức hoặc người làm việc trên đất liền nhiều gấp rưỡi. Họ có thể được trả 20 triệu đến 50 triệu hoặc 70 triệu mỗi tháng làm việc trên giàn, tùy theo từng công việc và vị trí, nhưng tháng nghỉ sau đó, họ chỉ được hưởng mức lương cơ bản chẳng đáng là bao nhiêu. Nếu cộng 2 tháng lại, chia đôi mức lương được hưởng ra thì lương của người công nhân dầu khí không hề cao. Một anh công nhân chuyên móc cáp cần cẩu nói với tôi: “Lương của cháu là 21 triệu, khi về bờ thì chỉ có 3,5 triệu. Như vậy là mỗi tháng chỉ có 12 triệu. Mức lương như vậy đâu có cao. Trong khi đó, chúng cháu làm việc với cường độ và áp lực ghê gớm”.

Nhưng điều mà khiến anh em “lăn tăn” nhất chính là sự chênh lệch quá lớn giữa công nhân nước ngoài và công nhân Việt Nam. Cũng một vị trí công việc và trách nhiệm như nhau thì người nước ngoài được trả cao gấp 3-5 lần người Việt. Mà bây giờ, trên các giàn khoan, đội ngũ kỹ sư, công nhân người Việt có năng lực và trình độ không thua kém bất cứ ai, nếu như không nói là hơn nhiều quốc gia khác.

7 ngay voi pv drilling vi ky 2

Trợ lý kíp trưởng Trần Thanh Phương và thợ làm việc trên cao Phan Quốc Quân trên đỉnh tháp khoan.

Lúc lên giàn khoan được kéo từ Singapore về Việt Nam, tôi những tưởng rằng 7 ngày lênh đênh trên biển sẽ được ngắm trăng, đàn hát, có khi còn có chén rượu vui vẻ. Nhưng hóa ra không phải như vậy. Ở trên giàn khoan, một hớp rượu, một lon bia cũng không có. Việc uống rượu, bia bị cấm hoàn toàn. Người nào vi phạm thì hình thức kỷ luật duy nhất là đuổi việc nên cũng không ai dám mang lén lên. Trong suốt hành trình 7 ngày trên biển, những người thợ vẫn hành trình đều đặn mỗi ngày 2 ca làm việc. Họ phải làm rất nhiều việc để khi giàn khoan về đến địa điểm khoan thẩm lượng cho mỏ mới là có thể bắt tay vào công việc ngay. Nào là thêm thiết bị, gia công chỗ nọ, chỗ kia, rồi xếp đặt kho tàng... Có muôn vàn công việc phải thực hiện và những người thợ vì vậy cứ quần quật suốt ngày đêm. Ấy là chưa kể khi biển động, sóng trào lên, mấy anh em đang làm việc bị một cơn sóng chồm lên, ướt hết quần áo.

Nghề thợ khoan thật kỳ lạ! Duy nhất trong suốt quãng hành trình, có một buổi tối, trong khoảng một giờ đồng hồ, anh em ra sàn tầng 3 - nơi mọi người vẫn gọi là “sàn biểu diễn thời trang” để đàn, hát. Trên giàn khoan có nhiều công nhân có tay đàn rất khá, đặc biệt là anh Lê Ngọc Nhật - người phụ trách đội “bưng, bê, kê, dọn”. Nhật đánh đàn điệu nghệ, có giọng hát đặc trưng xứ Huế ấm áp, nhẹ nhàng. Ngoài Nhật còn có một anh chàng tên Vũ hát xẩm khá hay. Bài hát xẩm của anh có tên là “15 ngày phép”, lời bài xẩm có đoạn:

“Vụ mùa, gặt hái vừa xong.

Nghe tin anh về phép, trong lòng em sướng vui.

Anh đi công tác xa xôi

Hôm nay nghỉ phép, về chơi thăm nhà.

Một là thăm mẹ, thăm cha.

Hai thăm cô bác, ba là anh thăm em…”.

Bài hát xẩm này có từ thời chống Mỹ và thường được hát trên các chuyến tàu điện ở Hà Nội. Ngày ấy, trên các chuyến tàu điện hay tại các bến xe, bài xẩm này cùng bài “Lỡ bước sang ngang”, “Trăng sáng vườn chè” là không thể thiếu.

Người đệm trống cho anh là Phan Quốc Quân. Sau hơn một giờ đồng hồ, ai lại vào việc nấy. Từ hôm đó trở đi, tôi không còn nhìn thấy sự nghỉ ngơi của anh em trên giàn. Sau ca đêm, họ tắm gội, ăn uống, rồi lăn ra ngủ để lấy sức cho ca sau. Nói về chuyện ngủ, anh em ở đây khổ nhất là khi đổi ca. Đang làm 15 buổi ca ngày, đã quen với nhịp sinh học của công việc ban ngày lại phải đổi làm ca đêm. Vậy là lại mất mấy ngày làm quen. Khi vừa quen được thì lại phải quay lại nhịp cũ. Có khác gì một người cứ ở Việt Nam 15 ngày lại sang tận châu Mỹ với múi giờ lệch nhau cả nửa ngày, rồi 15 ngày sau lại quay về. Quanh năm suốt tháng như vậy, quả thật là nếu không phải thần kinh thép thì không thể nào trụ được.

(Xem tiếp kỳ sau)

7 ngay voi pv drilling vi ky 2 7 ngày với PV DRILLING VI

Giàn khoan tự nâng PV DRILLING VI là giàn khoan thế hệ mới nhất do PV Drilling đặt Keppel (Singapore) chế tạo, nhưng PV Drilling ...

7 ngay voi pv drilling vi ky 2 Kỳ tích mới ở Biển Đông của PVN (Kỳ 2)

Trở lại một chút lịch sử của dự án. Từ năm 1992, hãng dầu khí nổi tiếng thế giới BP của Anh đã phát hiện ...

7 ngay voi pv drilling vi ky 2 Kỳ tích mới ở Biển Đông của PVN (Kỳ 1)

Sau gần 5 năm năm đi vào khai thác thương mại, tính đến 31/1/2018, Dự án Biển Đông 01 đã khai thác được hơn 8 ...

Ngày đăng: 06:30 | 07/03/2018

/