Ngày 14/7, Bộ Y tế thông tin về tình hình tiếp nhận, phân bổ vaccine phòng COVID-19 thời gian tới.
Theo Bộ Y tế, dự kiến khoảng 124 triệu liều vaccine COVID-19 từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam cho tới cuối năm 2021, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Giải pháp tiếp cận vaccine phòng COVID-19 toàn cầu COVAX Facility (38,9 triệu liều).
Bên cạnh đó, Bộ cũng đàm phán trực tiếp mua vaccine của Pfizer/BioNTech 31 triệu liều, mua của AstraZeneca 30 triệu liều; Tập đoàn T&T mua 40 triệu liều Sputnik-V của Nga và sẽ hỗ trợ miễn phí 20 triệu liều cho Bộ Y tế; Vaccine do Chính phủ Nga, Trung quốc, Nhật Bản, Đại sứ quán các nước... hỗ trợ (khoảng 3,5 triệu liều).
Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất trong lịch sử. |
Tuy nhiên, do nguồn cung vaccine khan hiếm trên toàn thế giới, nên 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam mới nhận được gần 3,9 triệu liều vaccine, tháng 7 dự kiến sẽ tiếp nhận gần 9 triệu liều. Toàn bộ số vaccine tiếp nhận được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đang có dịch, thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ, các tỉnh, thành phố nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư và địa phương có biên giới, giao lưu đi lại lớn, cửa khẩu quốc tế và theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Dựa trên nguyên tắc này, thời gian vừa qua lực lượng công an, quốc phòng và các tỉnh, thành phố tình hình dịch phức tạp như TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh được ưu tiên phân bổ vaccine nhiều hơn các tỉnh, thành khác.
Các đơn vị, tỉnh, thành tiếp nhận vaccine thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên theo quy định tại Nghị quyết số 21 của Chính phủ bao gồm: Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Người cung cấp dịch vụ thiết yếu; Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; Người sinh sống tại các vùng có dịch; Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Y tế bổ sung thêm một số đối tượng ưu tiên năm 2021 - 2022, gồm:
- Người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch…), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế…cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch;
- Các chức sắc, chức việc các tôn giáo;
- Người lao động tự do;
- Người có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
- Người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam;
- Người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo;
- Lực lượng bác sỹ trẻ;
- Người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính và các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
Tính đến ngày 13/7, Bộ Y tế phân bổ 11 đợt vaccine với tổng số hơn 8 triệu liều cho các đơn vị, địa phương. Thời gian tới tuỳ thuộc vào số lượng, chủng loại từng đợt vaccine được tiếp nhận, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ theo nguyên tắc nêu trên.
PHẠM QUÝ
Bộ Y tế cho phép tiêm trộn vaccine, khuyến cáo phải theo dõi sức khỏe người tiêm |
Bộ Y tế quyết định đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm vaccine COVID-19 Nano Covax |
Ngày đăng: 14:34 | 14/07/2021
/ vtc.vn