Sau một thập kỷ, gần một nửa thỏa thuận hợp tác giữa các ngân hàng nội và cổ đông chiến lược nước ngoài đã chấm dứt.
Mới đây, đại diện Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) xác nhận, cổ đông chiến lược nước ngoài Société Générale đã thoái toàn bộ phần vốn sở hữu sau 10 năm. Société Générale đầu tư vào SeABank từ năm 2008 và nâng sở hữu lên mức tối đa 20%.
Không riêng SeABank, chỉ trong hai năm gần đây đã có 5 trường hợp tương tự. Hơn chục thương vụ hợp tác chiến lược của khối ngân hàng nội và các tổ chức nước ngoài cách đây hơn thập kỷ, tính đến nay chỉ còn lại hơn một nửa.
Standard Chartered và ACB là "cuộc hôn nhân" dài nhất trong số những thương vụ đã thoái vốn của đối tác ngoại.
Trào lưu "tìm rể ngoại" với hệ thống các ngân hàng mở đầu cách đây hơn một thập kỷ, đặc biệt là giai đoạn 2005 - 2011. Mở đầu là ba thương vụ năm 2005 giữa ACB - Standard Chartered, Techcombank - HSBC và Sacombank - ANZ.
Được thúc đẩy bởi sự mở rộng của hệ thống tài chính, "miếng bánh" ngân hàng hấp dẫn cùng thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh giúp những nhà băng Việt Nam trở nên hấp dẫn. Mối quan hệ hợp tác, ngoài lợi ích kinh doanh khi tham gia sâu hơn vào quản trị, còn giúp những đối tác ngoại gián tiếp "khảo sát" hệ thống tài chính Việt Nam, đặt những "viên gạch đầu tiên" để bước vào một thị trường tài chính ở mức độ sơ khai nhưng có sức hấp dẫn cao.
Sau ba thương vụ năm 2005, năm 2006, VPBank "kết duyên" với Overseas Chinese Banking Corporation Limited (OCBC). Năm 2007, Habubank đón cổ đông chiến lược Deutsche Bank, Eximbank bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui.
Rồi sau đó, lần lượt OCB, ABBank, Vietcombank, SeABank, VIB và cuối cùng là VietinBank tìm được những đối tác ngoại ưng ý. Hàng nghìn tỷ đồng từ những thương vụ này tiếp thêm nguồn lực cho khối ngân hàng nội, vừa giúp đẩy mức vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng, vừa tạo nguồn lực cho việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.
Làn sóng "kén rể ngoại" dừng lại sau năm 2011 khi hệ thống tài chính Việt Nam rơi vào khủng hoảng. Dư âm từ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 cùng những hệ quả từ giai đoạn mở rộng dòng vốn tín dụng hướng vào những lĩnh vực "nóng" như chứng khoán hay bất động sản khiến thị trường tài chính trở nên thiếu ổn định.
Năm năm trong giai đoạn trở mình của hệ thống, tìm lại điểm cân bằng mới cho ngành tài chính nhưng cũng là lúc mở đầu cho làn sóng thoái vốn của những cổ đông chiến lược.
Việc đến và đi của đối tác ngoại không nằm ngoài dự đoán nhưng không có một lý do nào là chung nhất, mỗi "cuộc hôn nhân" khi kết thúc đều mang những sắc thái riêng.
Đầu năm 2012, ANZ - cổ đông chiến lược nắm giữ 10% vốn - thông báo thoái vốn khỏi Sacombank. Cuộc chia tay đầu tiên giữa cổ đông ngoại và ngân hàng nội diễn ra đồng thời với việc rút lui của hai nhóm cổ đông khác, ngay trước khi Sacombank bước vào giai đoạn "sóng gió". Hơn nửa năm sau ngày ANZ "chia tay", ông Đặng Văn Thành rời chức Chủ tịch HĐQT Sacombank, ngân hàng này đổi chủ với những diễn biến bất thường. Giới phân tích khi đó cho rằng ANZ đã được tiếp cận bởi nhóm cổ đông có ý định thâu tóm Sacombank và đã chấp nhận việc thoái vốn với mức giá hợp lý.
Cuối năm 2013, OCBC thoái toàn bộ gần 15% đang sở hữu tại VPBank sau hơn 7 năm đầu tư. Cũng có phần tương đồng với ANZ, lý do của thương vụ này không xuất phát từ bất đồng hay mâu thuẫn, đơn giản là người mua đã trả giá đủ hấp dẫn.
Theo bình luận của Singapore Business Review khi đó, OCBC đã "không cưỡng lại được" lời đề nghị mua cổ phần của nhóm nhà đầu tư trong nước. Ba nhà đầu tư đã tiếp cận và đề nghị mua toàn bộ số cổ phần VPBank do OCBC nắm giữ với mức giá 55,5 triệu USD. Mức này cao hơn 35% so với giá vốn của OCBC, chưa tính tới đợt chia cổ phiếu thưởng trước đó một năm với tỷ lệ 14,25%.
Nhưng không phải tất cả thương vụ đều vì giá bán hấp dẫn, việc HSBC thoái vốn khỏi Techcombank là một ví dụ.
HSBC thoái vốn khỏi Techcombank được giới phân tích đánh giá một phần từ vấn đề quản lý.
Giữa năm 2017, HSBC thông báo việc thoái toàn bộ gần 20% vốn sở hữu tại Techcombank. Theo phân tích của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) khi đó, việc thoái vốn là "không bất ngờ" và một phần nguyên nhân có thể đến từ vấn đề quản lý. Từ năm 2012, vai trò của HSBC tại Techcombank dần bị giảm thiểu, theo HSC, có thể một phần do những mâu thuẫn tiềm ẩn khi cùng là các ngân hàng hoạt động trong thị trường Việt Nam.
Hai thành viên người nước ngoài trong Hội đồng quản trị của Techcombank đã rút lui từ năm 2014 và các nhân sự ngoại trong ban điều hành cũng giảm dần trước khi HSBC thoái vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đã có được giấy phép mở chi nhánh tại Việt Nam. Việc phân tán nguồn lực được đánh giá là không cần thiết, trong khi giai đoạn đó khoản đầu tư vào Techcombank được xem là không hiệu quả khi ngân hàng này liên tục không chia cổ tức.
Đầu năm 2018, hai thương vụ rút lui của cổ đông chiến lược ngoại là BNP Paribas thoái toàn bộ gần 19% tại OCB và Standard Chartered "chia tay" ACB. Tuy nhiên, cả hai thương vụ này đều đã được "hẹn giờ" từ trước.
Tại phiên họp thương niên đầu năm 2017, Ngân hàng của Anh đã tiết lộ sẽ rút vốn khỏi ACB, được đánh giá là động thái cơ cấu lại danh mục đầu tư sau khi ngân hàng này cũng được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Lý do này cũng được nhắc tới trong thương vụ gần đây khi Société Générale thoái toàn bộ 20% cổ phần của SeABank.
Trong một lần trả lời VnExpress, Tổng giám đốc VPBank - ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, hạn chế lớn nhất của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là chỉ nhìn về thị trường Việt Nam như một đích đầu tư ngắn hạn.
Nhìn lại các cuộc hợp tác nội - ngoại đều thấy các nhà đầu tư được xem là "chiến lược" chủ yếu vẫn nhìn các nhà băng Việt như một khoản đầu tư mà họ có thể "cơ cấu danh mục đầu tư" bất cứ lúc nào.
Ngoài những cuộc "chia ly" sớm, ở chiều ngược lại, cũng không thiếu những mối quan hệ khăng khít. Commonwealth Bank of Australia (CBA) đầu tư vào Ngân hàng Quốc tế VIB từ năm 2010 và đến nay vẫn đang nắm 20% vốn của nhà băng này. Giữa năm 2017, CBA thậm chí còn bán toàn bộ hoạt động chi nhánh của mình tại TP HCM cho VIB, một động thái được đánh giá cao cho sự khăng khít nhiều hơn theo nghĩa "rút khỏi thị trường Việt Nam".
Một trường hợp khác là Deutsche Bank đầu tư vào Habubank. Ngân hàng của Đức nắm giữ 10% vốn của Habubank từ giữa năm 2007 theo một thỏa thuận đầu tư chiến lược và tiếp tục nâng sở hữu sau đó. Kể cả khi Habubank sáp nhập vào SHB, khoản đầu tư này vẫn được nắm giữ bởi Deutsche Bank. Tuy nhiên với sở hữu tại nhà băng mới dưới 5%, Deutsche Bank từ cổ đông chiến lược của một nhà băng nội đã chuyển thành một khoản đầu tư tài chính khi cổ đông này không đủ điều kiện cử người tham gia vào HĐQT.
Tương tự với hai ngân hàng quốc doanh thuộc hàng lớn nhất hệ thống như Vietcombank hay VietinBank. Mizuho mới đây còn mua thêm cổ phần tại Vietcombank để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 15% khi nhà băng đứng đầu hệ thống phát hành riêng lẻ cho đối tác khác. Còn tại VietinBank, The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (MUFG) đã sở hữu gần 20%, mức tối đa cho phép với một cổ đông tổ chức với một ngân hàng.
Dòng vốn ngoại vẫn luôn là điều cần thiết với hệ thống ngân hàng - những định chế có quy mô vốn lớn mà việc huy động từ những nhà đầu tư trong nước còn nhiều hạn chế. Đặc biệt trong giai đoạn chuyển dịch lên những tiêu chuẩn quản trị cao hơn, như Basel II, đây có thể là một động lực không thể thiếu để giải quyết bài toán "khát vốn".
Sau một thập kỷ từ làn sóng "kén rể ngoại" đầu tiên, khoảng trống từ sự ra đi của những cổ đông đến trước sẽ là cơ hội cho những đối tác mới xuất hiện. Nhưng khác với sự ồ ạt của cách đây 10 năm, các ngân hàng nội, với quy mô và tầm vóc khác xa giai đoạn trước, sẽ có nhiều toan tính hơn cho việc chọn lựa.
Minh Sơn
Nhân viên ngân hàng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng
Tại Nam A Bank, hằng tháng ngoài mức lương cơ bản, nhân viên các bộ phận kinh doanh luôn được tham gia nhiều chương trình ... |
Ngân hàng hợp tác với tổng thống Venezuela sẽ "không yên" với Mỹ
Một quan chức Mỹ cấp cao hôm 6-3 cho biết Washington phát hiện Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang nỗ lực hợp tác với các ... |
Chân dung vị tỷ phú giàu thứ 3 Việt Nam với khối tài sản nghìn tỷ
Mới đây, trong danh sách của Forbes đã cập nhật thêm danh tính của 2 tỷ phú đô-la mới của Việt Nam, một trong số ... |
Hết năm 2020, toàn bộ ngân hàng thương mại phải lên sàn
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị ... |
Ngày đăng: 15:48 | 14/03/2019
/